Chiều 12/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, tại Phiên họp 49, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Chưa phát huy hết tiềm năng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình tóm tắt dự thảo Nghị quyết. Tờ trình của Chính phủ nêu rõ sự cần thiết phải xây dựng dự thảo Nghị quyết.
Theo đó, về cơ sở thực tiễn, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị loại đặc biệt, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học-công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế.
Trong quá trình phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của mình do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị loại đặc biệt và được tổ chức tinh gọn, hiện đại, có năng lực lập quy hoạch, kế hoạch, sử dụng hiệu quả các tài nguyên, phát triển các dịch vụ hạ tầng đồng bộ.
Bên cạnh đó, việc tổng kết hơn 6 năm thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường tại Thành phố Hồ Chí Minh (từ năm 2009 đến năm 2016) cho thấy nhiều kết quả tích cực.
Về cơ sở chính trị và căn cứ pháp lý, thời gian qua, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở đô thị, nông thôn và hải đảo là nhiệm vụ quan trọng, luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc khóa XII đã chỉ rõ: “Hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm ở nông thôn, đô thị, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt theo luật định.”
Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt do luật định.”
[Nâng cao tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị TP.HCM]
Tiếp đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 đã quy định: “Chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương.”
Dự thảo Nghị quyết gồm 12 điều, quy định: Việc tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; về cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của Ủy ban Nhân dân quận; nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND quận; về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh; về cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của Ủy ban Nhân dân phường; nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường; về tổ chức thực hiện; về điều khoản chuyển tiếp và hiệu lực thi hành.
Để đảm bảo tính liên tục và không tạo khoảng trống trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của chính quyền địa phương ở quận và phường tại Thành phố Hồ Chí Minh, dự thảo Nghị quyết đã quy định một số nội dung chuyển tiếp. Nghị quyết dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 và tổ chức thực hiện từ ngày 01/7/2021.
Nghiên cứu để hình thành mô hình chính quyền đô thị phù hợp
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung báo cáo nêu rõ: Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, là đầu tàu kinh tế của cả nước, có sức thu hút, lan tỏa đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Vì vậy, việc nghiên cứu để hình thành mô hình chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt về kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng, dân cư, địa giới đơn vị hành chính của Thành phố Hồ Chí Minh là thực sự cần thiết.
Về tên gọi, phạm vi và nội dung của dự thảo Nghị quyết, trong quá trình thẩm tra của Ủy ban Pháp luật có 02 loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất tán thành với đề nghị của Chính phủ, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện ngay từ ngày 01/7/2021 mà không qua thí điểm.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh tương tự như đã quyết định đối với Hà Nội và Đà Nẵng.
Để bảo đảm có lộ trình, bước đi phù hợp, bảo đảm tính thận trọng, khả thi mà vẫn tạo cơ sở pháp lý để Thành phố Hồ Chí Minh có thể triển khai thực hiện tổ chức chính quyền đô thị ngay từ nhiệm kỳ sắp tới, loại ý kiến này đề nghị xác định tên gọi, phạm vi và nội dung của Nghị quyết là “Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.”
Về Hội đồng Nhân dân và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố. Báo cáo cho rằng: Trong bối cảnh tổ chức chính quyền đô thị thì việc kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là cần thiết, nhất là trong điều kiện thành phố không tổ chức Hội đồng Nhân dân ở tất cả các quận, phường trực thuộc.
Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết chỉ bổ sung thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Nhân dân thành phố nhưng lại không có những quy định để bảo đảm điều kiện cho việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này. Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị xem xét lại quy định về thẩm quyền quyết định về ngân sách nhà nước của Hội đồng Nhân dân thành phố để bảo đảm tính chính xác; việc giao Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định một số nội dung liên quan đến đầu tư công để bảo đảm tính thống nhất với Luật Đầu tư công.
Về Ủy ban Nhân dân quận, phường: Báo cáo cho rằng việc giữ nguyên tên gọi là Ủy ban Nhân dân ở quận, phường sẽ gây ra nhiều khó khăn, phức tạp trong cách hiểu và cách thức quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Nhân dân tại các văn bản quy phạm pháp luật khác bởi mặc dù cùng có tên gọi là Ủy ban Nhân dân nhưng vị trí, tính chất, thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân ở nơi có tổ chức HĐND và nơi không có tổ chức Hội đồng Nhân dân có sự khác nhau.
Do đó, loại ý kiến này đề nghị đổi tên gọi của Ủy ban Nhân dân quận, phường trong dự thảo Nghị quyết thành Ủy ban hành chính để phù hợp với tính chất của cơ quan này.
Báo cáo đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để nghiên cứu quy định về cơ cấu, tổ chức của Ủy ban Nhân dân quận, phường để bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức và phương thức hoạt động mới; đồng thời, cần rà soát lại một số nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận trong việc quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách của quận, phường trực thuộc; phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Ủy ban Nhân dân phường trực thuộc cũng như cách thức quy định về nhiệm vụ của Ủy ban Nhân dân và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, phường.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh: Báo cáo cho rằng quy định như dự thảo Nghị quyết của Chính phủ là phù hợp. Báo cáo đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung những quy định mới, đặc thù, cơ chế vượt trội hơn của chính quyền thành phố trực thuộc so với chính quyền ở các quận hiện nay để thực hiện mục tiêu thành lập thành phố trong thành phố nhằm tạo bước đột phá, làm hạt nhân, một cực tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tại phiên họp, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã giải trình, làm rõ một số nội dung liên quan đến dự thảo Nghị quyết. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết, tập trung vào: tên gọi, phạm vi và nội dung của dự thảo Nghị quyết; trình tự, thủ tục ban hành Nghị quyết; cơ cấu tổ chức của Hội đồng Nhân dân thành phố; tên gọi của cơ quan hành chính ở quận, phường; cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của Ủy ban Nhân dân quận, phường; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương tại các đơn vị hành chính ở thành phố; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh.
Đa số các ý kiến tán thành với đề nghị của Chính phủ, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh mà không qua thí điểm; ban hành Nghị quyết theo quy trình một kỳ họp theo thủ tục rút gọn.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan hữu quan rà soát và hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Ngày mai, 13/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc tại Nhà Quốc hội theo Chương trình phiên họp./.