Kế thừa tinh thần của một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, huyện Bình Chánh của Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay đang vươn mình phát triển cùng đất nước.
Chính vùng đất này vào mùa Thu 70 năm trước, cái tên Chợ Đệm đã đi vào lịch sử khi Xứ ủy Nam K chọn làm địa điểm tổ chức các hội nghị để quyết định thời điểm khởi nghĩa tại khu vực Nam Bộ.
Đi theo con đường Quốc lộ 1A, chúng tôi đến xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Với địa thế hiểm trở, được bao bọc bởi sông Chợ Đệm nên khu vực này được Xứ ủy Nam Kỳ chọn làm nơi đứng chân và ra những quyết định quan trọng, góp phần vào sự thành công của Cách mạng tháng Tám tại Nam Bộ, cũng như thắng lợi của phong trào khởi nghĩa toàn dân tộc.
Ba lần “Hội nghị Diên Hồng”
Ở vùng Chợ Đệm ngày nay, tìm những gia đình sinh sống từ thời Cách mạng tháng Tám đến nay, không còn nhiều và tìm người biết chuyện về những sự kiện lịch sử thời điểm đó lại càng khó. Những dấu ấn về vùng đất lịch sử cách mạng nơi đây cũng không còn nhiều.
Để hiểu về những ngày cách mạng năm xưa, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Nhứt (Hai Nhứt, năm nay đã 80 tuổi), căn nhà mà trước đây Xứ ủy Nam kỳ đã ba lần tổ chức hội nghị để quyết định khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám tại Nam Bộ.
Ông Hai Nhứt cũng chính là con trai của liệt sỹ Nguyễn Văn Thọ, Bí thư Chi bộ, lãnh đạo Thanh niên Tiền phong của xã Tân Kiên năm xưa. Căn nhà vẫn lưu giữ những tấm phản bằng gỗ trước đây, các vị trong Xứ ủy Nam Kỳ cũng như các cán bộ, chiến sỹ cách mạng từng ngồi họp. Theo ông Hai Nhứt, những bộ tài liệu về các cuộc họp đó đã được đưa về các bảo tàng thành phố để lưu giữ.
Cuốn sách "Truyền thống đấu tranh cách mạng xã Tân Kiên anh hùng" đã nêu rõ ý nghĩa lịch sử của những năm tháng hào hùng chuẩn bị cho khởi nghĩa lúc đó. Vào tháng 8/1945, thời cơ cách mạng trong cả nước đã đến.
Cùng với Quốc dân Đại hội tại Tân Trào (Tuyên Quang), từ ngày 2-23/8, tại địa danh Chợ Đệm (ngày nay là 3 xã Tân Kiên, Tân Nhựt, An Phú Tây và thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh), lãnh đạo Xứ ủy Tiền Phong Trần Văn Giàu đã chủ trì rất nhiều cuộc họp để truyền đạt thông tin tình hình thế giới và trong nước đến cán bộ, chiến sỹ, từ đó đề ra phương án, hành động cụ thể lãnh đạo nhân dân Nam Bộ chuẩn bị khởi nghĩa.
Bên cạnh đó, sau khi nhận được thông tin Tổng khởi nghĩa từ Tân Trào, Xứ ủy Nam kỳ đã ba lần tổ chức Hội nghị vào rạng sáng 17/8, rạng sáng 20/8 và rạng sáng 23/8, để chọn thời điểm khởi nghĩa.
Theo ông Huỳnh Quốc Hiếu, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Bình Chánh, do khu vực hội nghị diễn ra tại xã Tân Kiên, cạnh con sông Chợ Đệm thuộc làng Tân Túc, nên sử sách sau này đều ghi là Hội nghị Chợ Đệm. Từ ngày 17-23/8, Xứ ủy Nam kỳ đã 3 lần triệu tập Hội nghị tại nhà ông Nguyễn Văn Thọ (Bảy Thọ) cạnh sông Chợ Đệm (nay thuộc ấp 4, xã Tân Kiên) để lựa chọn thời điểm khởi nghĩa.
Do thời cơ chưa đến nên hai hội nghị đầu tiên, Xứ ủy Nam kỳ chưa ban lệnh khởi nghĩa ở Nam Bộ. Sáng sớm ngày 23/8, nhận thấy tình hình gấp rút, Hội nghị Xứ ủy lần 3 đã nhanh chóng ra quyết định khởi nghĩa, bắt đầu ở Sài Gòn và Lục tỉnh Nam Kỳ (tức là 6 tỉnh bao gồm Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên) vào ngày 24/8. Từ đây, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đã thắng lợi ở nhiều nơi tại Nam Bộ, góp phần to lớn cho sự thành công của Cách mạng tháng Tám trong cả nước.
Nhớ về những ngày sau khi khởi nghĩa thành công, ông Nguyễn Văn Nhứt chia sẻ: “Khi đó không khí sôi sục lắm, đám tụi nhỏ như chúng tôi chưa biết nhiều nhưng cũng rất hào hứng. Trên khuôn mặt của những người nông dân đều thấy tràn đầy niềm vui, dù vừa trải qua những tháng ngày cơ cực. Sau này lớn lên, chúng tôi mới thấy được ý nghĩa to lớn của những lần hội nghị đó.”
Dấu ấn một vùng quê anh hùng
Theo sử sách địa phương, vùng Chợ Đệm trong kháng chiến được gọi là vùng “Tam Tân” (Tân Kiên, Tân Nhựt, Tân Tạo), vốn nổi tiếng vì người dân nơi đây giàu lòng yêu nước, cách mạng. Đây là khu vực có đặc điểm kinh tế, quân sự và vị trí tiền phương trong hai cuộc kháng chiến nên luôn được lãnh đạo các cấp lựa chọn làm nơi đứng chân trong cả giai đoạn kháng Pháp và chống Mỹ sau này.
Vùng “Tam Tân” cùng với các địa danh khác như Bà Điểm, Hóc Môn, Củ Chi… được xem là “vành đai đỏ” của Sài Gòn khi xưa; trong đó Tân Kiên luôn là một “điểm son” về truyền thống cách mạng.
Được sống trong không khí sôi sục cách mạng, nhưng ông Hai Nhứt khi đó còn nhỏ nên không để ý đến những cuộc họp của cha và những cán bộ của cha mình. “Sau khi cách mạng thành công và nghe các cô, chú kể lại, tôi mới hiểu hết sự vĩ đại của những ngày tháng lịch sử và địa danh cách mạng Chợ Đệm, nơi mà tôi đã sinh ra và lớn lên.
Khu vực này không chỉ là “đầu não” lãnh đạo cách mạng tại Nam Bộ, mà còn là căn cứ quân sự và kho lương thực của ta. Do nằm sát sông Chợ Đệm, nơi nối liền các tuyến sông Lục tỉnh nên lương thực thường được tập kết để chuyển cho các đơn vị, cơ sở cách mạng khác,” ông Hai Nhứt nói.
Trước Cách mạng tháng Tám, Tân Kiên là một vùng đất ngập nước, rậm rạp, chỉ có khoảng 1.500 người sinh sống. Qua sự chứng kiến cũng như lời kể của bậc tiền bối, ông Hai Nhứt cho biết các hội nghị của Xứ ủy Nam Kỳ khi đó được bảo vệ rất nghiêm ngặt, quanh nhà ông có rất đông người canh gác, phải có đến ba lớp bảo vệ.
Sở dĩ Xứ ủy Nam Kỳ chọn khu vực này vì người dân ở đây phần lớn theo cách mạng, như cố Giáo sư Trần Văn Giàu đã từng kể: “Xung quanh mười người thì hết chín người có cảm tình với cách mạng rồi.”
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, khu vực Chợ Đệm cũng là vùng đất bị quân địch càn quét, bắt nhiều chiến sĩ cách mạng. Trong năm 1946, thực dân Pháp đẩy mạnh đàn áp cách mạng, khiến nhiều cán bộ, chiến sỹ cách mạng đã hy sinh, nhiều gia đình phải ly tán. Sự đàn áp dã man của quân địch, khiến nhiều gia đình, trong đó có gia đình ông phải tản cư đi các vùng khác để lánh nạn.
Về sau, chỉ một số ít gia đình quay trở lại vùng đất này vào đầu thập niên 1950. Khi đó, thực dân Pháp đặt đồn bốt chỉ cách nhà ông Bảy Thọ khoảng hơn 500m để truy lùng các chiến sỹ cách mạng, nhưng nhờ sự bao bọc của người dân yêu nước, các chiến sỹ còn lại vẫn tiếp tục bám trụ tại đây để hoạt động cách mạng ngay trong lòng địch.
Ông Hai Nhứt cho biết trong những lần ghé thăm vùng Chợ Đệm, giáo sư Trần Văn Giàu luôn nghẹn lời trước anh linh của các cán bộ đã cùng mình kề vai sát cánh trong Cách mạng tháng Tám.
Giáo sư Trần Văn Giàu luôn nhắc nhở thế hệ con cháu rằng chính sự kiên định, hy sinh dũng cảm của các chiến sỹ cách mạng cũng như tấm lòng kiên trung của người dân đã bao bọc cách mạng, góp phần cho đất nước được hòa bình và độc lập.
Tiếp nối truyền thống của các thế hệ cha anh tại vùng đất này, anh Lư Nguyễn Tuấn Dũng, một cán bộ trẻ xã Tân Kiên cho hay, là người con của vùng đất Chợ Đệm, bản thân anh rất tự hào với truyền thống lịch sử đấu tranh của các thế hệ cha anh đi trước. Thế hệ trẻ như anh sẽ quyết tâm học tập, xây dựng quê hương đất nước và cố gắng gìn giữ những thành quả mà ông, cha đã hy sinh xương máu để có được như ngày hôm nay.
Thời gian đã trôi qua 70 năm, nhưng quê hương Chợ Đệm vẫn vang mãi khúc Anh hùng ca về những tháng ngày Cách mạng tháng Tám. Từ truyền thống hào hùng, Bình Chánh ngày nay đang vươn mình phát triển.
“Có lẽ cha tôi cũng thấy hạnh phúc với sự phát triển ngày nay của địa phương. Những nỗ lực, sự hi sinh của các bậc tiền bối cũng chỉ mong cho đất nước được độc lập, người dân hạnh phúc như bây giờ,” ông Hai Nhứt chia sẻ./.