Cho ý kiến việc lập 3 thị xã thuộc Thanh Hóa, Bình Định và Phú Yên

Chiều 16/4, Ủy ban Pháp luật xem xét, cho ý kiến về việc thành lập thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định; thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
Cho ý kiến việc lập 3 thị xã thuộc Thanh Hóa, Bình Định và Phú Yên ảnh 1Khu Kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa). (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 27, chiều 16/4, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc thành lập thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định; thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

Các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết thành lập thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định; thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên và các phường trực thuộc thị xã; cho rằng các đơn vị cơ bản đạt các điều kiện, tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, số đơn vị hành chính trực thuộc, phân loại đô thị; tiêu chuẩn về cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế-xã hội theo quy định.

Về việc thành lập thị xã Nghi Sơn (trên cơ sở nguyên trạng huyện Tĩnh Gia) và 16 phường trực thuộc, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, trên địa bàn huyện Tĩnh Gia có Khu kinh tế Nghi Sơn, trọng tâm là công nghiệp nặng, công nghiệp cơ bản, có nhiều nhà máy điện than, lọc hóa dầu, luyện thép, khai thác cảng biển, dịch vụ, du lịch. Quá trình phát triển, sản xuất công nghiệp của thị xã Nghi Sơn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đô thị.

[Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên 27 theo hình thức trực tuyến]

Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan trình đề án lưu ý các biện pháp bảo vệ môi trường, có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu các sự cố môi trường trên địa bàn, bảo đảm sự phát triển bền vững của thị xã.

Ngoài ra, theo đề án của Chính phủ, huyện Tĩnh Gia hiện nay chưa có khu xử lý nước thải tập trung nên toàn bộ lượng nước thải từ các hộ dân, các đơn vị, doanh nghiệp sau khi được xử lý sẽ chảy ra hệ thống thoát nước chung, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường.

Do vậy, các đại biểu đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương sớm có giải pháp đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải trên địa bàn huyện Tĩnh Gia để khắc phục tình trạng này.

Đối với việc thành lập thị xã Hoài Nhơn và các phường thuộc thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, nhiều ý kiến chỉ rõ, việc thành lập thị xã trên một diện tích tự nhiên rất lớn 420,84 km2 (gấp 2 lần tiêu chuẩn chung), với số lượng lớn các phường trực thuộc (11/17 đơn vị hành chính cấp xã, đạt 64,7%) trong khi diện tích đất nông nghiệp chiếm tới 82,36%, diện tích đất phi nông nghiệp chỉ chiếm 16,75% sẽ đặt ra áp lực rất lớn đối với chính quyền địa phương trong việc phát triển kinh tế-xã hội, tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân trên địa bàn đô thị mới.

Các vấn đề cấp bách như: giải pháp đầu tư phát triển đô thị, chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất, thay đổi cơ cấu nhân sự, tổ chức bộ máy từ nông thôn sang đô thị, giải quyết các chế độ, chính sách cho người dân, hỗ trợ thay đổi con dấu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức, cá nhân... cần được chú trọng và có những giải pháp hiệu quả, kịp thời.

Tuy nhiên, trong Đề án của Chính phủ lại chưa đề cập đến các nội dung này, thống kê về nhu cầu và khả năng huy động vốn còn chung chung, mang tính định hướng theo Chương trình phát triển đô thị đã được phê duyệt mà chưa sâu sát đến những vấn đề cấp thiết ngay sau khi thành lập thị xã.

Vì vậy, các đại biểu đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương tỉnh Bình Định cần sớm có biện pháp giải quyết những yêu cầu đặt ra sau khi thành lập thị xã để bảo đảm ổn định tình hình kinh tế-xã hội, đời sống của nhân dân và sự phát triển bền vững của đô thị Hoài Nhơn.

Liên quan đến việc thành lập thị xã Đông Hòa và 5 phường (Hòa Vinh, Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Xuân Tây) thuộc thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, các đại biểu nhận định, theo Đề án, huyện Đông Hòa có 10 đơn vị hành chính cấp xã với thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 56,71 triệu đồng/người. Trong đó, 5 đơn vị dự kiến thành lập phường thuộc huyện Đông Hòa năm 2018 thu nhập bình quân đầu người trong khoảng từ 36,3 triệu đồng/người đến 46 triệu đồng/người (trung bình khoảng 40,1 triệu đồng/người).

Như vậy, 5 xã còn lại của huyện Đông Hòa phải có thu nhập bình quân đầu người khoảng 73,32 triệu đồng/người mới cho ra số liệu về thu nhập bình quân đầu người như đã nêu trong Đề án.

Do đó, một số đại biểu đề nghị làm rõ hơn về các số liệu trên để bảo đảm tính thuyết phục./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục