Cho ý kiến về 2 dự thảo liên quan đến kiến nghị của cử tri và nhân dân

Thông qua 1.396 cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đã tổng hợp được 2.102 kiến nghị, kiến nghị được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay có 2.008 kiến nghị được giải quyết.
Quang cảnh Phiên khai mạc. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Ngay sau phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 45 vào sáng 8/5 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Trình bày dự thảo báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết thông qua 1.396 cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đã tổng hợp được 2.102 kiến nghị, các kiến nghị đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay có 2.008 kiến nghị được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 95,53%.

Đối với Quốc hội, có 59 kiến nghị, chiếm 2,8%, trong đó có 23/59 kiến nghị về xây dựng pháp luật và 36/59 kiến nghị về hoạt động giám sát.

Cử tri nhiều tỉnh, thành phố tiếp tục kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc quản lý đất đai, công sản, tiến độ và chất lượng một số công trình dự án lớn, đầu tư từ ngân sách, nhất là các dự án giao thông, đường cao tốc... tại kỳ họp này.

Cử tri một số địa phương còn kiến nghị cần nghiên cứu xem xét tăng mạnh mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm tương tự như Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt để bảo đảm tính răn đe cao, vì đây là vấn đề ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi người dân. Ngoài ra, cử tri một số địa phương còn tham gia đóng góp ý kiến đối với một số dự án luật cụ thể.

Thời gian qua, thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19, dưới sự chỉ đạo của sát sao của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã linh hoạt điều chỉnh phương thức hoạt động, tạm hoãn các hoạt đông giám sát tại địa phương, hạn chế tập trung đông người, thay vào đó là tăng cường làm việc và họp trực tuyến trong nội bộ cơ quan và với các Bộ, ngành, địa phương; tích cực giám sát thông qua các báo cáo… đảm bảo đúng chương trình kế hoạch công tác.

[Khai mạc Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội]

Một số vấn đề được cử tri, dư luận xã hội quan tâm đã được Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội quan tâm. Toàn bộ các kiến nghị cử tri gửi đến các cơ quan của Quốc hội đã được xem xét trả lời thấu đáo, đầy đủ, đúng thời hạn đạt 100%, bảo đảm giữ vững mối quan hệ chặt chẽ với cử tri trong mọi hoàn cảnh.

Qua giám sát cho thấy Chính phủ, các bộ, ngành vẫn luôn rất tích cực, khẩn trương, trách nhiệm trong xem xét, giải quyết và trả lời các kiến nghị của cử tri. Ngay tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 9/4/2020, Thủ tướng đã chỉ đạo các thành viên Chính phủ sớm hoàn thành việc trả lời kiến nghị cử tri, trong đó lưu ý trả lời phải đúng yêu cầu, có giải pháp cụ thể để xử lý, không trả lời chung chung, trích dẫn Nghị quyết Đảng, quy định pháp luật.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong giải quyết kiến nghị của cử tri, trong đó vẫn còn một số ít văn bản trả lời chưa đủ thông tin, chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị, chỉ trích dẫn các quy định đã có của pháp luật hoặc dựa trên báo cáo của cấp dưới mà chưa kiểm tra hoặc tìm giải pháp để tháo gỡ, do đó cử tri tiếp tục bức xúc, tiếp tục kiến nghị.

Một số kiến nghị của cử tri yêu cầu kiểm tra, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tập thể khi để xảy ra sai phạm nhưng thường được trả lời chung chung mà chưa nêu rõ kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trong xem xét, giải quyết các kiến nghị có nội dung liên ngành, vẫn còn chậm do khó xác định cơ quan chủ trì giải quyết…

Tại phiên họp, đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; cho rằng, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri được thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm, nhất là có những biến động về dịch bệnh COVID-19.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng mặc dù dịch bệnh xảy ra với mức độ nghiêm trọng song không vì thế để ảnh hưởng đến quá trình điều hành đất nước. Quốc hội, Ủy ban Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội làm việc đúng quy định, đều trả lời nội dung liên quan đến nhân dân và tham gia cùng các bộ ngành giải quyết. Quốc hội đã chủ động đổi mới phương thức làm việc với cường độ cao hơn, phối hợp nhịp nhàng hơn.

Nhiều ý kiến Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là báo cáo rất quan trọng, đề nghị cần có đánh giá tổng quan để đại biểu Quốc hội và cử tri theo dõi so sánh...

Thực hiện linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Cũng trong sáng 8/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Trình bày dự thảo báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại Kỳ họp thứ 9, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hầu A Lềnh, cho biết, đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19, cử tri và nhân dân tin tưởng, đồng tình, đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, sự vào cuộc tích cực của của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương.

Đến nay, Việt Nam đã kiểm soát và cơ bản đẩy lùi được dịch bệnh COVID-19, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân, an sinh xã hội được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Cử tri và nhân dân bày tỏ sự cảm ơn, trân trọng về những nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương, nhất là của ngành y tế, lực lượng quân đội, công an, của cán bộ ở cơ sở và các lực lượng khác đã rất vất vả, quên mình trên tuyến đầu chống dịch.

Cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao Đảng, Nhà nước đã chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kép: vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. 

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân vẫn còn lo lắng trước tình hình suy giảm của nền kinh tế thế giới và trong nước, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế-xã hội của nước ta. Dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể; lao động mất việc làm, thiếu việc làm tăng, thu nhập không ổn định, nhất là trong các ngành dịch vụ, du lịch, vận tải...

Cử tri và nhân dân còn băn khoăn về hiệu quả của việc giảng dạy trực tuyến, nhất là ở những nơi điều kiện kinh tế khó khăn. Nhiều phụ huynh lo lắng việc học sinh, sinh viên nghỉ học dài ngày ảnh hưởng đến kế hoạch, chương trình, nội dung kiến thức học tập; băn khoăn trước những thay đổi và điều chỉnh về phương án thi tốt nghiệp phổ thông trung học và phương thức tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng năm học 2020- 2021; lên án việc có một số cán bộ lợi dụng việc đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế trong phòng chống dịch để trục lợi.

Ngoài ra, cử tri và nhân dân lo lắng trước tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, không phép và chặt phá rừng vẫn tiếp tục diễn ra ở một số nơi; tình trạng sạt, lở bờ sông, hạn hán, xâm nhập mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long; giông lốc, mưa đá ở một số tỉnh miền núi phía Bắc diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống, sinh hoạt của người dân.

Tình hình tội phạm cướp của, giết người, lừa đảo, “tín dụng đen,” buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy còn diễn biến phức tạp; tình trạng băng nhóm tội phạm có tính chất xã hội đen lộng hành tại một số địa phương…

Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình chung và từng địa phương; thực hiện tốt phương án phát triển kinh tế-xã hội gắn liền với phòng, chống dịch...

Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với dự thảo báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại Kỳ họp thứ 9; cho rằng, trong các vấn đề được đề cập trong dự thảo báo cáo đã có nhiều vấn đề được các cơ quan giải quyết song đề nghị cần nghiên cứu, tiếp thu các vấn đề khác để gửi đến Quốc hội.

Đối với các kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành và cho rằng đã bám sát ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân song cần rà soát thêm để phản ánh đúng thực tế, từ đó có những đề xuất cụ thể hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục