Chờ số liệu lạm phát của Mỹ, thị trường vàng, dầu, chứng khoán châu Á đều đi lên

Trong phiên giao dịch chiều 11/7, các chỉ số vàng, dầu và chứng khoán trên thị trường châu Á đều đi lên, trong bối cảnh thị trường đang chờ đợi số liệu lạm phát của Mỹ.
Giao dịch viên tại một công ty chứng khoán ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Trong phiên giao dịch chiều 11/7, các thị trường vàng, dầu và chứng khoán châu Á đều đi lên, trong bối cảnh thị trường đang chờ đợi số liệu lạm phát của Mỹ.

Chứng khoán châu Á đạt mức cao kỷ lục

Các thị trường chứng khoán châu Á tăng lên các mức cao kỷ lục trong phiên giao dịch ngày 11/7, trong bối cảnh thị trường đang chờ đợi số liệu lạm phát của Mỹ, với dự đoán lạm phát hạ nhiệt, mở đường cho việc cắt giảm lãi suất vào tháng Chín.

Khép lại phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tăng 392,03 điểm, hay 0,94%, lên 42.224,02 điểm. Chỉ số chứng khoán tổng hợp MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 1,2% lên mức cao nhất trong hai năm.

Thị trường chứng khoán của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) cũng đạt mức cao kỷ lục, và chỉ số ASX 200 của Australia đóng cửa gần sát với mức cao nhất mọi thời đại.

Tại Thượng Hải (Trung Quốc), chỉ số Shanghai Composite tăng 31,02 điểm, hay 1,06%, lên 2.907,39 điểm, còn tại Hong Kong (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng ghi thêm 362,15 điểm lên 17.831,04 điểm.

Tuy nhiên, một loạt dữ liệu đáng thất vọng và những thông tin về thuế quan ở các thị trường xuất khẩu chính của Trung Quốc khiến cho đà tăng này khó duy trì.

Ông Shane Oliver, nhà kinh tế trưởng và Giám đốc chiến lược đầu tư của công ty AMP ở Sydney, nhận định động lực chính của thị trường là triển vọng cắt giảm lãi suất.

Mới đây, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết "thêm nhiều dữ liệu tích cực" sẽ tạo cơ sở để Fed cắt giảm lãi suất. Thị trường đang dự đoán khả năng cắt giảm vào tháng Chín là khoảng 75%.

Các chuyên gia kinh tế dự báo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ chậm lại ở mức 3,1% trong tháng Sáu so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 3,3% của tháng Năm.

Còn tại Việt Nam, kết thúc phiên này, chỉ số VN-Index giảm 2,14 điểm, hay 0,17%, xuống 1.283,8 điểm, còn chỉ số HNX-Index ghi thêm 0,84 điểm, hay 0,35%, lên 245,39 điểm.

Vàng tăng giá khi thị trường chuẩn bị đón nhận dữ liệu lạm phát của Mỹ

Vàng miếng được giới thiệu tại Sàn giao dịch vàng ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Vàng ghi nhận phiên tăng giá thứ ba liên tiếp vào ngày 11/7, khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ để có thêm thông tin về lộ trình lãi suất của Fed.

Vào lúc 15 giờ 37 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,37% lên 2.379,89 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn tăng 0,27% lên 2.378,70 USD/ounce.

Đồng USD suy yếu khiến vàng - được định giá bằng “đồng bạc xanh” - trở nên hấp dẫn hơn đối với những người mua nắm giữ các đồng tiền khác. Nhà phân tích Edward Meir của công ty tài chính Marex cho rằng bất kỳ sự suy giảm bất ngờ nào trong số liệu CPI đều có thể làm đồng USD suy yếu và đẩy giá vàng lên mức 2.400 USD/ounce.

Vàng được coi là tài sản phòng ngừa rủi ro trong các thời kỳ biến động địa chính trị và sức hấp dẫn của kim loại quý này thường tăng lên khi lãi suất thấp.

Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,7% lên 31,04 USD/ounce, còn giá bạch kim tăng 0,4% lên 993,25 USD/ounce.

Tại Việt Nam, chiều nay, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 74,98-76,98 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), không đổi so với chốt ngày hôm qua.

Giá dầu tăng khi dự trữ dầu thô và xăng giảm

Giá dầu tăng tại châu Á trong phiên giao dịch ngày 11/7, do lượng dầu thô dự trữ giảm sau khi các nhà máy lọc dầu của Mỹ tăng cường hoạt động và lượng xăng dự trữ giảm, báo hiệu nhu cầu tăng cao hơn.

Vào lúc 13 giờ 20 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 62 xu Mỹ, hay 0,73%, lên 85,70 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 60 xu Mỹ, tương đương 0,73%, lên 82,70 USD/thùng.

Giếng dầu ở Bàn Cẩm, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc ngày 1/1/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trưởng nhóm ngành năng lượng của ngân hàng DBS, ông Suvro Sarkar, cho biết: "Sự phục hồi này chủ yếu là do lượng dự trữ dầu thô của Mỹ tiếp tục giảm theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

Lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm 3,4 triệu thùng xuống còn 445,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 5/7,vượt xa dự đoán giảm 1,3 triệu thùng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters.

Bên cạnh đó, lượng xăng dự trữ giảm 2 triệu thùng xuống còn 229,7 triệu thùng, giảm mạnh hơn nhiều so với mức giảm 600.000 thùng mà các nhà phân tích dự báo trước đó.

Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cũng duy trì dự báo về mức tăng trưởng tương đối mạnh của nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2024 và năm tới. OPEC cho rằng tăng trưởng kinh tế vững chắc và hoạt động vận tải hàng không sẽ thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu trong những tháng mùa hè.

Tuy nhiên, mức tăng của giá dầu bị hạn chế, khi bão Beryl chỉ gây gián đoạn rất nhỏ cho nguồn cung tại các nhà máy lọc dầu và cơ sở sản xuất ngoài khơi.

Trong khi đó, thị trường đang chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ trong tuần này, bao gồm Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được công bố ngày 11/7 và Chỉ số giá sản xuất (PPI) vào ngày 12/7.

Theo công cụ FedWatch của CME, dự đoán về khả năng Fed giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng Chín đã tăng lên 74% từ mức 45% một tháng trước. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí vay mượn, từ đó có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế và nhu cầu dầu./.

Tin cùng chuyên mục