Cho ý kiến mức phạt với các vi phạm trong đối ngoại, hợp tác quốc tế

Chiều 15/3, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về mức phạt tiền tối đa đối với các hành vi vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực đối ngoại, hợp tác quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ tám, chiều 15/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về mức phạt tiền tối đa đối với các hành vi vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực đối ngoại, hợp tác quốc tế.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết nhìn chung các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam đã tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.

Nhưng bên cạnh các mặt tích cực cũng thường mắc một số sai phạm liên quan đến việc thực hiện Nghị định số 12/2012/NĐ-CP ngày 1/3/2012 của Chính phủ về đăng ký và hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam; Thông tư số 05/2012/TT- BNG ngày 12/11/2012 của Bộ Ngoại giao hướng dẫn thi hành Nghị định số 12.

Vi phạm điển hình thường là cá nhân, tổ chức tiến hành hoạt động, lập văn phòng đại diện và văn phòng dự án tại Việt Nam khi chưa được cấp giấy phép đăng ký; vẫn triển khai các dự án khi chưa triển khai gia hạn giấy phép đăng ký; thuê trụ sở làm việc không xin phép hoặc không đúng địa chỉ như trong giấy đăng ký... thậm chí có một vài tổ chức tham gia hoạt động xâm hại đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống và bản sắc dân tộc hoặc có hoạt động nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam như tác động vào cải cách thể chế, sửa đổi pháp luật, ra thông cáo, thư ngỏ vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, tôn giáo...

Trong lĩnh vực tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam, trong năm 2015 có 1.923 hội nghị, hội thảo quốc tế được các bộ , ngành Trung ương và địa phương cấp giấy phép tổ chức, tăng khoảng 70% về số lượng so với năm 2014.

Năm 2016 có 1.725 hội nghị, hội thảo quốc tế được cấp giấy phép, giảm 10% số lượng so với năm 2015 nhưng lại tăng khoảng 13% số lượng đại biểu quốc tế tham dự.

Bên cạnh các mặt tích cực, các hội nghị, hội thảo quốc tế thường mắc các lỗi về tổ chức, quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế về Việt Nam điển hình như: không xin phép hoặc xin phép nhưng không tham khảo ý kiến của Bộ Ngoại giao hoặc các cơ quan, địa phương liên quan; tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế không theo đúng chương trình, đề án đã được phê duyệt; không báo cáo kết quả hội nghị, hội thảo theo quy định.

Căn cứ đề xuất mức phạt tiền tối đa, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành địa phương nghiên cứu căn cứ pháp lý, tình hình thực tiễn để đề xuất mức phạt tiền cao nhất với những vi phạm điển hình trong từng lĩnh vực, trên cơ sở đó đề xuất mức phạt tối đa chung cho lĩnh vực đối ngoại.

Chính phủ đề xuất cụ thể như sau đối với lĩnh vực hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, theo Thứ trưởng trên thực tế hoạt động của các tổ chức phi chính phủ là nhân đạo thiện nguyện, việc vi phạm do không nắm vững các quy định pháp luật, nhưng cũng có những tổ chức bên cạnh các hoạt động hỗ trợ nhân đạo còn có hành vi cố tình vi phạm, nhân danh thu lời... nên để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động nhân đạo tại Việt Nam, cũng như phòng ngừa các hành vi vi phạm, Chính phủ nhận thấy cần quy định mức xử phạt chỉ đủ tính răn đe do đây là lĩnh vực nhạy cảm.

Đối với những vi phạm trong lĩnh vực này, Chính phủ kiến nghị mức phạt tối đa là 30 triệu đồng - đây là mức thấp nhất trong mức xử phạt thấp nhất được quy định tại điều 24 Luật xử lý vi phạm hành chính về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực.

Đối với lĩnh vực tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế, Chính phủ kiến nghị mức xử phạt tối đa là 20 triệu đồng.

Thẩm tra tờ trình Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết về mức phạt tối đa với tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam, đa số ý kiến trong Ủy ban đồng ý với đề xuất của Chính phủ bởi cho rằng mức này tuy thấp nhưng đây là lĩnh vực nhạy cảm, ngoài phạt tiền tối đa, Bộ Ngoại giao cũng có thể xử lý bằng các hình thức khác như đấu tranh ngoại giao, tước quyền sử dụng giấy phép, vi phạm nặng sẽ trục xuất...

Cũng có ý kiến cho rằng mức phạt này còn thấp. Đối chiếu với Điều 24 của Luật xử lý vi phạm hành chính, đây là mức thấp nhất trong mức tối đa.

Mức phạt thấp, tính răn đe, phòng ngừa thấp, không mang tính dài hạn vì vậy đề nghị nâng lên mức 50 triệu đồng.

Đối với hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế, Báo cáo thẩm tra nhận định: các vi phạm trong lĩnh vực này thường mang tính nhỏ lẻ, mức độ ảnh hưởng, tác động cũng thường không lớn; mức phạt tiền cần bảo đảm sự tương thích với mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm mang tính tương đồng.

Do đó, việc áp dụng mức tiền phạt tối đa đối với các vi phạm trong lĩnh vực này là 20 triệu đồng như Chính phủ đề xuất là phù hợp.

Tuy nhiên, cần xác định rõ mức phạt tiền này là mức phạt tối đa áp dụng đối với cá nhân vi phạm.

Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm thì cần căn cứ quy định tại Điều 24 Luật xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tiền tối đa bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết, đồng ý mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài là 30 triệu đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục