Chống hàng giả: Chủ sở hữu không thể đứng ngoài cuộc

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống hàng giả, bên cạnh hàng rào pháp lý thì sự phối hợp của doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết giúp ngăn chặn tình trạng trên.
Các tiểu thương chợ Đồng Xuân ký cam kết không kinh doanh hàng lậu (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống vi phạm sở hữu công nghiệp, bên cạnh hàng rào pháp lý và sự quyết liệt của các đơn vị chức năng thì yếu tố chiếm tới 60% thành công là sự phối hợp một cách có hiệu quả của các chủ sở hữu thương hiệu hàng hóa.

Đó là nhận định của ông Vương Trí Dũng, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, tại hội nghị "Phối hợp với cơ quan thực thi trong công tác Chống hàng giả", do Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với tổ chức phi chính phủ React của Hà Lan tổ chức sáng 28/7, tại Hà Nội,

Theo lãnh đạo Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội, tại địa bàn Hà Nội hiện nay, hàng giả chủ yếu được đưa về từ cụm biên giới phía Bắc và việc sản xuất cũng rất tinh vi, bằng mắt thường khó có thể nhận biết một cách chính xác.

Trong khi đó, công tác đấu tranh và ngăn chặn vẫn chưa đạt được hiệu quả cao, nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp khi biết thương hiệu của mình bị làm giả vẫn chưa thực sự nhập cuộc, hoặc tự làm nên không hiệu quả.

Từ thực tế trên, ông Dũng cho rằng, việc các chủ sở hữu chủ động phối hợp với lực lượng chức năng nhằm cung cấp thông tin nhận diện các mặt hàng vi phạm cũng như các đơn vị vi phạm sẽ gia tăng hiệu quả trong việc ngăn chặn vấn nạn hàng giả, qua đó bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Nhằm tăng cường hơn nữa hoạt động chống hàng giả thời gian tới, lãnh đạo Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, cơ quan này đã phối hợp với React, một tổ chức phi chính phủ của Hà Lan về chống hàng giả (có 60 nước tham gia tổ chức này) và đại diện cho 200 hãng có liên quan đến các thương hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam để nâng cao hiệu quả chống hàng giả.

"Ngay sau việc phối hợp với đại diện các hãng, lực lượng Quản lý thị trường sẽ mời lực lượng công an các cụm phía Bắc để cùng nhau phối hợp chống lại việc vận chuyển và sản xuất kinh doanh hàng giả," ông Dũng cho hay.

Báo cáo của Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội, 6 tháng đầu năm lực lượng này đã kiểm tra và xử lý 837 vụ kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng nhập lậu. Phạt hành chính 5,1 tỷ đồng và tịch thu hàng hóa lên tới 27,4 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Bông, Hàng Gai, Chợ Đồng Xuân, trong nửa đầu năm nay, lực lượng này đã kiểm tra, xử lý 632 vụ, phạt tiền 4 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu lên tới 2,79 tỷ đồng, bao gồm: 480 chiếc túi xách, dây lưng, ví; 11.516 chiếc quần, áo; 3.351 đôi giầy, dép; 1.936 đôi tất; 1.842 chiếc đồng hồ; 58.735 chiếc tem giả các nhãn hiệu; 412.627 vỏ hộp, bao bì giả nhãn hiệu.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục