Quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền vừa được Bộ Chính trị ban hành đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá việc ban hành chủ trương này là cần thiết và vào đúng thời điểm thích hợp, chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, góp phần chỉnh đốn công tác tổ chức cán bộ của Đảng.
Bài trừ tư tưởng “Một người làm quan, cả họ được nhờ”
Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 đánh giá quy định được ban hành là một chủ trương đúng đắn, phá đi tư tưởng “Một người làm quan, cả họ được nhờ."
Trung tướng Khuất Duy Tiến nêu thực tế: “Ông là Chủ tịch xã sẽ kéo theo con cháu, họ hàng, anh em, ngoài ra còn kéo những người bợ đỡ cho mình, đấy là lợi ích nhóm, kéo bè kéo cánh."
Bày tỏ hoàn toàn ủng hộ quy định mới này, Trung tướng Khuất Duy Tiến cho rằng Quy định cần được thực hiện triệt để, "trị đến nơi đến chốn" những vi phạm, khi phát hiện cần có các hình thức phê bình, cảnh cáo, ngăn chặn… Có như vậy, bộ máy Đảng, chính quyền các cấp mới trong sạch và tốt lên.
"Không nên để nó kéo dài và trở thành cái xấu của dân tộc mình cũng như ở văn hóa phương Đông," Trung tướng Tiến khẳng định.
Theo Trung tướng Khuất Duy Tiến, văn bản lần này đã quy định rất chặt chẽ, cụ thể những nội dung về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền. Đây là công việc rất cần thiết, là cơ chế góp phần triệt tiêu những mầm mống, yếu tố gây tác hại trong Đảng, chính quyền, tổ chức Nhà nước.
Tuy nhiên, theo Trung tướng Khuất Duy Tiến, một điều quan trọng là phải tăng cường giáo dục ý thức chính trị cho cán bộ, đảng viên, “tức là phải tự giác, như thế mới tốt được, mọi người phải ủng hộ, phải có những người phát hiện. Nhân dân, các cán bộ ở trong cơ quan nhà nước thấy những hiện tượng đó phải phát hiện, chỉ ra những sai phạm để ta làm triệt để chuyện này. Nếu làm triệt để được, các cơ quan trong Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, mới thực hiện đúng là đầy tớ dân," Trung tướng Tiến chia sẻ.
Ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa Xã hội Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh trong Di chúc của Bác Hồ, một trong những việc đầu tiên Bác nhắc tới là sau khi đất nước thống nhất và hòa bình, quan trọng nhất là phải chỉnh đốn, xây dựng lại Đảng. Thực hiện Di chúc của Bác, từ ngày đất nước thống nhất, đặc biệt từ khi đất nước đổi mới đến nay, việc tiến hành chỉnh đốn, xây dựng Đảng được đặc biệt chú trọng, tuy nhiên hiệu quả đạt được chưa cao.
Đặc biệt, từ Hội nghị Trung ương IV khóa XI đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bước tiến lớn trong vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của dân. Những người đảng viên, cán bộ phải là những người cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.
Tuy đạt được một số kết quả nhưng theo ông Nguyễn Túc, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn chưa đạt được yêu cầu đề ra cũng như chưa đạt được mong muốn của dân.
"Tham nhũng, thoái hóa, biến chất vẫn thể hiện qua việc chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển… tức là vẫn chưa giảm hẳn được," ông Túc khẳng định.
[Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ]
Đây là thời điểm chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, do đó ông Nguyễn Túc cho rằng quy định này của Bộ Chính trị được ban hành nhằm ngăn chặn, cảnh báo, Đại hội Đảng các cấp cần phải quán triệt những tư tưởng, quy định đó, không cho những phần tử thoái hóa, biến chất, những đối tượng tham nhũng, chạy chức chạy quyền lọt vào các cấp ủy đảng.
Quan trọng nhất, quy định đã thể hiện được tính thời điểm, góp phần ngăn chặn ngay những người có ý đồ không tốt để họ không được tham gia vào các cấp ủy Đảng ở cơ sở. Theo ông, với quy định này, các tầng lớp nhân dân trong đó có Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cũng có quyền tham gia vào quá trình giám sát, thực hiện quy định, qua đó phát hiện, kiến nghị với Đảng xem xét xử lý những trường hợp thực hiện không đúng quy định.
Cần chương trình hành động cụ thể
Theo nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão, kiểm soát quyền lực là vấn đề rất lớn, rất được quan tâm, Đảng luôn có chủ trương phải thực hiện tốt vấn đề này. Tuy nhiên, ông Vũ Mão nhấn mạnh để triển khai quy định nói trên, cần phải có nhiều biện pháp để đạt hiệu quả thông suốt, mạnh mẽ, kiên quyết, có hiệu quả từ trên xuống dưới.
Đánh giá việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành chủ trương này là cần thiết và vào đúng thời điểm thích hợp, ông Vũ Mão cho rằng những vấn đề này còn có thể làm rộng hơn, không chỉ ở cơ quan Đảng, mà còn ở các cơ quan chính quyền, vì quy định tác động tới tất cả các cơ quan, cán bộ, không chỉ là cán bộ Đảng, mà cả với cán bộ chính quyền, cán bộ Nhà nước, các tập thể, các cấp, các ngành… để Quy định được thực hiện “đến nơi đến chốn” cả trong Đảng và trong cơ quan Nhà nước.
Theo ông Vũ Mão, sau khi có quy định, việc tiếp theo các cơ quan có trách nhiệm như Quốc hội, Chính phủ… cần có các văn bản để cụ thể hóa việc thực hiện, vì xây dựng Nhà nước pháp quyền, mọi vấn đề phải minh bạch, rõ ràng, thể hiện trên những văn bản của các cơ quan Nhà nước để mọi người đều phải thực hiện cho tốt.
Khẳng định việc ban hành Quy định là rất cần thiết, song ông Vũ Mão cũng đặt câu hỏi: “Chúng ta đã có Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, những cái đó đã thể hiện được phần nào Quy định chưa? Nếu thể hiện được phần nào thì chúng ta phải thực hiện tốt cái đó, đồng thời bổ sung thêm những tư tưởng chỉ đạo này để trở thành văn bản chính thống đưa vào thực hiện.
Hiện nay có rất nhiều văn bản, luật khác nhau, cũng nên hệ thống lại để các cơ quan, tổ chức, các cán bộ lãnh đạo thực hiện được chủ động, minh bạch, rõ ràng và có tính hệ thống, không chồng chéo, không lấn nhau và được thực hiện đầy đủ," ông Vũ Mão đề xuất.
Dựa trên Quy định này, ông Vũ Mão cho rằng Chính phủ cần xây dựng một chương trình hành động cụ thể về triển khai công việc để văn bản thực sự được đi vào cuộc sống, “nếu không nó chỉ nằm trên giấy được thôi”; đồng thời khẳng định tiếp theo còn rất nhiều công việc cần làm, bởi đây mới chỉ là chủ trương.
Về vấn đề thi hành, theo ông cần chỉ rõ Quy định này sẽ được thi hành theo pháp luật nào hiện hành. Do đó, các cơ quan Quốc hội cần nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung này, như Quy định liên quan đến luật nào, có cần bổ sung không; việc tổ chức thực hiện, quản lý liên quan thế nào với các cơ quan tư pháp nữa, tòa án, viện kiểm sát…
Để chủ trương, quyết định của Đảng đi vào cuộc sống, ông Vũ Mão nhấn mạnh, cần triển khai đồng bộ, cụ thể nhiều công việc, không chỉ là nói chung chung bởi nếu vậy hiệu quả thực hiện Quy định sẽ không cao.
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Châu Nam Long, thành viên Câu lạc bộ Thăng Long Hà Nội) cho rằng việc Bộ Chính trị ban hành những quy định cụ thể về vấn đề kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền đã góp phần tạo cơ sở pháp lý, là chỗ dựa cho các tổ chức đảng, chính quyền đấu tranh chống những hành vi tiêu cực.
Tuy nhiên, giáo sư Châu Nam Long đánh giá “không phải cứ quy định xong là mặc nhiên nó sẽ có tác dụng mà đòi hỏi các tổ chức Đảng, nhất là những người đứng đầu tới cơ sở, các chi bộ, bí thư cấp ủy cần ý thức nghiêm túc về vấn đề này thì mới thực hiện được. Lâu nay, chúng ta có nhiều quy định nhưng mà không đi vào cuộc sống một cách thật tốt."
[Ông Triệu Tài Vinh: Đánh giá cán bộ là một trong những vấn đề khó nhất]
Theo giáo sư Châu Nam Long, Quy định khi được đưa vào triển khai thực hiện sẽ trở thành vũ khí cho đảng viên, tổ chức Đảng đấu tranh chống biểu hiện tham nhũng, tha hóa, chống lại nạn chạy chức, chạy quyền; đồng thời khẳng định, Quy định còn là căn cứ để các đảng viên trong quá trình xem xét, đề xuất các vấn đề và có căn cứ để các tổ chức đảng, cơ quan đánh giá vi phạm.
Giáo sư Châu Nam Long cho rằng lâu nay đã có một số quy định về vấn đề này nhưng chưa chi tiết cụ thể, còn khó cho đảng viên và tổ chức Đảng, chính quyền trong việc vận dụng đấu tranh chống chạy chức, chạy quyền bằng nhiều hình thức. Song Quy định lần này đã khái quát một số vấn đề, nêu cụ thể để dễ vận dụng trong đấu tranh phòng, chống nạn chạy chức quyền, lạm dụng quyền lực.
"Tôi cho rằng, lâu nay việc chạy chức chạy quyền vẫn diễn ra nhưng khâu đấu tranh từ cơ sở còn yếu, trừ khi nào sự việc bộc lộ hoặc có thanh tra, kiểm tra thì mới công khai đấu tranh. Đó là vấn đề rất ý nhị lâu nay mà tôi nghĩ nếu các tổ chức đảng, đảng viên không vận dụng tốt, tình trạng này khó mà xóa được," giáo sư Châu Nam Long chia sẻ.
Tuy nhiên, Quy định mới này của Bộ Chính trị sẽ khiến những người định chạy chức, chạy quyền phải thêm suy nghĩ, “bởi Đảng đã quy định rất rõ, nếu định chạy chức chạy quyền, nhẹ thì kiểm điểm phê bình, nặng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Tôi cho rằng tác dụng tốt là rất rõ ràng," giáo sư nhấn mạnh.
Dựa vào dân trong vai trò giám sát quyền lực
Theo tiến sỹ Ngô Đức Chinh, giảng viên Trường Đại học Giao thông Vận tải (Hà Nội), quy định có tác dụng ngăn chặn từ xa biểu hiện của “quyền lực càng cao thì sự tha hóa càng lớn," kịp thời xử lý các hành vi lộng quyền, lạm quyền, sử dụng quyền lực phục vụ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.
Việc ban hành quy định kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ cũng đã đáp ứng yêu cầu bức thiết sau những vấn đề xảy ra vừa qua trong công tác quản lý cán bộ lãnh đạo, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược. Đặc biệt là trong bối cảnh Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đang đến gần và tới đây, nhân dân sẽ lại trao cho những người cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương những chức vụ quyền hạn, trách nhiệm và tài sản rất lớn.
Tiến sỹ Ngô Đức Chinh nhấn mạnh việc kiểm soát quyền lực phải dựa vào người dân - “tai mắt” của Đảng, Nhà nước. Người dân luôn sẵn sàng phản ánh tới Đảng, Nhà nước về những cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu để cấp quản lý biết mà xử lý. Nếu thiếu nhân dân thì Quy định khó có thể đạt hiệu quả cao nhất trong thực tế triển khai, thực hiện.
Cho rằng quy định việc kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền và các hành vi khác nhằm bao che, tiếp tay cho vấn nạn này sẽ hạn chế “tha hóa quyền lực," những bất cập, kẽ hở cho các đối tượng cơ hội luồn lách, tuy nhiên, tiến sỹ Ngô Đức Chinh nêu quan điểm cần kết hợp hài hòa, đánh giá khách quan, công tâm, cả trình độ, năng lực, thực tiễn công tác của người cán bộ. Nếu áp dụng quyết định một cách quá cứng nhắc, máy móc sẽ tạo ra mặt trái là không đề bạt, bổ nhiệm vào bộ máy những người hiền tài và đó là nguy cơ dẫn đến “cháy máu chất xám."
Để thực hiện việc này, trước tiên Đảng, Nhà nước cần xây dựng những quy chế, tiêu chí, tiêu chuẩn chọn người có đức, có tài; công bố công khai, rộng rãi những điều này để mọi công chức, đảng viên đều được quyền đăng ký ứng tuyển, sau đó thành lập một hội đồng để đánh giá năng lực của ứng viên. Còn với hội đồng tuyển chọn, thành viên của hội đồng cũng phải được lựa chọn rất kỹ, phải có đạo đức tốt, trung thực, công khai và minh bạch các hoạt động của họ. Bên cạnh đó, phải có cơ chế ràng buộc những người làm công tác tổ chức cán bộ, tránh chuyện tìm cách gây khó dễ người khác để được lợi, tiến sỹ Ngô Đức Chinh nêu ý kiến.
Đồng tình với việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW, Trung tá Nguyễn Văn Niêm (53 năm tuổi Đảng), trú tại phường Khương Trung, quận Đống Đa, Hà Nội, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Dược Binh đoàn 12, nhận định rằng quy định sẽ nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; góp phần chỉnh đốn công tác tổ chức cán bộ, lựa chọn và dùng cán bộ một cách đúng đắn. Tuy nhiên, cần có cơ chế để nhân dân giám sát cán bộ và công tác cán bộ, bởi đây cũng chính là quyền dân chủ trực tiếp, quyền làm chủ của nhân dân.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Niêm, để quy định có hiệu quả cao nhất trong thực tế, khi triển khai thực hiện, cần phải tin tưởng, dựa vào người dân trong vai trò giám sát kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền và các hành vi liên quan.
“Chính quyền phải lắng nghe nhân dân, có biện pháp để người dân dám nói và bảo vệ nhân dân. Nếu làm được như thế, tôi tin chắc sẽ khắc phục được các nhược điểm trong công tác cán bộ hiện nay," Trung tá Nguyễn Văn Niêm nhấn mạnh.
“Vấn nạn chạy chức, chạy quyền ở xã hội nào cũng có, thời nào cũng có. Vì thế, qua bài học rút ra sau những sự việc 'để mất' cán bộ vừa rồi làm ảnh hưởng tới sự ổn định của bộ máy Nhà nước, khiến dư luận bức xúc, tôi kiến nghị là Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cần chú ý công tác cán bộ từ cấp cơ sở. Tại các cấp, phải kiên quyết đấu tranh làm trong sạch bộ máy, loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất, những người cơ hội luồn lách," ông Nguyễn Văn Niêm nêu ý kiến./.