Chọn 'đúng và trúng' nội dung tham mưu điều hành kinh tế vĩ mô

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cần phát huy vai trò cơ quan tham mưu, tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành chính sách vĩ mô.
Chọn 'đúng và trúng' nội dung tham mưu điều hành kinh tế vĩ mô ảnh 1Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cần chọn "đúng và trúng" trọng tâm, trọng điểm các nội dung tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong điều hành về kinh tế vĩ mô thời gian tới.

Đây là nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức chiều 21/1.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bức tranh phục hồi và phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn. Điều này đòi hỏi với Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cần phát huy vai trò cơ quan tham mưu, tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành chính sách vĩ mô.

Đơn vị phải chủ động nghiên cứu, theo dõi sát tình hình, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề quan trọng đối với kinh tế, tài chính, đặc biệt là tập trung phân tích, dự báo, đánh giá tác động qua lại giữa thị trường tài chính và kinh tế vĩ mô nhằm kịp thời phát hiện những yếu tố phát sinh bất thường để đề xuất các giải pháp xử lý linh hoạt.

Cùng với đó, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cần nâng cao hơn nữa vai trò điều phối chính sách giám sát và trách nhiệm giám sát, thanh kiểm tra chung thị trường tài chính như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, qua đó góp phần bảo đảm thị trường tài chính phát triển ổn định.

[Phó Thủ tướng: Quyết định giao dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022]

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, năm 2021, trước biến động về kinh tế và thị trường tài chính thế giới, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế trong nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan tham mưu, tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trong đó, đã có nhiều báo cáo tham mưu, tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành chính sách kinh tế vĩ mô và giám sát chung thị trường tài chính, đóng góp vào việc duy trì ổn định và phát triển kinh tế vĩ mô thời gian qua.

Về phía Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Phó Chủ tịch phụ trách Vũ Nhữ Thăng cho biết, năm 2022, đơn vị đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong phân tích, đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính đến kinh tế vĩ mô và tác động của chính sách kinh tế vĩ mô đến thị trường tài chính. Đồng thời điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính quốc gia gồm ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giám sát chung thị trường tài chính quốc gia.

Song song đó, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tập trung đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng giám sát, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, cảnh báo rủi ro đối với hệ thống các tổ chức tài chính, nhất là các tổ chức tín dụng; đồng thời, bám sát diễn biến thị trường trái phiếu doanh nghiệp... để tham mưu kịp thời cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đề xuất khuyến nghị chính sách cụ thể.

Mặt khác, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp, trao đổi thông tin về kinh tế-tài chính để bảo đảm nhất quán về số liệu và thống nhất về quan điểm phân tích, nhận định; tích cực, chủ động tham gia đóng góp ý kiến đối với các đề án, báo cáo của các bộ, ngành liên quan đến định hướng, chiến lược và cơ chế, chính sách phát triển thị trường tài chính gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.

Trước đó, tổng kết công tác năm 2021, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thông tin, đơn vị đã hoàn thành giám sát chung thị trường tái chính, giám sát hợp nhất tập đoàn tài chính; điều phối hoạt động sát thị trường tài chính, xây dựng cơ chế chính sách, chiến lược, định hướng phát triển thị trường tài chính; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin giám sát tài chính quốc gia và nhiều mặt công tác khác.

Nổi bật trong đó, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã kịp thời đánh giá, cảnh báo những yếu tố rủi ro có thể tác động đến an toàn hoạt động của hệ thống tài chính tín dụng, cảnh báo rủi ro trên thị trường tài chính chứng khoán, đánh giá và cảnh báo một số vấn đề trong lĩnh vực bảo hiểm, cảnh báo những rủi ro tập trung sở hữu cổ phần, tập trung tín dụng, rủi ro lan truyền với các tập đoàn tài chính. Trên cơ sở đó, đơn vị đã đề xuất nhiều giải pháp chính sách góp phần bảo đảm ổn định và phát triển bền vững của thị trường tài chính.

Bên cạnh đó, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu chung về thị trường tài chính. Đến nay, đơn vị đã thu thập thông tin, báo cáo, dữ liệu từ 320 định chế tài chính, với hơn 500 mẫu biểu các loại và hàng triệu chỉ tiêu định kỳ.

Thông tin, dữ liệu thu thập được Ủy ban thường xuyên rà soát, phát hiện sai sót để kịp thời hiệu chỉnh. Hệ thống tiêu chuẩn dữ liệu cũng được liên tục rà soát, cập nhật phù hợp với chế độ báo cáo của các cơ quan quản lý Nhà nước. Hệ thống thông tin dữ liệu luôn được bảo đảm hoạt động an toàn, bảo mật theo quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục