Chống lãng phí: Giải pháp mới đi đôi với thực hành

PGS-TS Hà Minh Hồng cho rằng cách đặt vấn đề trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước hết sức toàn diện, giúp đưa chống lãng phí có sức sống lâu dài, căn cơ đi vào văn hóa của dân tộc.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Minh Hồng (phải) chia sẻ ý kiến về bài viết "Chống lãng phí" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với phóng viên TTXVN. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Minh Hồng (phải) chia sẻ ý kiến về bài viết "Chống lãng phí" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với phóng viên TTXVN. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày 13/10, đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Đánh giá về bài viết, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Minh Hồng, nguyên Trưởng khoa Lịch sử (Đại học Khoa học-Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mang tính gợi mở rất lớn. Vấn đề lãng phí đã có từ lâu, nhưng qua bài viết, cái cũ này lại trở thành một vấn đề mới. Bởi hiện nay, rõ ràng chúng ta chưa nhận thấy hết được vấn đề nghiêm trọng của lãng phí, đòi hỏi cần các giải pháp và làm sao để chống lãng phí trở thành một cuộc chiến nội xâm.

Đặc biệt tâm đắc với 4 nhóm giải pháp chống lãng phí trong bài viết, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Minh Hồng nhấn mạnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đặt vấn đề nhận thức chống lãng phí là một cuộc chiến nội xâm lên đầu của 4 giải pháp là rất đúng vị trí và ở một khía cạnh nào đó, đấu tranh chống lãng phí còn quan trọng hơn các cuộc chiến chống nội xâm khác. Giải pháp thứ tư cũng là vấn đề rất mới khi đề cập đến văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí. Chúng ta đang xây dựng văn hóa Đảng, văn hóa chính quyền, văn hóa giao thông, văn hóa chống tham nhũng, văn hóa chống tiêu cực cũng như văn hóa từ chức nhưng văn hóa phòng, chống lãng phí, văn hóa tiết kiệm giờ mới được đặt ra. Cách đặt vấn đề như thế là hết sức toàn diện, giúp đưa chống lãng phí có sức sống lâu dài, căn cơ đi vào văn hóa của dân tộc như cái ăn, cái uống hằng ngày.

Đặc biệt, trong bài viết của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã gợi mở những ví dụ rất cụ thể, thành công về vấn đề chống lãng phí, như qua xây dựng đường dây 500 KW mạch 3. Cách nêu ví dụ cụ thể về một việc vừa xảy ra gần đây không chỉ để tự hào mà còn để rút kinh nghiệm và nhân rộng, lan tỏa.

ttxvn-bai_viet_chong_lang_phi_cua_tong_bi_thu.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Minh Hồng (phải) chia sẻ ý kiến về bài viết "Chống lãng phí" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với phóng viên TTXVN. (Ảnh: Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Từ cách đặt vấn đề đó, có thể tới đây, Trung ương phải có những nghị quyết riêng về vấn đề chống lãng phí và thực hành tiết kiệm, giống như Nghị quyết chống tham nhũng, để nó đủ tầm trong vấn đề lãnh đạo, chỉ đạo và tạo ra được khung pháp lý hoặc khung chỉ đạo chung để Nhà nước, Quốc hội thực hiện. Cho nên sẽ có rất nhiều việc mà Nhà nước phải làm, Chính phủ phải làm và các cấp, bộ, địa phương, đặc biệt là các cơ sở và nhân dân phải làm. Bài viết gợi mở khá nhiều vấn đề của thực tiễn, tạo điều kiện cho sự chỉ đạo, đi hẳn vào thực tiễn.

Cũng có quan điểm tương tự, ông Nguyễn Hoài Bão, nguyên Phó Ban Dân vận Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng, cho rằng bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho thấy vấn đề chống lãng phí đã được Đảng, Nhà nước quan tâm từ lâu thể hiện trong nhiều nghị quyết, chỉ thị, nhưng thực hành chống lãng phí còn chưa đạt được hiệu quả. Điều đó cũng dễ lý giải vì như Bác Hồ đã nói, lãng phí là giặc nội xâm và chống giặc nội xâm thì khó vì giặc nội xâm nằm trong lòng mình rất khó phát hiện.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đưa vấn đề này lên trong bối cảnh hiện nay, chứng tỏ rằng, ở góc độ nào đó thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành vấn đề cực kỳ quan trọng, mang tính cốt lõi cho đất nước trong thời kỳ vươn mình. Quan liêu, lãng phí bây giờ có thể gọi là giặc nội xâm, nguy hiểm như tham nhũng. Hành vi tham nhũng là của những người có chức quyền, nhưng lãng phí thì ai cũng có thể và đó chính là điều mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đề cập đến, thể hiện vấn đề lãng phí đang rất lớn, rất nguy hiểm, gặm nhấm niềm tin của nhân dân.

Ông Nguyễn Hoài Bão cho rằng giải pháp tập trung xây dựng thể chế chống lãng phí là rất quan trọng. Để làm được điều đó, cần phải nhìn cho rõ bản chất của vấn đề, quan sát kỹ để đề ra cơ chế thiết thực, hiệu quả cho công tác phòng, chống lãng phí; phải là từ con người, từ cơ sở, bắt đầu từ những việc nhỏ, từ cơ sở rồi mới tới những việc lớn. Đảng trí tuệ thì dân tin, Đảng gương mẫu thì dân theo, nên nói phải đi đôi với làm, mang lại niềm tin cho nhân dân.

ttxvn-bai_viet_“chong_lang_phi”_cua_tong_bi_thu2.jpg
Ông Nguyễn Hoài Bão, nguyên Phó Ban Dân vận Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng rất tâm đắc với nội dung bài viết "Chống lãng phí" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Hoài Bão, giải pháp xây dựng văn hóa chống lãng phí là rất hay, rất mới và độc đáo. Văn hóa thể hiện trí tuệ, nhận thức và cách làm của con người và đất nước. Để xây dựng nền văn hóa chống lãng phí thì phải bắt đầu ý thức của một con người, phải biết tự giác, tự mình, nêu gương từ trên xuống dưới, xây dựng được tính tự giác. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, muốn xây dựng văn hóa chống lãng phí phải làm rõ trách nhiệm, tìm kiếm giải pháp khắc phục để làm sao đạt được hiệu quả lớn nhất, thiết thực nhất. Phải bắt đầu từ người đứng đầu, nếu không sẽ dẫn đến hiện tượng “ai chống thì chống chứ không phải là tôi."

“Cho nên vấn đề xây dựng văn hóa chống lãng phí sẽ là cả một quá trình. Tự bản thân mỗi người phải nhận thức và tu dưỡng, rèn luyện, thích nghi với điều đó, tiến dần tới trở thành thói quen hằng ngày của mỗi con người, mỗi cán bộ, đảng viên trong cuộc sống, trở thành văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước," ông Nguyễn Hoài Bão nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục