Học trước, lợi bất cập hại

“Cho trẻ học trước khi vào lớp 1 là phản khoa học”

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc cho trẻ học trước lớp 1 là phản khoa học, Bộ dự kiến sẽ bỏ chấm điểm học kỳ 1 cho học sinh lớp 1.
Thời điểm này, rất nhiều phụ huynh đang lo lắng tìm lớp học cho con để chuẩn bị vào lớp 1 năm học 2013-2014. Trước thực trạng này, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có buổi họp báo chiều ngày 25/3/2012, tại Hà Nội, để giải đáp những thắc mắc của dư luận.

Học trước, hại nhiều hơn lợi

Tại buổi họp báo, ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo,  cho biết, với trẻ trước 6 tuổi, Bộ đã có chương trình giáo dục mầm non phù hợp với lứa tuổi này. Trẻ được chơi với đồ vật có in hình con số, chữ cái để nhận biết mặt chữ, số.

Khi vào lớp 1, theo chương trình của Bộ, tuần đầu tiên trẻ sẽ được làm quen với môi trường mới, lớp, giáo viên, bạn bè, mục đích để trẻ thích đến lớp. Đây là giai đoạn chuẩn bị cho các cháu chuyển từ mẫu giáo sang tiểu học.

“Nếu cho trẻ đi học chữ trước khi vào lớp 1 là phản khoa học, sẽ làm mất đi giai đoạn đầu làm quen, mất đi sự háo hức khi vào lớp 1, dễ làm cho trẻ chủ quan, ảo tưởng về nhận thức của mình cũng như gây ảnh hưởng tới các bạn trong lớp,” ông Định phân tích.

Cũng theo ông Định, một mối nguy hại khác là nếu người dạy trẻ không dạy chuẩn tư thế ngồi, cầm bút, viết nét chữ… ngay từ đầu thì sẽ rất khó sửa cho trẻ sau này, khi các bé đã quen. Điều này không tốt cho sự phát triển của trẻ về cơ, xương, tâm lý…

Chương trình lớp 1 rất nhẹ nhàng, chỉ cần học sinh biết đọc, viết, làm tính, dần dần các cháu sẽ đạt được yêu cầu này.

“Tôi xin nhấn mạnh, với trẻ học lớp 1, yêu cầu đặt ra là chỉ cần trẻ thích đi học, cảm nhận được mỗi ngày đến trường là một ngày vui, còn kết quả học tập thì phải dần dần. Các phụ huynh không nên chạy theo tâm lý đám đông, con mình phải hơn bạn bè, điều này rất khổ cho trẻ,” ông Định nói.

Sẽ không chấm điểm học sinh


Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc rất nhiều cơ sở giáo dục quá tải, đến 60 học sinh một lớp, giáo viên không có điều kiện quan tâm đến từng học sinh, ông Định thừa nhận đây là thực tế, nhất là ở các thành phố lớn, do quỹ đất hạn hẹp. Tuy nhiên, ông Định cũng cho hay Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn đề nghị các địa phương ưu tiên quỹ đất cho giáo dục.

Mặt khác, hiện nay ở bậc học này đã triển khai học hai buổi một ngày, tạo điều kiện để giáo viên kèm cặp học sinh. Mục đích của lớp 1 là để các em có kỹ năng giao tiếp với cô giáo, bạn bè, yêu cầu kỷ luật, làm quen việc học, không đặt nặng vấn đề kiến thức. Vì thế, chuẩn bị cho các em vào lớp 1 không phải là chuyện học chữ mà phụ huynh cần chuẩn bị tâm thế cho các em.

Ông Định cũng cho hay, để tránh áp lực cho trẻ cũng như phụ huynh, Bộ dự kiến sẽ không chấm điểm cho học sinh lớp 1 trong giai đoạn đầu, ít nhất trong học kỳ 1. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ chú trọng việc bố trí chương trình phù hợp hợn, đội ngũ giáo viên có chuyên môn, nhiệt tình, yêu trẻ để nâng cao hiệu quả giảng dạy.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết Vụ Giáo dục Tiểu học phối hợp với Vụ Giáo dục Mầm non đã quy định không dạy trước chương trình tiểu học trong các trường mầm non, không thi tuyển vào lớp 1. Nếu trường mầm non nào dạy chữ, ghép vần cho các cháu là sai. Cô giáo tiểu học mở lớp dạy trước cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1 là vi phạm quy chế dạy thêm học thêm.

"Bộ sẽ tăng cường công tác kiểm tra xử lý sai phạm về dạy thêm học thêm trước khi vào lớp 1," ông Định nói.

Trên thực tế, việc cho trẻ luyện chữ, học đọc, học viết trước khi vào lớp 1 đã rất phổ biến từ nhiều năm nay, đặc biệt "nở rộ" vào thời điểm sau Tết. Tâm lý chung của các bậc phụ huynh là sợ con không theo kịp bạn bè, bị thiếu tự tin ngay khi đi học, nên dù tốn kém thời gian, tiền bạc, công sức vẫn cố tìm lớp cho con, dần dần thành phong trào.

Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng về việc không nên cho trẻ học thêm trước khi vào lớp 1. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn không được cải thiện. Theo nhiều ý kiến phụ huynh, điều này cũng cần phải bắt đầu cả từ phía nhà trường, giáo viên thực sự coi trẻ lớp 1 không biết chữ và cầm tay uốn nắn./.

Mai Thảo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục