Cho vay lại vốn ODA: Có vay, có trả sẽ giảm sức ì của các dự án?

Cơ quan chức năng dự kiến sẽ chia các địa phương thành 5 nhóm với tỷ lệ vay lại vốn hỗ trợ phát triển chính thức và được cấp phát rõ ràng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: JICA)

Cơ quan chức năng dự kiến sẽ chia các địa phương thành 5 nhóm với tỷ lệ vay lại vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và được cấp phát rõ ràng. Việc quy định các địa phương có vay, có trả với nguồn vốn trước nay được ví như "cho không" được lãnh đạo Bộ Tài chính hy vọng sẽ giảm bớt sức ì bấy lâu của nơi nhận vốn.

Nói kỹ hơn về vấn đề này trong buổi họp báo tổ chức sáng 22/3 tại Hà Nội, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho hay, với khoảng 15 tỷ vốn ODA dành cho địa phương, có tới 92,2% là cấp phát và chỉ 7,8% là khoản cho vay lại. Trong khi ấy, với các khoản cho địa phương vay lại, Nhà nước đi vay về với điều kiện ra sao thì cho vay lại cơ bản với điều kiện ấy. Mọi rủi ro khác về tiền tệ, tỷ giá đều sẽ do Nhà nước chịu.

Đây là thực tế theo ông đã duy trì trong nhiều năm qua, một phần vì trong những năm 1990-2000, khả năng các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Ngoài ra, vốn ODA thời điểm đó cho Việt Nam khá dồi dào với nhiều điều kiện ưu đãi.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo ngành tài chính cũng thẳng thắn chỉ ra thực tế, cơ chế đang áp dụng đã bộc lộ các điểm hạn chế như vốn đầu tư dàn trải, hiệu quả đầu tư không cao, chậm tiến độ, tăng vốn,...

Ngoài ra, một điểm bất cập khác theo ông là khả năng tiếp cận vốn của một số địa phương nghèo thường khó khăn hơn so với các thành phố lớn.

"Các tỉnh nghèo, để có dự án lớn thì không nhiều, chủ yếu chỉ là công trình nhỏ, dân sinh," ông Long nói.

Đây là vấn đề theo ông phải "tính lại," đặc biệt là về sự công bằng. "Công bằng ở đây không có nghĩa là cào bằng, mà có nghĩa là chỗ nào khó hơn thì phải được đầu tư hơn, chỗ nào có điều kiện thì phải chia sẻ với Trung ương," vị đai diện ngành tài chính nêu quan điểm.

Ông Long đưa ra phương án dự tính của cơ quan chức năng với 5 nhóm địa phương với tỷ lệ cho vay lại và cấp phát rõ ràng. Cụ thể, sẽ có 3 nhóm các địa phương còn khó khăn, phải nhận trợ cấp của Nhà nước và 2 nhóm các nơi có thể điều tiết lại ngân sách Nhà nước. Các tỉnh khó khăn nhất theo ông Long sẽ được áp dụng tỷ lệ vay lại vốn ODA chỉ là 10% và vẫn cấp phát khoảng 90%. Một số địa phương khác "khá hơn" sẽ có tỷ lệ vay lại khoảng 20%-30%.

"Với địa phương dồi dào hơn thì có thể áp dụng cơ chế 50-50, tức là Nhà nước hỗ trợ 50%, địa phương tự vay lại 50%. Riêng với Hà Nội, Sài Gòn dự kiến sẽ áp dụng tỷ lệ 80-20, đồng nghĩa Nhà nước hỗ trợ 20%, địa phương tự vay lại 80%," ông Long cho hay.

Khẳng định những khoản vay lại trên là chuyện "nội bộ của ngân sách" và không giúp làm giảm nợ công nhưng ông Long khẳng định, điều quan trọng là tăng tính hiệu quả của khoản vay.

"Địa phương xác định vay và có thể được kết cấu vào bội chi ngân sách địa phương thì về nguyên tắc, Hội đồng nhân dân địa phương phải thẩm định rõ, kỹ, chỉ khi khả năng tài chính có thể hoàn trả mới vay," lãnh đạo ngành tài chính nói thêm.

Những thay đổi trên theo ông Long đặt trong bối cảnh khi tới tháng 7/2017, Ngân hàng Thế giới sẽ chấm dứt ODA với Việt Nam. Sau WB, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và các tổ chức khác sẽ chuyển dần dòng vốn vay và Việt Nam sẽ không còn tiếp cận vốn ODA ưu đãi như trước nữa.

Theo ông, những khoản vay trước kia có thể kéo dài 30-40 năm thì hiện chỉ có mức 20-25 năm hay thậm chí 15 năm. Chi phí vốn vay hiện cũng đã đắt đỏ hơn trước khi thường lên tới 2% mỗi năm thay vì từ 1% trở xuống như trước.

"Đó là thúc ép để chúng ta phải chuyển nhanh," lãnh đạo ngành tài chính lên tiếng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục