Chống sai phạm, tham nhũng trong tín dụng, ngân hàng

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm báo cáo Chính phủ đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị chuyên đề về chống sai phạm, tham nhũng trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 30/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, hạn chế vi phạm, tội phạm, tham nhũng, góp phần lành mạnh hóa hoạt động tín dụng, ngân hàng; bảo đảm an toàn tiền gửi của tổ chức, của nhân dân.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định trong những năm qua, hệ thống ngân hàng đã góp phần xứng đáng vào những thành tựu của đất nước, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng, ngân hàng hiệu quả kinh doanh còn thấp, một số tổ chức, đơn vị còn chưa tuân thủ quy định của Nhà nước dẫn đến nhiều sai phạm gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng cần đẩy mạnh công tác phòng, chống vi phạm, tội phạm, tham nhũng và nhấn mạnh một số nội dung: Ngân hàng Nhà nước sớm báo cáo Chính phủ đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại.

Các ngân hàng cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục; chú trọng khâu tuyển chọn, đề bạt quản lý cán bộ; kiên quyết chuyển đổi vị trí công tác hoặc loại ra khỏi tổ chức, đơn vị đối với những cán bộ có dấu hiệu vi phạm, tham nhũng; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu đơn vị để xảy ra sai phạm, tham nhũng. Tăng cường công tác tự kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng, ngân hàng. Xây dựng và thực hiện quy chế công khai, minh bạch thông tin.

Các tổ chức tín dụng, ngân hàng tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để sớm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm, tội phạm, tham nhũng. Các cơ quan chức năng coi công tác quản lý hoạt động tín dụng, ngân hàng là nhiệm vụ chung, cần phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng bảo đảm an ninh tiền tệ, hoạt động tín dụng, ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân.

Hội nghị đã nghe Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương Phạm Anh Tuấn trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng qua kết quả khảo sát trên 30 vụ án tham nhũng trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng.

Báo cáo đã nêu lên một số nét điển hình về vi phạm, tội phạm, tham nhũng; những hành vi, thủ đoạn của tội phạm, tham nhũng; một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm, tội phạm, tham nhũng.

Báo cáo vạch rõ những hành vi phạm tội đặc trưng thường gặp của nhóm đối tượng phạm tội là cán bộ ngân hàng, nhóm đối tượng phạm tội ngoài ngân hàng; đồng thời nêu lên những hạn chế, nguyên nhân dẫn đến tội phạm, tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng.

Báo cáo xác định phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng là lĩnh vực trọng tâm công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ban Chỉ đạo tiếp tục đưa hoạt động tín dụng, ngân hàng thành một trong những lĩnh vực trọng tâm cần tập trung chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ 2011-2015 và trong những năm tiếp theo…

Tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã trình bày các chủ trương và giải pháp quản lý trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng báo cáo về một số kinh nghiệm và biện pháp trong phát hiện, xử lý và phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực này tại thành phố.

Các tham luận của đại diện các cơ quan chức năng cũng đã làm rõ tình hình vi phạm, tội phạm, tham nhũng và những giải pháp cụ thể để phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế tình trạng vi phạm, tham nhũng trong lĩnh vực này./.

Hà Huy Hiệp (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục