Thông tin về trường hợp chị N.H.N, 26 tuổi, ở phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội đi từ nước ngoài (vùng dịch) về nhưng không tự giác khai báo, được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 tối 6/3, đã khiến cả nước hoang mang, lo lắng.
Nhiều người cho rằng nỗ lực bao ngày qua của cả hệ thống chính trị nhằm ngăn cản sự lây lan của bệnh dịch có thể "đổ xuống biển" chỉ vì một cá nhân có ý thức tồi.
Lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp ngay trong đêm 6/3 để lên phương án đối phó. Lực lượng chức năng đã nhanh chóng phong tỏa nơi sinh sống của bệnh nhân cũng như cách ly tất cả những ai từng tiếp xúc với người bệnh trong thời gian gần đây.
Ngay sau đó, đích thân Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã gọi điện thoại cho Tổng Giám đốc hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đề nghị dừng khai thác máy bay đã từng chở bệnh nhân trên để tiến hành biện pháp khử trùng; nắm rõ danh sách hành khách và tất cả tiếp viên trong chuyến bay nhằm thực hiện các biện pháp cách ly.
Trước tình hình nguy cấp, lãnh đạo thành phố đã tính đến phương án cao nhất để đảm bảo an toàn, tránh tối đa dịch bệnh lây lan.
Ca mắc COVID-19 đầu tiên ở Hà Nội khiến cộng đồng bất an trước một đại dịch có nguy cơ bùng phát, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe của con người. Đây là điều vô cùng đáng tiếc khi chỉ còn ít ngày nữa là Việt Nam đủ điều kiện công bố hết dịch trong khi virus SARS-CoV-2 vẫn đang hoành hành và tiếp tục lây lan trên toàn cầu.
Việt Nam từng được thế giới đánh giá cao khả năng phòng dịch vô cùng hiệu quả khi khống chế rất tốt sự lây lan với gần một tháng không có thêm ca nhiễm mới.
[Khai báo y tế bắt buộc với mọi hành khách nhập cảnh Việt Nam]
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận việc Việt Nam đã xử lý dịch bệnh này rất tốt. Chính phủ đã khởi động hệ thống ứng phó ở giai đoạn đầu của dịch, tăng cường giám sát, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và tăng cường xét nghiệm bên cạnh thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành. Nhiều quốc gia trên thế giới ngỏ ý muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng dịch.
Có được sự ghi nhận đó, Chính phủ cùng các cơ quan chức năng đã phải tốn bao công sức, tiền của để xây dựng và thực hiện các phương án phòng, chống.
Từ Trung ương đến địa phương nghiêm túc tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ, những cuộc họp không thực sự cần thiết đều được hủy bỏ, thời gian chủ yếu được ưu tiên dành cho công tác chống dịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng tuyên bố sẵn sàng hy sinh một phần lợi ích kinh tế để đảm bảo sức khỏe cho người dân. Để thực hiện quyết tâm ấy, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt chẽ người qua lại đường mòn, lối mở tại các tỉnh biên giới; thực hiện nghiêm các giải pháp về quản lý, kiểm soát phòng, chống dịch trong các hoạt động hàng không, du lịch, vận chuyển hàng hóa qua biên giới; cấm tụ tập đông người và tạm dừng tổ chức các lễ hội truyền thống chưa khai mạc; yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền tác hại của dịch bệnh và hướng dẫn cách phòng tránh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình...
Với sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Việt Nam vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh, người dân vẫn bình yên.
Thành quả đó, bên cạnh những kinh nghiệm trong các lần khống chế thành công các dịch lớn như SARS, MERS- CoV... còn có một phần không nhỏ là ý thức tự giác của người dân trong việc hợp tác với chính quyền thực hiện các quy định về phòng dịch mà sự việc ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc là một ví dụ điển hình.
Một địa phương có nguy cơ trở thành tâm dịch của cả nước đã an toàn sau 20 ngày phong tỏa với biết bao công sức của chính quyền và lực lượng chức năng. Hàng trăm chiến sỹ công an, quân đội đã phải căng mình trong mưa rét, nhiều ngày không được về nhà với mục tiêu bảo vệ bình yên cho người dân.
Nếu người dân Sơn Lôi không tuân thủ, không coi việc cách ly là để khoanh vùng, dập dịch triệt để thì liệu nguồn bệnh có thoát ra ngoài, lây lan sang các địa phương khác?
Người dân cả nước đã vui mừng, yên tâm biết bao khi "ổ dịch" đầu tiên đã được dập tắt bằng quyết tâm của chính quyền và ý thức của người dân. Khát khao được sống trong bình yên của đồng bào cả nước có cơ sở trở thành hiện thực sau nhiều ngày mong ngóng.
Thế nhưng, khát khao chính đáng ấy lại đang bị đe dọa chỉ vì một vài cá nhân có ý thức kém, gây ra hậu quả nghiêm trọng khiến cả nước phải "giật mình."
Rõ ràng, cô gái vừa được phát hiện mắc COVID-19 biết mình có những biểu hiện của mầm bệnh, trở về từ vùng dịch nhưng không chịu khai báo với cơ quan chức năng. Sự việc bị người dân lên án và cho rằng hành động chủ quan đó đã thể hiện sự thiếu trách nhiệm trước bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Theo nhận định của nhiều người, bên cạnh một số cá nhân không có ý thức tự giác, sự chủ quan của số đông người dân đã bắt đầu xuất hiện trong thời gian gần đây khi tình hình bệnh dịch trong nước đang tạm thời yên ổn.
Bài học "nhãn tiền" lớn nhất dẫn đến mất khả năng kiểm soát về dịch bệnh của các quốc gia trên thế giới vẫn là sự chủ quan và thiếu ý thức của người dân trong việc tuân thủ các quy định phòng dịch. Chỉ vì một cá nhân nhiễm bệnh từ chối hợp tác với cơ quan chức năng để tiến hành cách ly mà dẫn đến cả đất nước Hàn Quốc phải đương đầu với dịch bệnh nguy hiểm.
Trong cuộc họp Chính phủ gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định dù tình hình bệnh dịch trong nước đang tạm thời được kiểm soát nhưng chính quyền và nhân dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là...
Trường hợp của N.H.N vừa được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 là một bài học đắt giá đối với tất cả những công dân đi từ nước ngoài trở về. Việc đề cao cảnh giác, phát huy tinh thần tự giác, tuân thủ mọi quy định phòng dịch, nghiêm chỉnh khai báo y tế trước khi nhập cảnh chính là thể hiện trách nhiệm trong việc bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.../.