Chống gian lận xuất xứ hàng Việt: Cuộc chiến vẫn nhiều cam go

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trả lời phỏng vấn về những giải pháp xử lý gian lận xuất xứ hàng Việt.
Chống gian lận xuất xứ hàng Việt: Cuộc chiến vẫn nhiều cam go ảnh 1Dây sạc điện thoại di động thành phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng ghi Made in Vietnam do Hải quan Hải Phòng phát hiện, bắt giữ tháng 7/2019. (Ảnh: Vietnam+)

Tình trạng hàng ngoại giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam để trục lợi thuế khi xuất khẩu sang các nước khác trên thế giới không chỉ gây ra những thiệt hại trực tiếp cho nền kinh tế mà còn ảnh hưởng xấu đến uy tín, thương hiệu của Việt Nam, thậm chí còn khiến Việt Nam trở thành các chủ thể trong các vụ kiện chống bán phá giá.

Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Đàm Thanh Thế, Ủy viên Ban chỉ đạo, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) về những giải pháp xử lý tình trạng này.

- Nhiều chuyên gia cho rằng tình trạng hàng ngoại giả mạo, xuất xứ giả mạo nhãn mác của Việt Nam để trục lợi thuế đang diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi. Vậy ông có chia sẻ gì về những thủ đoạn cũng như là hình thức giả mạo nguồn gốc xuất xứ?

Ông Đàm Thanh Thế: Hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam có rất nhiều hình thức. Dạng thứ nhất là hàng hóa của nước ngoài sản xuất nhưng đã ghi "Made in Việt Nam" (sản xuất ở Việt Nam). Đây là một trong những dạng hàng hóa mà các đối tượng lợi dụng các đường mòn, lối mở để vận chuyển trái phép vào Việt Nam.

Hình thức thứ hai là hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam, có nhãn mác, thương hiệu của nước ngoài sản xuất nhưng khi đưa vào Việt Nam được bóc hết tem mác và thay bằng những nhãn mác khác đội lốt Việt Nam.

Hình thức thứ ba là hàng hóa mà không ghi xuất xứ hàng hóa nhưng được các đối tượng bằng mọi phương thức, thủ đoạn để đưa vào Việt Nam. Trên cơ sở những loại hàng hóa có hiệu quả, có khả năng sinh lời và kinh doanh tốt, các đối tượng sẽ ghi là "Made in Vietnam" để kinh doanh, xuất khẩu và tiêu thụ.

Ngoài ra, còn hình thức khác như một số các nhóm đối tượng thành lập nhiều công ty với nhiều loại hàng hóa, thiết bị, linh kiện khác nhau, sau đó các đối tượng tập hợp và lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh sau đó lấy thương hiệu Made in Vietnam.

[Ngăn chặn lợi dụng xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi xuất khẩu]

Đây là những thủ đoạn rất cơ bản mà qua báo cáo của các lực lượng chức năng, công an, biên phòng, quản lý thị trường, đặc biệt là lực lượng hải quan đã tập hợp được. Các cơ quan chức năng cũng thường xuyên trao đổi về những phương thức, thủ đoạn trên để phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý.

- Việt Nam đã gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do nhất là gần đây Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do với châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Vậy theo ông đây có phải là lý do chính khiến cho tình trạng hàng ngoại đội lốt hàng Việt ngày càng gia tăng?

Ông Đàm Thanh Thế: Khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do như EVFTA và CPTPP Việt Nam có những ưu đãi về mặt hàng hóa. Trong khi đó, một số nước không phải thành viên thì không được ưu đãi này. Vì vậy, một số nhóm đối tượng sản xuất hàng hóa ở nước ngoài đã lợi dụng đưa hàng hoá vào Việt Nam với sự gian lận xuất xứ hàng Việt để xuất khẩu hưởng ưu đãi thuế dành cho nước thành viên của Hiệp định hoặc là tiêu thụ trong nội địa để thu lợi bất chính.

- Theo ông còn có lý do nào khác khiến cho tình trạng hàng ngoại núp bóng hàng Việt Nam vẫn diễn ra nhức nhối và bất chấp những nỗ lực của các cơ quan chức năng?

Ông Đàm Thanh Thế: Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư công nghệ, chất xám để sản xuất ra những hàng hóa có giá trị, có thương hiệu. Đặc biệt, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được đẩy mạnh đã gia tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa trong nước. Chính vì vậy, xu hướng “sính ngoại” đã dần được thay thế bởi xu hướng sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao.

Chống gian lận xuất xứ hàng Việt: Cuộc chiến vẫn nhiều cam go ảnh 2Container chứa nhiều linh kiện, phụ kiện điện thoại di động thành phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng ghi Made in Vietnam do Hải quan Hải Phòng phát hiện, bắt giữ tháng 7/2019. (Ảnh: Vietnam+).

Cũng vì lẽ đó, các đối tượng đã lợi dụng khả năng kinh doanh của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam để đưa hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, gắn mác hàng Việt Nam nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

- Tình trạng giả mạo nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của Việt Nam đang gây ra những thiệt hại gì khi Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới?

Ông Đàm Thanh Thế: Hàng hóa đội lốt Việt Nam ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Khi các nước phát hiện được tình trạng đội lốt như vậy sẽ xử lý bằng những hình thức, quy định của quốc tế, cho nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp cũng như uy tín của Việt Nam.

Mặt khác, nếu hàng hóa được nước ngoài sản xuất lấy xuất xứ Việt Nam để giả mạo các thương hiệu thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng.

- Vậy theo ông đâu là khó khăn lớn nhất với các cơ quan chức năng trong phát hiện tình trạng giả mạo nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của Việt Nam?

Ông Đàm Thanh Thế: Trong quá trình đấu tranh ngăn chặn tình trạng lợi dụng xuất xứ hàng hoá Việt Nam, các đối tượng sử dụng rất nhiều phương thức, thủ đoạn. Đặc biệt, khi hàng hoá gian lận lọt được vào nội địa sẽ được mang đi tiêu thụ rất tinh vi ở rất nhiều khu vực khác nhau.

Trong khi đó, các lực lượng chức năng hiện nay ngoài nhiệm vụ chính là chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm xuất xứ còn phải triển khai các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

Vì vậy, trách nhiệm ngăn chặn, đấu tranh chống hàng hóa lợi dụng xuất xứ Việt Nam còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự phát hiện của các doanh nghiệp, của nhân dân trong việc cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng thực thi đạt hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề ra.

- Với vai trò quan trọng trong điều phối các cơ quan quản lý nhà nước trong cuộc chiến chống gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã triển khai những giải pháp gì để hoạt động hiệu quả?

Ông Đàm Thanh Thế: Ban chỉ đạo 389 quốc gia thường xuyên tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng những chiến lược đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đặc biệt là nhóm hàng liên quan đến lợi dụng xuất xứ hàng Việt Nam.

Với diễn biến phức tạp như vậy, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tham mưu và Trưởng Ban Chỉ đạo 389 đã ký Kế hoạch 19 ngày 23 tháng 7 năm 2019 phân công cho các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng tập trung đấu tranh ngăn chặn tình trạng lợi dụng xuất xứ Việt Nam, đặc biệt là ngăn chặn tình trạng lợi dụng xuất xứ hàng Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba nhằm hưởng những chính sách ưu đãi.

Sau hơn một năm triển khai Kế hoạch 19, các lực lượng chức năng đã phối hợp hiệu quả trong đấu tranh, xử lý những vụ việc liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các lực lượng từ thuế, hải quan, biên phòng, công an đã phối hợp đấu tranh, ngăn chặn nhiều vụ, từng bước ngăn chặn tình trạng hàng ngoại đội lốt xuất xứ hàng Việt để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật./.

Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục