Chống biến đổi khí hậu: Tham vọng đang tuyệt vọng?

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ sự thất vọng về kết quả của Hội nghị COP 25, ở Madrid (Tây Ban Nha), coi đây là cơ hội bị bỏ lỡ trong cuộc chiến chống lại tình trạng nóng lên của Trái Đất.
Đại diện các quốc gia chụp ảnh chung tại Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25), Madrid của Tây Ban Nha, ngày 2/12. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo hãng AP, các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc trong năm nay tại Madrid, cuộc họp dài nhất trong gần 25 năm tiến hành gần như thường niên, kết thúc ngày 15/12 với việc các nước gây ô nhiễm chính phản đối lời kêu gọi đẩy nhanh nỗ lực hạn chế tình trạng Trái Đất ấm dần lên.

Đối mặt với nhiệm vụ khó khăn trong việc điều tiết các yêu cầu của giới khoa học, những người biểu tình trên đường phố và đại diện các chính phủ đã trở về nhà, các nhà đàm phán cuối cùng đã khiến nhiều người thất vọng và "để dành" các cuộc đàm phán về những vấn đề quan trọng, như điều tiết các thị trường carbon toàn cầu, sang cuộc họp năm tới tại Glasgow (Scotland).

Dưới đây là những vấn đề chính được giải quyết và những điểm còn vướng mắc cho các cuộc đàm phán trong tương lai.

Có cần đến những mục tiêu rõ ràng hơn?

Trong khi việc đưa ra mục tiêu rõ ràng hơn không được chính thức đề cập đến trong chương trình nghị sự, hầu hết các đại biểu và những nhà quan sát đều nhất trí rằng các cuộc đàm phán của Liên hợp quốc cần phát đi một tín hiệu mạnh mẽ rằng các nước sẵn sàng cam kết các mục tiêu rõ ràng hơn trong việc cắt giảm hiệu ứng nhà kính.

[Nhiều nước lớn phớt lờ lời kêu gọi nỗ lực chống biến đổi khí hậu]

Điều đó còn tham vọng hơn nhiều so với mục tiêu được đặt ra bởi cái được gọi là tuyên bố Thời điểm để hành động Chile-Madrid, theo đó chỉ đơn thuần kêu gọi khẩn cấp cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính phù hợp với các mục tiêu mà Thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu đã đặt ra.

Các nhà khoa học cho biết lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu và các khí thải gây ô nhiễm khác phải bắt đầu giảm nhanh càng sớm càng tốt để đáp ứng mục tiêu trong thỏa thuận Paris nhằm duy trì sự ấm lên của Trái Đất thấp hơn 2 độ C và lý tưởng là 1,5 độ C, vào cuối thế kỷ.

Thỏa thuận đó cho phép các nước đặt ra những mục tiêu giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của họ, được biết đến như những đóng góp đã được xác định ở phạm vi quốc gia (NDCs), vốn sẽ thường xuyên được xem xét lại và tăng lên nếu cần thiết.

Với việc các mục tiêu về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính hiện nay đặt thế giới vào tiến trình tăng từ 3-4 độ C vào năm 2100, các nhà khoa học cho biết việc cắt giảm mạnh mẽ hơn nữa là cần thiết và nên được thông báo trước thềm hội nghị khí hậu vào năm tới tại Glasgow.

Johan Rockstrom- Giám đốc Viện Postdam nghiên cứu sự tác động của khí hậu- nói: "Biểu đồ về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu cần phải được bẻ cong vào năm 2020, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cần bị cắt giảm một nửa vào năm 2030, và mục tiêu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ròng ở mức "0" phải được hiện thực hóa vào năm 2050."

Ông nói thêm: "Mục tiêu này có thể đạt được với những công nghệ hiện tại và trong khuôn khổ nền kinh tế hiện nay của chúng ta. Cánh cửa cơ hội đang mở ra, nhưng chưa nhiều."

Làm thế nào để điều chỉnh thị trường khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu?

Các nhà kinh tế cho rằng cơ chế thị trường có thể đẩy nhanh sự chuyển đổi từ việc sử dụng năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo.

Có một cách để làm điều này là ấn định giá cho CO2, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất, và giảm dần lượng khí thải mà các nước và công ty được phép phát thải.

Liên minh châu Âu và một vài thể chế khác trên khắp thế giới đã giới hạn hệ thống thương mại khí thải để mua và bán hạn ngạch khí carbon. Hiệp định Paris có nghĩa là thiết lập những quy định về trao đổi carbon trên quy mô toàn cầu.

Tuy nhiên, đặt ra những quy định cho thị trường mang tính môi trường và lành mạnh và kết nối với những hệ thống đang tồn tại là rất khó. Và việc phân bố tỷ lệ phần trăm dựa trên doanh thu để giúp các quốc gia thích ứng với tác động của tình trạng nhiệt độ ấm dần lên cũng vậy.

Điểm chính trong sự phản đối nằm ở việc tồn tại hạn ngạch carbon cũ bị để lại từ một hệ thống không còn hiệu quả hiện nay được thiết lập theo Nghị định thư Kyoto năm 1997.

Các nước phát triển như Brazil đã khẳng định trong hai tuần hội nghị vừa qua tại Madrid lập trường duy trì hạn ngạch khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời chống lại những tính toán chặt chẽ của loại hình thương mại này trong tương lai.

Luận điểm rằng các thị trường carbon không đủ minh bạch và để lại lỗ hổng cho những toan tính có thể làm xói mòn những nỗ lực để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vốn cuối cùng đã đạt được, có thể ngăn cản quyết định về vấn đề này tại hội nghị Glasgow sang năm.

Viện trợ cho nước nghèo

Trong hội nghị thượng đỉnh, vấn đề này được biết đến như "sự mất mát và thiệt hại." Về bản chất, điều này đã được công nhận từ vài năm trước rằng các nước đang phát triển là những nước dễ bị tổn thương hơn nhiều trước những ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu, ngay cả khi họ không phải tác nhân chính gây ra vấn đề này.

Theo thỏa thuận thăm dò đạt được năm 2013, các nước giàu sẽ giúp họ thanh toán hóa đơn. Tuy nhiên, việc quy kết cho những thảm họa thời tiết cụ thể, như bão và lũ, hay những biến đổi chậm song không thể thay đổi, như mực nước biển dâng và sa mạc hóa, đối với tình trạng biến đổi khí hậu vẫn là một vấn đề tế nhị do cho phí tiềm ẩn liên quan.

Đặc biệt, Mỹ đã phản đối bất kỳ tài liệu tham khảo nào về trách nhiệm pháp lý có thể có trong các kết luận của hội nghị thượng đỉnh và đã giành chiến thắng khi một quyết định liên quan đã được hoãn thêm một năm nữa.

Các nước đang phát triển cũng yêu cầu rằng bồi thường phải được coi là một vấn đề tách riêng khỏi các quỹ để giúp các nước thích nghi và giảm thiểu tác động từ việc Trái Đất ấm dần lên.

Và Quỹ khí hậu Xanh, được thiết lập vì mục tiêu đó, hiện không đạt được mục tiêu đóng góp 100 tỷ USD một năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục