Chống ngập đô thị bằng xử lý nước thải phi tập trung

Với ưu việt hợp với thực tế Việt Nam, hệ thống xử lý nước thải phi tập trung là giải pháp chống ngập úng hiệu quả tại các đô thị lớn.

Hệ thống quản lý nước thải phi tập trung đang được coi như một giải pháp công nghệ tiến tiến trong tương lai để xử lý nước thải, thoát nước chống ngập úng, vệ sinh môi trường tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh...

Bàn về giải pháp này, Hội thảo “Quản lý và xử lý nước thải phi tập trung tại các đô thị Việt Nam” ngày 8/12 cũng nêu một thực trạng là hệ thống thoát nước tại các đô thị của Việt Nam hiện nay chủ yếu được xây dựng từ thời Pháp thuộc, đường ống nước thải và đường ống nước mưa chung nhau, dẫn đến việc khó khăn trong quá trình xử lý nước thải, đặc biệt là nước thải sinh hoạt. 

Trong điều kiện Việt Nam chưa có được một hệ thống thu gom nước thải hoàn chỉnh và đồng bộ, hệ thống thoát nước trong các khu đô thị mới chỉ quan tâm làm thế nào để nước không bị ứ đọng trong nội đô thì việc sử dụng hình thức xử lý phân tán phi tập trung sẽ là một giải pháp khả dĩ.

Hệ thống này sẽ cho ra đời nhiều công nghệ xử lý nước thải khác nhau, phù hợp từng thành phố, vùng miền, địa hình đặc thù.

Bên cạnh đó, nước thải trong nội đô hiện nay vẫn đổ ra các con sông trong khu vực, nếu xây dựng được hệ thống xử lý nước thải phi tập trung sẽ tránh gây ô nhiễm trên các con sông.

Đặc biệt, với giải pháp này sẽ không cần phải xây dựng hệ thống cống và có thể tái sử dụng nước thải đã qua xử lý, do vậy giảm chi phí vận chuyển nước thải xuống chỉ còn 10% hệ thống thông thường.

Thực tế, tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương... phương pháp xử lý nước thải phi tập trung đã được sử dụng tại một số bệnh viện, khách sạn, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp dưới hình thức trạm xử lý quy mô nhỏ. Tuy nhiên, hầu hết chưa có khung pháp lý, phương pháp tiếp cận hệ thống cũng như khả năng theo dõi, quản lý, giám sát.

Theo quy định hiện hành, nước thải phải được xử lý sạch trước ra các hệ thống sông. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về kinh phí nên quy định chưa được thực hiện triệt để.

Các nhà khoa học đã tính toán rằng, khoản đầu tư cho thoát nước phải gấp 3 lần cho cấp nước mới đảm bảo vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu chỉ ra rằng yếu tố tiên quyết hiệu quả của hệ thống là việc áp dụng bù đắp chi phí thoát nước với đối tượng sử dụng theo nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền.”

Tuy vậy, việc thu phí thoát nước hiện nay chưa đủ để đáp ứng cho chi phí vận hành và quản lý, chưa kể đến nguồn máy móc, thiết bị cần nhập về.

Trên thế giới, nhiều quốc gia có riêng một ủy ban độc lập quyết định giá thu phí cho phù hợp và đủ để đầu tư trở lại. Ở Việt Nam, việc này do chính quyền cấp tỉnh quy định nên gặp nhiều khó khăn.

Theo điều tra của Hôi Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nước thải sinh hoạt hiện chiếm khoảng 80% tổng lượng nước thải tại các thành phố của Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước và vấn đề đang có xu hướng ngày càng xấu đi./.

Thiên Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục