Chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long: Tạo điểm nhấn cho sản phẩm du lịch

Không chỉ đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, chợ nổi còn là đặc trưng văn hóa, đặc sản du lịch, niềm tự hào của vùng đất, con người Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) là điểm tham quan du lịch đặc sắc của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng, được Tạp chí du lịch Rough Guide của Anh bình chọn là một trong 10 chợ ấn tượng nhất thế giới. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Hình thành trên sông nước, chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long với những hàng hóa đặc sản được chuyên chở, bày bán trên ghe, xuồng, cách thức mời khách mua hàng độc đáo qua những "cây bẹ" cùng tiếng chào hỏi, trò chuyện chân tình, mộc mạc của người miền Tây đã trở thành sản phẩm du lịch có sức hút lớn với du khách trong và ngoài nước.

Đặc sản du lịch

Nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ Nhâm Hùng khẳng định không chỉ đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, chợ nổi còn là đặc trưng văn hóa, đặc sản du lịch, niềm tự hào của vùng đất, con người Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong số các chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long, những chợ nổi như Cái Bè (Tiền Giang) và Cái Răng (thành phố Cần Thơ) đang được nhiều du khách trong và ngoài nước chọn làm điểm đến trong các chuyến tham quan khi đến miền Tây Nam Bộ.

Theo khảo sát của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Cần Thơ, trong những năm gần đây, trên 70% du khách trong và ngoài nước khi đến Cần Thơ đã chọn chợ nổi là điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long Lê Thanh Phong từng có dịp đến chợ nổi ở một số nơi trên thế giới, càng nhận thấy sức hấp dẫn đặc biệt của chợ nổi Cái Răng - một chợ nổi tiêu biểu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Bởi vì, ở chợ nổi này, những hoạt động giao thương hàng hóa là đời sống sinh hoạt thực tế của người dân chứ không phải chỉ là tái hiện, trình diễn hay chỉ tổ chức để chuyên bán hàng hóa cho du khách. Chính vì vậy chợ thể hiện bản sắc văn hóa rõ nét, chân thực và sinh động của người dân vùng đồng bằng, khiến du khách cảm thấy rất thú vị.

Chợ nổi Cái Răng được công nhận là “Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia”, trở thành biểu tượng du lịch đặc trưng của thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Chị Đặng Thu Hiền ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) - du khách từng đến Cần Thơ, đi chợ nổi Cái Răng đã chia sẻ cảm nhận: “Sáng sớm, khí trời mát mẻ, làn gió sông thổi nhè nhẹ, đi chợ nổi, lắng nghe những âm thanh náo nhiệt, vang động trên cả một khúc sông, thưởng thức những đặc sản đậm chất miền Tây Nam Bộ do chính người dân vùng sông nước chế biến như tô hủ tiếu, ly chè bà ba, bánh tằm bì, bánh chuối nướng, thấy thật thú vị và sảng khoái. Có dịp đến các chợ vùng cao của đồng bào Tây Bắc rồi lại đến chợ nổi ở sông nước Đồng bằng sông Cửu Long, tôi khám phá, hiểu nhiều hơn về đời sống, phong tục, tập quán người dân từng vùng, miền của đất nước."

Phát huy giá trị để phát triển bền vững

Trải qua thời gian, cùng với nhiều thay đổi, đa dạng hình thức mua bán, giao thương hàng hóa, chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn tồn tại, vừa có vai trò trong hoạt động thương mại vừa là sản phẩm du lịch của đồng bằng. Song, làm thế nào để gìn giữ, phát huy giá trị của chợ nổi một cách bền vững, làm phong phú, đa dạng hơn nữa những trải nghiệm cho du khách khi đến tham quan chợ nổi là điều nhiều chuyên gia, nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp lĩnh vực du lịch, dịch vụ quan tâm.

Theo Phó Giáo sư Đào Ngọc Cảnh (Trường Đại học Cần Thơ), tài nguyên du lịch tuy rất quan trọng, nhưng chỉ là nguyên liệu để làm ra sản phẩm du lịch. Tựa như khi nấu ăn, dù đã có nguyên liệu tươi ngon, nhưng nếu không có đầu bếp giỏi thì chưa chắc đã có bữa ăn ngon. Vì vậy, từ tài nguyên du lịch phải qua sự đầu tư, sự sáng tạo của người làm du lịch trên cơ sở nắm bắt nhu cầu, thị hiếu du khách để tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Lấy ví dụ từ chợ nổi Cái Răng, Phó Giáo sư Đào Ngọc Cảnh cho rằng chợ nổi này được hình thành vào đầu thế kỷ 20, đến nay đã trở thành một trong những chợ nổi có tiếng không chỉ trong nước mà trên cả thế giới. Đối với chợ nổi Cái Răng, phát triển du lịch là tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Nhưng không thể nghĩ rằng, chợ nổi Cái Răng hấp dẫn thì cứ thế đưa du khách đến hoặc khách du lịch sẽ tự tìm đến. Quan niệm này dẫn đến tâm lý chỉ khai thác mà không đầu tư, làm cho sản phẩm du lịch chợ nổi sẽ dần trở nên đơn điệu. Hiện nay, hoạt động du lịch ở chợ nổi Cái Răng chưa tương xứng với tiềm năng, sản phẩm du lịch còn ít, chất lượng chưa cao.

[Bình minh chợ nổi Cái Răng - Địa điểm du lịch thú vị miền Tây Nam Bộ]

Phát triển du lịch song vẫn giữ được cái hồn cốt của chợ nổi truyền thống, duy trì, đảm bảo đời sống của các thương hồ ở chợ nổi gắn với văn minh thương mại, bảo vệ môi trường là rất cần thiết. Do đó, nên thành lập trung tâm dịch vụ du lịch chợ nổi với các chức năng như kiểm tra, giám sát các dịch vụ du lịch chợ nổi, đảm bảo kinh doanh du lịch văn minh, bảo đảm an ninh trật tự, tổ chức các tour - tuyến du lịch kết nối chợ nổi Cái Răng với các điểm du lịch lân cận và tổ chức hoạt động thông tin, quảng bá du lịch.

Cũng theo Phó Giáo sư Đào Ngọc Cảnh, để sản phẩm du lịch ngày càng phát triển đa dạng, đáp ứng nhu cầu khách du lịch, nâng cao hình ảnh và thương hiệu du lịch chợ nổi, cần phát triển các loại dịch vụ bán đặc sản, quà lưu niệm, tổ chức song song tại khu dịch vụ trên bờ và tại các ghe xuồng bán lẻ, tạo sự đa dạng cho khách lựa chọn. Đồng thời, cần hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch chợ nổi, nhất là trái cây, thực phẩm, quà lưu niệm mang bản sắc văn hóa sông nước; khuyến khích người dân địa phương tham gia nhiều hơn các dịch vụ như chèo thuyền đưa khách tham quan chợ nổi, bán lẻ trái cây, đồ ăn uống, quà lưu niệm và đặc sản địa phương. Các dịch vụ này phải được đầu tư bài bản và được quản lý chặt chẽ.

Chợ nổi Ba Ngàn (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) tấp nập ghe xuồng với bạt ngàn đặc sản hoa trái phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Các phương tiện chở khách tham quan chợ nổi phải thiết kế theo mẫu thống nhất, đảm bảo an toàn, người tham gia làm dịch vụ phải đăng ký và tuân thủ sự điều hành của cơ quan chứng năng. Ngoài ra, cần đặc biệt quan tâm việc tổ chức hoạt động thu gom rác, vớt rác trên sông, đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo sự phát triển bền vững.

Khẳng định chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cư dân phương Nam, Thạc sỹ Trần Thị Bích Thủy, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng sự phát triển của đất nước, của công nghiệp hóa-hiện đại hóa, đòi hỏi chợ nổi phải “chuyển mình” sao cho phù hợp với thời đại, để vừa tồn tại và phát triển, vừa giữ được văn hóa truyền thống. Do đó, quy hoạch lại hoạt động của chợ nổi là rất cần thiết. Nên chọn một số chợ nổi tiêu biểu, kết hợp với các làng nghề, nhà vườn, nhà hàng... tạo thành khu liên hợp, vừa là điểm du lịch sinh thái, nghỉ ngơi, để du khách vừa có thể tự trải nghiệm cảm giác làm thương hồ, họ có nơi khám phá, học tập, nghiên cứu, thưởng thức các món ngon, vật lạ, đặc sản của vùng đất Nam Bộ.

Cùng với đó, chính quyền địa phương, ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, hiểu rõ di sản văn hóa là nền tảng để thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, đồng thời, phát triển du lịch nhằm tạo nguồn lực thuận lợi cho công tác bảo tồn, phát huy di sản, trong đó có di sản văn hóa chợ nổi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục