Cho ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược

Chiều 16/5, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 28, chiều 16/5, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.

Rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dược khỏi chương trình kỳ họp thứ 7

Đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Luật Dược được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua đã đánh dấu một bước quan trọng trong hệ thống pháp luật về dược, là cơ sở pháp lý cao nhất thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước về quản lý hoạt động dược.

Qua 8 năm thực hiện, một số quy định của Luật đã không còn phù hợp với thực tiễn và quá trình hội nhập quốc tế, cần phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung Luật phải góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp dược Việt Nam, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật dược, tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực dược.

Đối với nguyên tắc quản lý giá thuốc, một số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ, quy định quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường để bảo đảm quyền lợi các bên, tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp dược và thị trường dược, tạo điều kiện cho người Việt Nam được hưởng các loại thuốc tiên tiến, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe.

Cũng có ý kiến cho rằng cần quy định rõ quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, nhưng có sự điều tiết của Nhà nước để bảo đảm quyền lợi của người dân cũng như quyền lợi của các bên liên quan, nhất là với các loại thuốc thiết yếu, phù hợp với nguyên tắc của Luật Giá.

Tuy nhiên, do mặt hàng thuốc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, phải đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước. Đó là Nhà nước sẽ tham gia điều tiết để bình ổn giá thuốc khi có biến động về giá đối với thuốc phòng bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục thuốc thiết yếu; định giá đối với hàng dự trữ quốc gia, sản phẩm sử dụng ngân sách Nhà nước; có chính sách hỗ trợ đối với thuốc y học cổ truyền dân tộc, thuốc cung ứng cho các vùng khó khăn, thuốc chữa trị một số bệnh xã hội; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác quản lý giá thuốc.

Liên quan đến quy định về giá thuốc, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần nghiên cứu, xác định các nội dung quy định của dự án luật sao cho phù hợp với các dự án Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rút dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược ra khỏi chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII để Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra có thời gian nghiên cứu, hoàn thiện nội dung trình Quốc hội trong các kỳ họp sau.

Khẩn trương chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7

Tờ trình của Văn phòng Quốc hội nêu rõ dự kiến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra trong 28 ngày làm việc chính thức. Theo đó, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ dành thời gian nghe Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông.

Nội dung xem xét, thông qua Nghị quyết về việc xây dựng, triển khai chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 sẽ được rút khỏi kỳ họp thứ 7 để các cơ quan soạn thảo và thẩm tra có thêm thời gian tiếp tục chuẩn bị, hoàn thiện đề án trình Quốc hội tại một kỳ họp sau.

Các vụ án trọng điểm trong thời gian gần đây, nhất là các vụ án tham nhũng sẽ được chuyển sang báo cáo tại kỳ họp cuối năm, cùng với các báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; các báo cáo công tác tư pháp khác.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Văn phòng Quốc hội cần sắp xếp, phân bổ thời gian thảo luận tại tổ, hội trường hợp lý để đại biểu có thời gian nghiên cứu trước tài liệu. Đồng thời, bố trí những nội dung có phát thanh, truyền hình trực tiếp vào các ngày thứ bảy để tạo điều kiện cho cử tri, đồng bào cả nước theo dõi…/.

Tin cùng chuyên mục