Đồng bằng sông Cửu Long, hay còn gọi là miền Tây Nam Bộ, gồm thành phố Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long, đang trở lại là một trong những vùng dịch COVID-19 nóng nhất của cả nước.
Chỉ chiếm hơn 17% dân số nhưng số bệnh nhân của 13 tỉnh, thành phố tại khu vực này gộp lại chiếm lần lượt là 35,7%, 31,4% và 30% tổng số ca mắc được ghi nhận ở Việt Nam trong các ngày 2, 3 và 4/11.
Vào thời điểm hiện tại không một địa phương nào trong số 13 tỉnh, thành phố ở miền Tây Nam Bộ giữ được màu xanh trên quy mô toàn tỉnh, riêng Bạc Liêu và Cà Mau còn không giữ được một đơn vị cấp huyện, thậm chí là cấp xã nào có màu xanh trên tấm bản đồ dịch COVID-19.
Bức tranh toàn cảnh
Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 cho thấy, từ 16h ngày 3/11 đến 16h ngày 4/11 nước ta có thêm 6.576 ca bệnh nội địa (không tính các ca nhập cảnh). Trong đó, Kiên Giang có 478 ca, An Giang 381 ca, Tiền Giang 263 ca, Sóc Trăng 198 ca, Cần Thơ 186 ca, Long An 178 ca, Trà Vinh 123 ca, Đồng Tháp 97 ca, Vĩnh Long 75 ca, Cà Mau 51 ca. Như vậy các tỉnh, thành phố miền Tây có tổng cộng 1.964 ca.
Với số người chỉ bằng 2,1% dân số cả nước, Kiên Giang có số lượng bệnh nhân COVID-19 trong 24h bằng gần 7,3% tổng số ca bệnh ở Việt Nam. Các chỉ số này ở An Giang là 2,4% và gần 5,8%; Tiền Giang là 1,76% và 4%; Sóc Trăng là 1,62% và 3%… Nghĩa là sự trầm trọng của dịch ở các địa phương này cao gấp đôi, gấp ba so với mức chung của cả nước.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang, số ca mắc ở tỉnh liên tục tăng trong thời gian qua. Chỉ trong 2 ngày 30 và 31/10 tỉnh này ghi nhận 557 ca ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố. Riêng ngày 4/11 tỉnh ghi nhận 381 ca. Tính đến sáng 5/11, An Giang đã có xấp xỉ 12.000 bệnh nhân COVID-19.
Ngày 1/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã ra văn bản giao cho Sở Y tế tỉnh triển khai việc cách ly điều trị tại nhà các ca F0 không triệu chứng, đảm bảo các yêu cầu về điều kiện theo quy định của Bộ Y tế.
Ở giai đoạn đầu An Giang sẽ thí điểm cách ly điều trị tại nhà các ca F0 không triệu chứng tại thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc và thị xã Tân Châu. Sau đó, tỉnh sẽ tiếp tục thí điểm tại các địa phương có dịch bùng phát và các cơ sở thu dung điều trị F0 tại đây bị quá tải.
Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang, cho biết biện pháp nói trên là nhằm giảm tải hệ thống giường bệnh, nhân lực y tế, các tổ chuyên môn, an ninh -trật tự... tại các cơ sở điều trị COVID-19 của tỉnh. Đây cũng là cách để ngành y tế tập trung nguồn lực điều trị hiệu quả cho người mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ, trung bình và nặng.
Ngày 1/11, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều ký ban hành quyết định về việc cập nhật và công bố cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tỉnh áp dụng cấp độ 4 – nguy cơ rất cao (vùng đỏ), từ 12h ngày 2/11, do số ca mắc ở địa phương tăng nhanh.
Đây là tỉnh đầu tiên ở miền Tây nâng cấp độ dịch từ 2 lên 4. Về cấp huyện có thị xã Giá Rai và thành phố Bạc Liêu ở cấp độ 4; các huyện Đông Hải, Phước Long, Hồng Dân ở cấp độ 3; huyện Vĩnh Lợi và huyện Hòa Bình ở cấp độ 2.
Trong những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11, tỉnh Bến Tre ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 tại các ổ dịch trong cộng đồng. Ngày 31/10 có 51 ca cộng đồng trong tổng số 54 ca mắc, ngày 1/11 chỉ số này là 34/37 ca, ngày 2/11 là 42/47 ca.
Riêng từ 18 giờ ngày 2/11 đến 6 giờ ngày 3/11, tỉnh có thêm 35 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng và 10 ca trong khu cách ly. Tổng số ca mắc COVID-19 của tỉnh tính đến sáng 5/11 là gần 2.600 ca, trong đó có 2.074 bệnh nhân đã được xuất viện và 52 trường hợp tử vong.
Bến Tre đánh giá dịch ở cấp độ 2 trên quy mô toàn tỉnh, tất cả 9 huyện, thành phố đều có dịch ở cấp độ 2, còn trong tổng số 157 xã, phường của Bến Tre có 14 địa phương được đánh giá có dịch ở cấp độ 3 và 4.
Cà Mau đánh giá dịch trên quy mô toàn tỉnh ở mức độ 2, tất cả 101 xã, phường, thị trấn đều có dịch từ cấp độ 2 đến 4 (từ vàng đến đỏ). Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhận định: Tình hình dịch diễn biến khó lường, tốc độ lây lan nhanh.
Nhiều ổ dịch mới đã xuất hiện trong cộng đồng ở các huyện U Minh, Trần Văn Thời, đặc biệt là huyện Đầm Dơi. Số người mắc cao khiến công tác khoanh vùng, truy vết rất vất vả. Điều quan trọng đối với Cà Mau hiện nay không phải là điều tra truy vết để tìm nguồn lây mà là để tìm các ca F0, F1.
Về cấp độ dịch, thành phố Cần Thơ rất nhanh chóng được “thăng hạng ngược” từ cấp độ 1 (vùng xanh) lên cấp độ 2 (vùng vàng) và không còn quận, huyện nào còn ở mức độ 1 nữa. Quận Cái Răng từng được đánh giá là cấp độ 1 nhưng nay đã lên cấp độ 2. Thành phố có tới 4 quận và 13 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 3 (vùng cam); 7 xã, phường, thị trấn ở mức độ 4 (vùng đỏ).
Sở Y tế thành phố Cần Thơ cho biết trong 2 tuần, từ ngày 19/10 - 1/11, thành phố ghi nhận 1.785 trường hợp F0 (trong đó có 165 ca F0 được phát hiện qua tầm soát tại cơ sở y tế, 685 ca F0 được phát hiện trong khu cách ly, 591 ca F0 được phát hiện trong khu phong tỏa, 344 ca F0 được cách ly tại nhà). So với 2 tuần trước đó, số F0 tăng 2,7 lần. Riêng trong ngày 4/11 Cần Thơ có 186 ca mắc COVID-19.
Đồng Tháp có dịch ở cấp độ 2 trên quy mô toàn tỉnh, tất cả 12 huyện, thành phố cũng đều ở cấp độ 2, có 4 trong tổng số 143 xã, thị trấn ở cấp độ 3 và 2 xã ở cấp độ 4. Vừa qua tỉnh có 2 xã chuyển thẳng từ cấp độ 2 lên cấp độ 4.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang vừa điều chỉnh cấp độ dịch COVID-19 tại thành phố Rạch Giá và 2 huyện Châu Thành, Hòn Đất lên cấp độ 3 từ 14h ngày 5/11.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang còn quyết định thực hiện biện pháp hành chính bổ sung nhằm hạn chế người dân ra khỏi nhà từ 19h ngày hôm trước đến 5h sáng hôm sau, trừ các trường hợp cấp thiết như phòng, chống dịch, thiên tai.
Ngày 3/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên dẫn đầu Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại tỉnh Tiền Giang.
Thứ trưởng đánh giá dịch COVID-19 tại Tiền Giang diễn biến phức tạp, tỉnh cần có phương án ứng phó dịch phù hợp theo hướng bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Bộ Y tế và khôi phục sản xuất-kinh doanh, ổn định đời sống theo lộ trình.
Đặc biệt, tỉnh cần nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở trong việc điều trị, chăm sóc sức khỏe người mắc COVID-19 theo hướng cách ly, điều trị F0 tại nhà, đảm bảo nguồn thuốc điều trị, không để bệnh nhân nhẹ trở nặng và giảm thiểu bệnh nhân tử vong.
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, Tiền Giang ghi nhận gần 17.300 ca mắc COVID-19. Toàn tỉnh đang ở cấp độ 2 về dịch. Trong số 11 huyện, thị xã, thành phố chỉ có 1 huyện có cấp độ 1, còn lại 10 địa phương ở cấp độ 2.
Tính đến sáng 5/11, tỉnh Trà Vinh ghi nhận hơn 3.200 ca mắc COVID-19, trong đó 1.871 trường hợp đã được điều trị khỏi; 25 ca tử vong. Theo công bố của Sở Y tế tỉnh Trà Vinh về cấp độ dịch, tỉnh Trà Vinh đang ở cấp độ 2.
Ngày 3/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh quyết định thành lập khu điều trị bệnh COVID-19 trong Trung tâm Y tế thị xã Duyên Hải và Trung tâm Y tế huyện Trà Cú để thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Trước đó, toàn tỉnh có 7 bệnh viện dã chiến có thể thu dung, điều trị khoảng 1.100 bệnh nhân COVID-19.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Long, trong hơn nửa tháng qua, trên địa bàn phát sinh nhiều ổ dịch mới trong cộng đồng.
Từ ngày 15/10 đến nay, tỉnh ghi nhận hơn 500 ca mắc, trung bình có 25 ca mắc/ngày. Đặc biệt, từ ngày 29/10 đến ngày 31/10, mỗi ngày tỉnh ghi nhận hơn 35 ca; trong các ngày 1-3/11, mỗi ngày tỉnh ghi nhận hơn 50 ca, ngày 4/11 có 75 ca. Đến nay, tỉnh đã ghi nhận hơn 3.000 ca mắc COVID-19, trong đó 2.497 bệnh nhân đã được xuất viện và 47 trường hợp tử vong.
Ngày 4/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành công văn số 7086/UBND-VX về việc tạm dừng phục vụ tại chỗ đối với các cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố Vĩnh Long. Theo đó, từ 0 giờ ngày 5/11 đến hết ngày 11/11 các cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố Vĩnh Long chỉ được bán mang về và phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo quy định.
Điều kiện đặc thù
Điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội đặc thù ở Đồng bằng sông Cửu Long góp phần làm cho dịch COVID-19 dễ bùng phát hơn và khó dập tắt hơn so với các vùng, miền khác.
Nói về Đồng bằng sông Cửu Long, mọi người hình dung về một vùng “gạo trắng nước trong,” trù phú nhất nước. Với lợi thế được thiên nhiên ưu đãi (địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu) và nguồn lao động dồi dào; các tỉnh miền Tây được xem là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản của cả nước - đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% các loại trái cây, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.
[Cần Thơ: Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi]
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sau hơn ba mươi năm đổi mới, đến nay vùng Tây Nam Bộ vẫn là xã hội nông thôn, nền kinh tế vẫn dựa vào nông nghiệp là chính; sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất này đang ngày càng tụt hậu so với các vùng, miền khác. Sự đóng góp của Đồng bằng sông Cửu Long vào GDP của cả nước trong hơn ba thập kỷ qua giảm mạnh.
Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ thấp hơn hẳn chẳng những so với Thành phố Hồ Chí Minh mà cả với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, mặc dù nằm sát bên.
Nếu trong năm 1990, GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ bằng 2/3 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì sau 2 thập niên, GRDP của miền Tây Nam Bộ chỉ bằng 2/3 của Thành phố Hồ Chí Minh và tình trạng này kéo dài đến nay.
GRDP bình quân đầu người của Đồng bằng sông Cửu Long tương đương 80% so với mặt bằng chung cả nước và xu hướng cách biệt ngày càng trở nên rõ nét hơn, đặc biệt so với vùng Đông Nam Bộ.
GRDP bình quân đầu người là một trong những chỉ tiêu thống kê kinh tế tổng hợp quan trọng phản ánh kết quả sản xuất theo bình quân đầu người trong một năm.
Nhân lực ở Đồng bằng sông Cửu Long không cao về chất, đã thế lại ngày càng giảm về lượng. Số người di cư khỏi Tây Nam Bộ trong thập niên vừa qua là gần 1,1 triệu người, lớn hơn dân số của một số tỉnh trong vùng và tương đương với mức tăng dân số tự nhiên của cả vùng.
Do sự chênh lệch về mức sống và cơ hội tìm việc làm so với các nơi khác nên vùng Tây Nam Bộ có tỷ lệ nhập cư thấp nhất và tỷ lệ xuất cư (chủ yếu đến Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ) cao nhất so với cả nước.
Đồng bằng sông Cửu Long hiện là “vùng trũng” về đô thị hóa ở Việt Nam. Mức độ đô thị hóa của cả vùng trong giai đoạn 2009 - 2020 chỉ tăng nhẹ từ 22,8% lên 25,1%, trong khi chỉ số này trên cả nước tăng từ 29,6% lên 34,4%.
Các nguồn lực kinh tế đang bị suy giảm; cơ sở hạ tầng giao thông kết nối chưa được đầu tư đúng mức; nền kinh tế đang bị tụt hậu do các động lực truyền thống đã tới hạn và các động lực mới còn yếu ớt.
Tất cả những điều nói trên dẫn đến một thực tế là năng lực y tế nói chung và khả năng chống chọi với dịch COVID-19 nói riêng của các tỉnh, thành phố miền Tây không cao, nhận thức về phòng, chống dịch của người dân cũng còn nhiều hạn chế.
Một lượng lớn lao động từ Tây Nam Bộ đổ về Đông Nam Bộ để tìm việc làm và khi dịch tại nơi này bùng phát thì nhiều người trong số họ lại “hồi hương,” mang theo mầm bệnh về quê. Dịch COVID-19 tái bùng phát hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long phần lớn cũng là hệ quả làn sóng về quê tự phát của người lao động từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương trong tháng 9 và tháng 10.
Riêng tại tỉnh Cà Mau, mỗi ngày trung bình có khoảng 200 người từ Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ trở về địa phương, tính lũy kế đến nay là hơn 36.000 người. Đây là nguyên nhân chính làm bùng phát dịch trở lại tại Cà Mau.
Một yếu tố nữa khiến cho cuộc chiến chống COVID-19 ở Tây Nam Bộ thêm phức tạp là tại đây có gần 400km đường biên giới với Campuchia, chạy qua các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và Long An với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc xuất, nhập cảnh tự phát. Trong nửa năm qua việc ra, vào lãnh thổ một cách trái phép qua đường biên giới trên bộ góp phần làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Cần sự hỗ trợ của Trung ương và cả nước
Vì là tâm điểm của dịch COVID-19 trong 3 tháng qua cùng với Đông Nam Bộ nên vùng Tây Nam Bộ có độ bao phủ vaccine phòng dịch mũi 1 cao, nhưng số người được tiêm mũi 2 lại còn thấp. Điều này làm giảm hiệu quả chống dịch.
Cụ thể, An Giang đã tiêm cho gần 1,3 triệu người từ 18 tuổi trở lên, đạt độ bao phủ 92% và tiêm mũi 2 cho hơn 181.000 người, đạt độ bao phủ 14%; chỉ số này ở Bến Tre là 73,57% và 25,49%; Cần Thơ là 95% và 28%; Kiên Giang là 80% và hơn 26%; Trà Vinh là hơn 68% và hơn 16%; Vĩnh Long là gần 100% và hơn 25%...
Như vậy, tuy ở tâm dịch nhưng số người 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 liều vaccine ở Tây Nam Bộ thấp hơn khá nhiều so với mức chung của cả nước là xấp xỉ 36%.
Ngày 3/11, dưới sự chủ trì của hai Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 là Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các thành viên Ban Chỉ đạo đã họp bàn về công tác phòng, chống dịch; chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả với dịch cũng như kế hoạch đầu tư, mua sắm vaccine, thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch.
Các thành viên Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương phân bổ đủ vaccine cho các địa phương, đặc biệt là các địa phương có nguy cơ cao, rất cao; trong đó việc bảo đảm đủ vaccine, có phương án chi viện nhân lực để theo kịp tiến độ, kế hoạch tiêm vaccine nhanh nhất cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên.
Các tỉnh, thành phố ở Tây Nam Bộ đang nóng lòng chờ Bộ Y tế nhanh chóng thực hiện sự chỉ đạo nói trên.
Liên quan đến vấn đề tiêm vaccine ở Tây Nam Bộ, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản cho biết, tình hình dịch bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh đến nay cơ bản được kiểm soát và các đơn vị quân đội sẵn sàng chi viện cho những nơi khác khi được điều động, cụ thể như hỗ trợ các địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long trong công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 khi có yêu cầu.
Ý tưởng của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản cần sớm được hiện thực hóa vì ngay từ bây giờ các tỉnh, thành phố ở Tây Nam Bộ đang rất cần sự hỗ trợ của Trung ương và sự chi viện của cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ từng nhận được.
Bên cạnh đó, các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng cần áp dụng các bài học do Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, rút ra sau hơn 3 tháng lăn lộn tại tâm dịch.
Bài học đầu tiên và quan trọng là tiếp tục tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ không thể có "Zero COVID," lúc nào cũng sẵn sàng có ca F0 và dịch lúc nào cũng sẵn sàng quay trở lại. Bài học thứ hai là phải xây dựng kế hoạch xét nghiệm để phát hiện F0 theo quy định của Bộ Y tế. Vấn đề thứ ba là phải củng cố, xây dựng hệ thống y tế đủ năng lực, bổ sung đầy đủ về nhân lực, trang thiết bị, máy móc, thuốc, oxy, đủ sức đáp ứng tình hình mới.
Thứ tư là phải xây dựng kế hoạch bảo vệ người chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19. Những người đã được tiêm mũi 1, mũi 2, sau khi trở về gia đình, nơi cư trú hoặc đến nơi làm việc... phải lưu ý, tránh tiếp xúc với những người chưa được tiêm vaccine.
Khi người dân hiểu rõ và có ý thức ủng hộ, tham gia tích cực với chính quyền thì cuộc chiến chống dịch COVID-19 của các tỉnh, thành phố ở Tây Nam Bộ sẽ đạt hiệu quả hơn rất nhiều, đúng như tinh thần Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ./.