Nguy cơ cháy nắng ở môi phổ biến hơn mọi người thường nghĩ. Việc bảo vệ vùng da này khỏi ánh nắng Mặt trời cũng quan trọng không kém gì so với các bộ phận khác trên cơ thể.
Vậy bạn đã biết cách chăm sóc đôi môi khỏi bị cháy nắng chưa?
Việc da mặt hay bất cứ nơi nào trên cơ thể bị cháy nắng đều có thể trở thành vấn đề nghiêm trọng. Cháy nắng không chỉ gây đau đớn, tàn phá làn da nặng nề, mà còn là nguyên nhân tăng nguy cơ ung thư da.
Vùng da môi của bạn là nơi dễ bị cháy nắng nhất, nhưng lại là nơi mọi người thường quên chống nắng nhất.
Hai bác sỹ da liễu người Mỹ Jeannette Graf và Michael I.Jacobs đã phân tích và đưa ra lời khuyên về vấn đề cháy nắng ở môi trên Tạp chí Instyle.
Vùng da bị bỏ quên dưới ánh Mặt trời
Vùng da môi thường mỏng, vì vậy nó rất nhạy cảm với tác động của ánh nắng Mặt trời. Môi chúng ta có ít melanin (một sắc tố da tự nhiên, có thể giúp bảo vệ da khỏi tia UV) so với các bộ phận khác trên cơ thể, điều này dẫn tới khả năng bị cháy nắng cao hơn.
Một lý do khác khiến môi bị cháy nắng là do chúng ta thường lơ là trong việc bảo vệ môi bằng các sản phẩm có chỉ số SPF phù hợp.
Phái đẹp đừng quên "sắm" cho đôi môi lớp dưỡng hoàn hảo
Các chuyên gia cho rằng khi môi hoạt động (nói chuyện, ăn uống, liếm môi…), lớp SPF sẽ dần trôi bớt đi, vậy nên việc liên tục dặm lại son dưỡng môi có chứa SPF là điều cần thiết.
Không khó để nhận biết môi bạn có đang bị cháy nắng hay không vì các dấu hiệu gần giống với việc môi bị nứt nẻ. Bạn sẽ cảm thấy môi khô, bong tróc và dễ kích ứng, thậm chí môi bạn còn có thể phồng rộp và ửng đỏ.
Bảo vệ môi dưới ánh nắng Mặt trời
Mặc dù việc sử dụng kem chống nắng hàng ngày (cho mặt và cơ thể) để chống nắng cho môi có thể nhanh gọn và tiện lợi, nhưng các chuyên gia không khuyến khích điều đó.
Kem chống nắng cho mặt và cơ thể có thể chứa các chất độc hại khi nuốt vào, vì vậy việc để chúng tiếp xúc với môi sẽ gây nguy hiểm.
Do đặc thù da môi và các hoạt động tương tác dễ làm dịch chuyển sản phẩm trên bề mặt nên một cây son dưỡng môi chứa SPF là sản phẩm được chuyên gia khuyên dùng.
Lưu ý, khi môi bị cháy nắng, bạn nên tránh tẩy tế bào chết môi vì điều này có thể gây tổn thương phần da mỏng và khiến môi bạn nhạy cảm hơn.
Cách chăm sóc đôi môi cháy nắng của bạn
Cách tốt nhất để chăm sóc môi bị cháy năng là cấp ẩm và giảm viêm cho vùng da đó. Các chuyên gia khuyên dùng các sản phẩm bổ sung độ ẩm cho môi như bơ hạt mỡ, lô hội và Ibuprofen (một loại thuốc kháng viêm) để giảm đau và tình trạng sưng tấy.
Bên cạnh đó, bạn nên bổ sung vitamin. Nghiên cứu chỉ ra rằng việc dùng vitamin D3 giúp giảm các triệu chứng cháy nắng sau một tiếng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể chườm mát bằng nước, sữa hoặc lô hội để cung cấp độ ẩm cho vùng da môi bị cháy nắng./.