Chống lãng phí về phát triển kinh tế: Trắc trở dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng

Dự án chống ngập ở Thành phố Hồ Chí Minh kéo dài hơn 8 năm qua, chưa thể hoàn thành sẽ gây phát sinh nhiều hệ lụy khi tổng mức đầu tư tăng lên, phát sinh tiền lãi vay và hiệu quả công trình giảm.
Đường Nguyễn Thị Thập (Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) ngập sâu do triều cường. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư xác định ban đầu gần 10.000 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 6/2016 nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào vận hành được do vướng mắc về pháp lý, không có nguồn vốn để hoàn thành công trình.

Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 6/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát đã điểm tên Dự án này và chỉ rõ, để tồn đọng, dừng thi công kéo dài, Dự án gây lãng phí nguồn lực, bức xúc trong dư luận xã hội.

Chưa hẹn ngày... về đích

Mục tiêu của dự án nhằm kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước của các dự án thoát nước đô thị; hỗ trợ trữ nước mưa khi có mưa kết hợp với triều cường, góp phần cải tạo cảnh quan và môi trường nước trong khu vực dự án.

Dự án có quy mô xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn và xây dựng đoạn đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh (giai đoạn 1) bao gồm khoảng 6 km đê/kè ở các đoạn xung yếu, 43 cống nhỏ từ Vàm Thuật đến Mương Chuối; xây dựng nhà quản lý trung tâm và hệ thống SCADA (hệ thống được sử dụng để theo dõi và kiểm soát các hoạt động của các hệ thống máy móc và quy trình sản xuất từ xa).

Theo Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nam, nhà đầu tư thực hiện dự án, từ ngày khởi công dự án đến ngày 15/11/2020, khối lượng đã thi công tại các hạng mục công trình cống Bến Nghé đạt 97%, cống Tân Thuận đạt 93%, cống Phú Xuân đạt 90%, cống Mương Chuối đạt 93%, cống Cây Khô đạt 86%, cống Phú Định đạt 88%, tuyến đê bao đạt 85%.

Các công việc còn thực hiện gồm hoàn thiện Nhà điều hành tại các cống, Nhà Quản lý điều khiển trung tâm, hoàn thiện đường vận hành sau kè, nạo vét thảm đá gia cố lòng sông, cảnh quan cây xanh, lắp đặt các cửa van âu thuyền, lắp đặt hệ thống bơm, hệ thống điện nước chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy và hệ thống điều khiến tự động SCADA.

Một khu dân cư trên đường Nguyễn Lương Bằng (Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) bị bao quanh bởi “biển nước” do mưa lớn và triều cường. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Tuy nhiên, do các vướng mắc về thủ tục pháp lý, các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dự án về liên quan đến nguồn vốn, điều chỉnh tổng mức đầu tư, phương thức thanh toán cho nhà đầu tư, đàm phát hợp đồng BT... dẫn đến dự án dù đã hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc bị “đứng hình” từ năm 2020 đến nay.

Theo nhà đầu tư dự án, tính chung đến nay, dự án đã tạm dừng thi công 3 lần với tổng cộng 66 tháng; trong đó lần thứ 3 là từ tháng 11/2020 đến nay là gần 50 tháng do hết thời gian thực hiện dự án theo hợp đồng BT, phụ lục hợp đồng BT và hết hạn giải ngân tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các vướng mắc cụ thể của dự án hiện nay là không có nguồn vốn để hoàn thành công trình; chưa xác định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện đối với các dự án đang trong quá trình thực hiện thay đổi, mà các nội dung thay đổi dẫn đến dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia; và chưa có cơ sở để thanh toán hợp đồng BT.

Cùng với đó, việc triển khai dự án có 2 thiếu sót được nêu tại điều I, Nghị quyết số 40/NQCP ngày 1/4/2021 của Chính phủ về việc tiếp tục triển khai Dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), gồm phương án thanh toán cho nhà đầu tư và thẩm quyền quyết định chủ trương sử dụng vốn nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư dự án.

Để giải quyết các vướng mắc cho dự án này, Chính phủ, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các bộ ngành liên quan cũng đã tích cực vào cuộc tháo gỡ trong những năm qua, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có có phương án thực hiện khả thi và có tính pháp lý cao nhất.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật, một số nội dung không được thể hiện trong các quy định của pháp luật như việc xác định Hợp đồng có được phép thanh toán (sau khi khắc phục các thiếu sót)..., nên vượt thẩm quyền của Chính phủ. Thành phố sẽ phân tích và báo cáo cụ thể trong quá trình thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án.

Chậm xử lý, phát sinh nhiều hệ lụy

Việc dự án phải triển khai trong thời gian quá lâu nhưng chưa thể hoàn thành, kéo dài hơn 8 năm qua, chắc chắn sẽ phát sinh nhiều hệ lụy khi tổng mức đầu tư tăng lên, phát sinh tiền lãi vay cũng như hiệu quả công trình giảm khi để “phơi nắng, đầm mưa” quá lâu, nhiều hạng mục xuống cấp và chậm đưa vào khai thác, cuộc sống người dân trong khu vực án án tiếp tục bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam, cho biết việc tạm dừng và kéo dài dự án do các vướng mắc mà nhà đầu tư không thể giải quyết được và cũng không thuộc trách nhiệm của Nhà đầu tư dẫn đến lãi vay phát sinh mỗi ngày 1,73 tỷ đồng.

Nhiều phương tiện bị chết máy khi di chuyển trên tuyến đường bị ngập do triều cường. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Những phát sinh này, phải được ghi nhận vào dự án bằng cách điều chỉnh giá trị tổng mức đầu tư cho dự án. Việc này kéo dài càng lâu sẽ càng gây lãng phí đối với ngân sách Nhà nước của Thành phố và nhà đầu tư cũng không thể biết mức độ chi phí của dự án.

Theo tính toán của nhà đầu tư dự án, nếu ngay từ bây giờ không thực hiện song song các thủ tục thuộc thẩm quyền của Thành phố thì để hoàn thành dự án sau khi đã khơi thông nguồn vốn sẽ cần tổng thời gian là 28 tháng (bao gồm dự kiến 12 tháng làm thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án, 4 tháng đàm phán Phụ lục Hợp đồng BT, 12 tháng thi công công trình).

Việc kéo dài thêm 16 tháng thủ tục thực hiện này sẽ phát sinh lãi vay gây thiệt hại rất lớn cho ngân sách Thành phố, tương ứng tiền lãi khoảng 845 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Tâm Thịnh, việc dự án kéo dài quá lâu như hiện nay làm chậm phát huy mục tiêu của dự án và cũng như gây ra dư luận xấu. Giải quyết dứt điểm các tồn tại của dự án để có thể hoàn thành khối lượng công việc còn lại (khoảng 7%) sẽ tránh lãng phí nguồn lực đã bỏ ra trong thời gian qua và tránh lãng phí hiệu quả của dự án khi hoàn thành, qua đó phát huy hiệu quả, mục tiêu của dự án, phát triển hạ tầng xã hội chung cho Thành phố Hồ Chí Minh, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết "Chống lãng phí.”

Trong bài viết, Tổng bí thư nêu rõ "Giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm" và "xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không cầu toàn, không nóng vội; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực, giải quyết, khắc phục điểm nghẽn, mở rộng không gian, tạo đà cho phát triển."

Để thúc đẩy nhanh việc tháo gỡ khó khăn cho dự án, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có báo cáo Chính phủ, Ủy ban Kinh tế Quốc hội về phương án giải quyết vướng mắc. Cụ thể, do tổng mức đầu tư dự án có sự thay đổi, thời gian thực hiện dự án đã hết, việc ký kết hợp đồng và thực hiện có một số thiếu sót, để đảm bảo cơ sở pháp lý, cần triển khai thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án.

Tuy nhiên, thực tế, thủ tục điều chỉnh tổng thể dự án rất phức tạp, do quy định của pháp luật, mất nhiều thời gian và cần thương thảo thống nhất với Ngân hàng BIDV và Nhà đầu tư về cách tính lãi vay. Do đó, Thành phố đề xuất thực hiện điều chỉnh điều khoản về thanh toán trong hợp đồng song song với việc điều chỉnh tổng thể dự án.

Cụ thể, thực hiện đồng thời thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án để làm cơ sở ký kết Phụ lục Hợp đồng BT thay đổi phương án thanh toán. Sau khi điều chỉnh Phụ lục Hợp đồng BT thì dự án cơ bản khắc phục các thiếu sót nêu tại Điều 1 Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 1/4/2021.

“Đây chính là cơ sở để Thành phố có thể bắt đầu thực hiện việc thanh toán bằng quỹ đất là các khu đất đã xác định trong Hợp đồng BT theo quy định hiện hành, giải quyết được nguồn vốn cho Nhà đầu tư thực hiện hoàn thành công trình và giảm bớt chi phí phát sinh lãi vay trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục điều chỉnh dự án,” lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục