Trong thời gian gần 20 ngày, vượt qua những đợt sóng biển dữ dội và cơn bão số 1, con tàu Trường Sa HQ-571 đã mang hàng Tết, mang mùa Xuân đến với những người lính đang làm nhiệm vụ trên các đảo chìm ở tuyến phía Nam của quần đảo Trường Sa: Thuyền Chài, Đá Lát, Đá Đông, Đá Tây.
Khi nói đến đảo chìm là người ta thường nghĩ ngay đến nỗi vất vả, gian truân của những cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu của Tổ quốc ở Trường Sa. Các đảo chìm mà chúng tôi đến đều chung cảnh “đảo mong tàu, tàu ngóng đảo,” vì thủy triều xuống, thềm san hô nhô lên khỏi mặt nước, xuồng không thể vào được.
Tại mỗi đảo chìm, khi chiếc xuồng chuyển tải vào cách đảo chừng 1 hải lý, những người “chủ nhà” đã ra tận cầu cảng đón đoàn trong niềm vui gặp mặt. Trong tiếng ồn ào của biển cả, những cái bắt tay thật chặt, thật thân thiết giữa “đất liền” với “biển đảo.” Có lẽ với cán bộ, chiến sỹ ở đây, chúng tôi là người xông đất năm mới 2013, người mang “mùa Xuân” đến cho đảo. Và những người lính ở đây cũng coi giây phút gặp người từ đất liền ra, chính là thời điểm tết đến Xuân về.
Trung úy Nguyễn Đình Thái, Điểm trưởng đảo Đá Tây B (29 tuổi, quê Nam Đàn, Nghệ An), đại úy Phạm Quang Minh (35 tuổi, quê Mỹ Hào, Hưng Yên), Chính trị viên đảo Đá Đông đều vui mừng cho biết khi biết tin tàu “chở” mùa Xuân đang ra, tất cả cán bộ, chiến sỹ trên đảo mừng lắm và mong từng ngày.
Quả thật, không thể nói hết niềm vui mừng của những người “chủ nhà” ở các đảo chìm mà chúng tôi đã đến và một trong những thứ quý nhất của đảo đã được mang ra “chiêu đãi” khách - đó là nước ngọt (nước mưa hứng trên đảo). Nếu như tại các đảo nổi (có giếng nước lợ) nước ngọt quý như vàng, thì ở những đảo chìm nước ngọt còn quý gấp bội. Bởi đảo nhỏ, diện tích hẹp, các bể chứa nước mưa đều không to lắm nên cán bộ, chiến sỹ ở những đảo này đã liệt nước ngọt vào một trong “mặt hàng” thiết yếu quý hiếm nhất.
[Những lương y nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa]
Vào mùa khô trời không mưa, mỗi người lính ở những đảo chìm chỉ được một can nước ngọt 20 lít vừa để rửa mặt, vừa tắm..., đồng thời được tái sử dụng lại để tưới rau. Một số chiến sỹ ở các đảo chìm cũng cho hay: Nếu ở đất liền, khi trời mưa tất cả mọi người đều cố gắng tìm một nơi trú thì ở đây, nhất là vào mùa khô, trời mưa là lúc được tắm thoải mái.
Khi nghe trung úy Nguyễn Đình Thái nói "hôm nay đảo “chiêu đãi” các nhà báo một “bữa” tắm," người “ngoại đạo” như chúng tôi phải ngưng lại để hiểu trọn vẹn lời mời, cũng như cảm nhận được sự quý mến, trân trọng, tấm lòng hào hiệp và tình cảm của người lính đảo chìm ở Trường Sa.
Tuy là đảo nhỏ, thiếu thốn về nước ngọt, nhưng những người lính ở đây có nhiều hình thức giải trí sau mỗi ngày làm nhiệm vụ đọc sách, nghe đài, xem tivi, hát karaoke, đánh cờ tướng... Đặc biệt, đối với cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa nói chung và đảo chìm nói riêng, nghe đài, xem tivi, có mạng Viettel để gọi điện thoại di động cho người thân vừa là nhu cầu tinh thần, vừa là cầu nối với đất liền.
Cũng giống như ở đất liền, không khí đón Tết cổ truyền trên đảo thật tưng bừng, với đủ cả các hương vị từ bánh chưng, thịt lợn, cây mai, cành đào.. đến các trò chơi giải trí như hái hoa dân chủ, thi hát karaoke…
Tuy vậy, tinh thần sẵn sàng chiến đấu và độc lập tác chiến của những người lính ở đây rất cao. Các đảo luôn thực hiện tốt chế độ canh trực và sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ, đảm bảo quan sát phát hiện đúng mục tiêu trên biển để xử lý.
Đại úy Phạm Quang Minh, Chính trị viên đảo Đá Đông, thiếu tá Nguyễn Văn Quý (37 tuổi, quê Thuận Thành, Bắc Ninh), Chính trị viên đảo Thuyền Chài tâm sự: "Ở đây chúng tôi là anh em trong một gia đình. Đảo trưởng là người anh lớn, nắm bắt tâm tư tình cảm của từng người để động viên, hướng dẫn anh em cùng giúp nhau tiến bộ. Với đặc thù đảo có 3 điểm, lại ở cách xa nhau, nên đảo gặp khá nhiều khó khăn trong việc đi lại. Vì vậy, công tác định hướng tư tưởng chính trị cho cán bộ, chiến sỹ là rất quan trọng."
Dù không đủ diện tích để tổ chức các hoạt động sôi nổi như bóng chuyền, bóng đá... nhưng thông qua các hoạt động vui chơi, giải trí như văn nghệ..., người chỉ huy đã định hướng tư tưởng, giữ gìn bản lĩnh chính trị cho toàn cán bộ, chiến sỹ...
Bữa cơm chia tay với những người lính đảo chìm ở Thuyền Chài có cả hương vị của đất liền và biển cả, giống như một bữa tất niên sớm. Tuy thời gian ở trên đảo không nhiều nhưng tất cả đều coi nhau như những người thân trong gia đình, người đi, người ở đều bịn rịn chia tay. Một mùa Xuân mới lại về với những người lính Trường Sa, nơi biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.
Khi nói đến đảo chìm là người ta thường nghĩ ngay đến nỗi vất vả, gian truân của những cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu của Tổ quốc ở Trường Sa. Các đảo chìm mà chúng tôi đến đều chung cảnh “đảo mong tàu, tàu ngóng đảo,” vì thủy triều xuống, thềm san hô nhô lên khỏi mặt nước, xuồng không thể vào được.
Tại mỗi đảo chìm, khi chiếc xuồng chuyển tải vào cách đảo chừng 1 hải lý, những người “chủ nhà” đã ra tận cầu cảng đón đoàn trong niềm vui gặp mặt. Trong tiếng ồn ào của biển cả, những cái bắt tay thật chặt, thật thân thiết giữa “đất liền” với “biển đảo.” Có lẽ với cán bộ, chiến sỹ ở đây, chúng tôi là người xông đất năm mới 2013, người mang “mùa Xuân” đến cho đảo. Và những người lính ở đây cũng coi giây phút gặp người từ đất liền ra, chính là thời điểm tết đến Xuân về.
Trung úy Nguyễn Đình Thái, Điểm trưởng đảo Đá Tây B (29 tuổi, quê Nam Đàn, Nghệ An), đại úy Phạm Quang Minh (35 tuổi, quê Mỹ Hào, Hưng Yên), Chính trị viên đảo Đá Đông đều vui mừng cho biết khi biết tin tàu “chở” mùa Xuân đang ra, tất cả cán bộ, chiến sỹ trên đảo mừng lắm và mong từng ngày.
Quả thật, không thể nói hết niềm vui mừng của những người “chủ nhà” ở các đảo chìm mà chúng tôi đã đến và một trong những thứ quý nhất của đảo đã được mang ra “chiêu đãi” khách - đó là nước ngọt (nước mưa hứng trên đảo). Nếu như tại các đảo nổi (có giếng nước lợ) nước ngọt quý như vàng, thì ở những đảo chìm nước ngọt còn quý gấp bội. Bởi đảo nhỏ, diện tích hẹp, các bể chứa nước mưa đều không to lắm nên cán bộ, chiến sỹ ở những đảo này đã liệt nước ngọt vào một trong “mặt hàng” thiết yếu quý hiếm nhất.
[Những lương y nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa]
Vào mùa khô trời không mưa, mỗi người lính ở những đảo chìm chỉ được một can nước ngọt 20 lít vừa để rửa mặt, vừa tắm..., đồng thời được tái sử dụng lại để tưới rau. Một số chiến sỹ ở các đảo chìm cũng cho hay: Nếu ở đất liền, khi trời mưa tất cả mọi người đều cố gắng tìm một nơi trú thì ở đây, nhất là vào mùa khô, trời mưa là lúc được tắm thoải mái.
Khi nghe trung úy Nguyễn Đình Thái nói "hôm nay đảo “chiêu đãi” các nhà báo một “bữa” tắm," người “ngoại đạo” như chúng tôi phải ngưng lại để hiểu trọn vẹn lời mời, cũng như cảm nhận được sự quý mến, trân trọng, tấm lòng hào hiệp và tình cảm của người lính đảo chìm ở Trường Sa.
Tuy là đảo nhỏ, thiếu thốn về nước ngọt, nhưng những người lính ở đây có nhiều hình thức giải trí sau mỗi ngày làm nhiệm vụ đọc sách, nghe đài, xem tivi, hát karaoke, đánh cờ tướng... Đặc biệt, đối với cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa nói chung và đảo chìm nói riêng, nghe đài, xem tivi, có mạng Viettel để gọi điện thoại di động cho người thân vừa là nhu cầu tinh thần, vừa là cầu nối với đất liền.
Cũng giống như ở đất liền, không khí đón Tết cổ truyền trên đảo thật tưng bừng, với đủ cả các hương vị từ bánh chưng, thịt lợn, cây mai, cành đào.. đến các trò chơi giải trí như hái hoa dân chủ, thi hát karaoke…
Tuy vậy, tinh thần sẵn sàng chiến đấu và độc lập tác chiến của những người lính ở đây rất cao. Các đảo luôn thực hiện tốt chế độ canh trực và sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ, đảm bảo quan sát phát hiện đúng mục tiêu trên biển để xử lý.
Đại úy Phạm Quang Minh, Chính trị viên đảo Đá Đông, thiếu tá Nguyễn Văn Quý (37 tuổi, quê Thuận Thành, Bắc Ninh), Chính trị viên đảo Thuyền Chài tâm sự: "Ở đây chúng tôi là anh em trong một gia đình. Đảo trưởng là người anh lớn, nắm bắt tâm tư tình cảm của từng người để động viên, hướng dẫn anh em cùng giúp nhau tiến bộ. Với đặc thù đảo có 3 điểm, lại ở cách xa nhau, nên đảo gặp khá nhiều khó khăn trong việc đi lại. Vì vậy, công tác định hướng tư tưởng chính trị cho cán bộ, chiến sỹ là rất quan trọng."
Dù không đủ diện tích để tổ chức các hoạt động sôi nổi như bóng chuyền, bóng đá... nhưng thông qua các hoạt động vui chơi, giải trí như văn nghệ..., người chỉ huy đã định hướng tư tưởng, giữ gìn bản lĩnh chính trị cho toàn cán bộ, chiến sỹ...
Bữa cơm chia tay với những người lính đảo chìm ở Thuyền Chài có cả hương vị của đất liền và biển cả, giống như một bữa tất niên sớm. Tuy thời gian ở trên đảo không nhiều nhưng tất cả đều coi nhau như những người thân trong gia đình, người đi, người ở đều bịn rịn chia tay. Một mùa Xuân mới lại về với những người lính Trường Sa, nơi biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.
Nguyễn Cường (TTXVN)