'Chọn diễn viên 13 tuổi đóng cảnh nhạy cảm là không phù hợp'

Theo lãnh đạo một ủy ban của Quốc hội, xét ở góc độ pháp luật hay đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, việc để trẻ 13 tuổi đóng trực tiếp cảnh 'nóng' là không phù hợp.
Đơn vị sản xuất đề nghị dừng chiếu "Vợ ba" trên toàn quốc. (Ảnh: Đoàn làm phim)
Đơn vị sản xuất đề nghị dừng chiếu "Vợ ba" trên toàn quốc. (Ảnh: Đoàn làm phim)

Liên quan đến những “ồn ào” xung quanh bộ phim “Vợ ba” (đạo diễn Nguyễn Phương Anh) trong thời gian gần đây, ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc để một diễn viên 13 tuổi đóng trực tiếp những cảnh nhạy cảm trong một bộ phim dán nhãn C18 (không dành cho đối tượng khán giả dưới 18 tuổi) là không phù hợp.

Bên lề Kỳ họp thứ bảy - Quốc hội khóa XIV, ông Phạm Tất Thắng đã có những trao đổi với báo chí về vấn đề này vào chiều 23/5.

- Những ngày gần đây, dư luận bày tỏ ý kiến phản đối gay gắt khi êkíp làm phim “Vợ ba” để một diễn viên 13 tuổi diễn xuất trong một số cảnh nhạy cảm. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Ông Phạm Tất Thắng: Lĩnh vực nghệ thuật (đặc biệt là điện ảnh) có những đặc thù riêng. Bởi vậy, một số bộ phim, vở kịch có sự tham gia diễn xuất của diễn viên nhỏ tuổi (diễn viên chưa đủ tuổi lao động), thậm chí diễn viên nhí như trường hợp phim “Vợ ba.”

Tuy nhiên, để việc sử dụng những diễn viên ở độ tuổi này nhận được sự ủng hộ, đồng tình của dư luận thì êkíp làm phim cần phải có cách làm thận trọng.

[Cục Trẻ em đề nghị xem xét yếu tố xâm hại trẻ em trong phim 'Vợ ba']

Cụ thể, trường hợp của bộ phim “Vợ ba” (đoàn làm phim để nữ diễn viên 13 tuổi trực tiếp đóng những cảnh nhạy cảm) cần được xem xét ở hai góc độ: pháp luật và đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục truyền thống.

- Hai góc độ trên cần được hiểu cụ thể như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Tất Thắng: Diễn viên 13 tuổi tức là chưa đủ tuổi lao động theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, với những lĩnh vực đặc thù như nghệ thuật, pháp luật cho phép sử dụng lao động trẻ em nhưng có điều kiện nhất định. Pháp luật không cho phép đối với những trường hợp gây ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý, mối quan hệ xã hội của các em. Đoàn làm phim cần lưu ý đến khía cạnh này.

Thứ hai, dù ở những quốc gia phát triển với những quan niệm cởi mở hơn (như Âu Mỹ) việc sử dụng diễn viên nhí để đóng những cảnh nhạy cảm cũng cần rất thận trọng, nếu không sẽ vấp phải sự phản ứng của dư luận. Xã hội Việt Nam có những thuần phong mỹ tục theo truyền thống văn hóa Á Đông riêng. Việc sử dụng diễn viên 13 tuổi đóng những cảnh nhạy cảm là không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Như vậy, dù xét ở góc độ nào (pháp luật và đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục truyền thống), việc để một diễn viên nữ 13 tuổi đóng trực tiếp các cảnh nhạy cảm cũng là điều không phù hợp.

'Chọn diễn viên 13 tuổi đóng cảnh nhạy cảm là không phù hợp' ảnh 1Ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Ở góc độ nghệ thuật, có ý kiến cho rằng, việc để nữ diễn viên đóng trực tiếp như vậy nhằm đảm bảo cảm xúc chân thực của một tác phẩm điện ảnh. Hơn nữa, nhà sản xuất cũng khẳng định, mọi cảnh quay đều có sự giám sát của người giám hộ (mẹ nữ diễn viên) và với những cảnh nhạy cảm, đơn vị làm phim đều có thiết bị bảo vệ diễn viên. Việc phê phán của dư luận sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói chung. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Phạm Tất Thắng: Trước khi công chiếu chính thức ở Việt Nam, cơ quan quản lý đã thực hiện đủ quy trình duyệt phim. Từ phía đơn vị sản xuất cũng như người giám hộ của diễn viên này đều khẳng định, quá trình xây dựng bộ phim, công chiếu những hình ảnh của nữ diễn viên lên màn ảnh không vi phạm quy định của pháp luật. Cụ thể, những cảnh được chiếu chỉ thể hiện biểu cảm gương mặt, không làm lộ những bộ phận nhạy cảm cơ thể diễn viên (!).

Tuy nhiên, ranh giới, việc phân định cũng rất khó, khá mong manh. Với một diễn viên nhỏ tuổi có năng khiếu nghệ thuật, đoàn làm phim hoàn toàn có thể mời tham gia diễn xuất, miễn là có sự đồng thuận của diễn viên và người giám hộ, đồng thời đảm bảo những quy định của pháp luật.

Thế nhưng, với những cảnh nhạy cảm, tôi cho rằng, đoàn làm phim nên sử dụng diễn viên đóng thế.

- Vậy theo ông, bộ phim có nên được chiếu trở lại trong tương lai không để tránh tình trạng phim thất bại ngay trên “sân nhà” sau khi đã giành được nhiều giải thưởng quốc tế?

Ông Phạm Tất Thắng: Đơn vị sản xuất đã chủ động đề nghị dừng chiếu bộ phim này. Cá nhân tôi cho rằng, xét ở cả hai góc độ như trao đổi ban đầu (pháp luật và đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục truyền thống), một bộ phim để diễn viên 13 tuổi đóng trực tiếp những cảnh nhạy cảm không nên tiếp tục được chiếu.

Trong trường hợp, phim được chiếu trở lại thì cần duyệt lại một lần nữa để loại bỏ hoàn toàn những cảnh có thể gây phản cảm với dư luận.

Còn nếu phim được phát hành ở nước ngoài thì điều đó phụ thuộc vào những quy định phát hành phim của nước sở tại.

- Trân trọng cảm ơn ông!

“Vợ ba” lấy bối cảnh nông thôn miền Bắc cuối thế kỷ 19, khai thác những giằng xé, đấu tranh nội tâm của một cô gái trẻ tên Mây (Nguyễn Phương Trà My thủ vai) sau khi trở thành vợ ba của một người đàn ông lớn tuổi trong cuộc hôn nhân sắp đặt. Từ cô con dâu ngây thơ, rụt rè khi về nhà chồng, Mây dần thay đổi với những mưu mô, toan tính nhằm tranh giành vị thế trong gia đình chồng. Nói khác đi, chuyện phim là hành trình tìm kiếm bản ngã và cái giá phải trả của Mây.

Trước khi chính thức công chiếu tại Việt Nam (từ ngày 17/5), “Vợ ba” đã tạo được tiếng vang tại các liên hoan phim trên thế giới: giải “Phim Châu Á xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim Quốc tế Toronto (Canada) 2018, giải “Đóng góp nghệ thuật xuất sắc nhất” Liên hoan phim Quốc tế Cairo (Ai Cập) lần thứ 40, giải “Phim truyện xuất sắc nhất” của Liên hoan phim Quốc tế Kolkata (Ấn Độ) lần thứ 24…

Tuy nhiên, ngay sau khi công chiếu, nhiều khán giả bày tỏ ý kiến phản đối gay gắt khi êkíp làm phim “Vợ ba” để một diễn viên 13 tuổi diễn xuất trong một số cảnh nhạy cảm.

Ngày 20/5, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện giao Cục Điện ảnh kiểm tra lại quy trình cấp phép tác phẩm này. Cũng trong tối 20/5, đơn vị sản xuất đã đề nghị dừng chiếu “Vợ ba” tại hệ thống rạp trên toàn quốc.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục