Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) sẽ để ngỏ cho khu vực tư nhân tham gia với quy mô chưa từng có tiền lệ.
Đây là tuyên bố của Chủ tịch hội nghị, ông Sultan Al Jaber, tại phiên thảo luận sơ bộ về những vấn đề chính liên quan đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Ngày 30/10, phát biểu tại Abu Dhabi, thủ đô của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), ông Jaber khẳng định tính bao trùm là một nguyên tắc quan trọng của COP28. Theo đó, ông Jaber cho rằng sự tham gia của khối tư nhân ở mức độ chưa từng thấy trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ đem lại “cơ hội kinh tế” cho các nước.
[Thế giới cần đầu tư vào năng lượng tái tạo 1.300 tỷ USD mỗi năm]
Tại cuộc thảo luận kéo dài 2 ngày với sự tham dự của khoảng 70 bộ trưởng và 100 đoàn đại biểu, ông Jaber nhận định vấn đề tương lai của nhiên liệu hóa thạch sẽ có thể là vấn đề gây tranh cãi nhất tại COP28, dự kiến diễn ra từ ngày 30/11 đến ngày 12/12/2023.
Ngoài ra, một vấn đề khác thu hút mối quan tâm tại COP28 là việc cung cấp tài chính hỗ trợ các nước nghèo hơn trong nỗ lực ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.
Chủ tịch COP28 cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách các thể chế tài chính quốc tế, xây dựng thị trường carbon và khuyến khích đầu tư tư nhân để có thể đạt được những giải pháp về hỗ trợ tài chính trị giá hàng nghìn tỷ USD.
Theo Chủ tịch COP28, hơn 20 công ty dầu khí đã hưởng ứng lời kêu gọi của COP28 nhằm chấm dứt tình trạng phát thải khí methane vào năm 2030.
Tại COP28, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ cùng nhau đánh giá tiến trình hiện thực hóa cam kết của các nước để đạt được những mục tiêu tham vọng theo Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu.
Một trong những nội dung chính của hiệp định này là mục tiêu giới hạn tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C và nỗ lực cho một mục tiêu tham vọng hơn là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp./.