Chính trường Mỹ dậy sóng vì bức thư của phe Cộng hòa gửi Iran

Một loạt quan chức chóp bu Nhà Trắng đã lần lượt lên tiếng cáo buộc phe Cộng hòa vi phạm Hiến pháp, cố tình gây phương hại cho chính sách ngoại giao của Mỹ.
Chính trường Mỹ dậy sóng vì bức thư của phe Cộng hòa gửi Iran ảnh 1Phó tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích bức thư của Đảng Cộng hòa gửi Iran. (Nguồn: AP)

Bức thư ngỏ của 47 Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa gửi các nhà lãnh đạo Iran, trong đó cảnh báo Iran rằng mọi thỏa thuận liên quan tới chương trình hạt nhân của Tehran mà không được Quốc hội Mỹ thông qua đều sẽ bị điều chỉnh hoặc rút bỏ vào đầu năm 2017 khi Tổng thống Barack Obama mãn nhiệm, đã và đang làm cho cuộc chiến đảng phái ở Mỹ leo thang tới nấc căng thẳng hơn.

Ngày 10/3, một loạt quan chức chóp bu Nhà Trắng đã lần lượt lên tiếng cáo buộc phe Cộng hòa vi phạm Hiến pháp, cố tình gây phương hại cho chính sách ngoại giao của Mỹ.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn phát biểu của Tổng thống Barack Obama với báo giới cho rằng, với bức thư trên, các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa đã tự đặt mình ngang hàng với lực lượng bảo thủ tại Iran chống lại các nỗ lực ngoại giao của Mỹ.

Ông Obama phát biểu: “Thật là mỉa mai khi thấy một số thành viên Quốc hội có cùng luận điệu với các thành phần cứng rắn tại Iran. Đây là một liên minh không bình thường. Điều chúng ta chú trọng hiện nay là xem có thể đạt được một thỏa thuận hay không và nếu có, chúng ta sẽ giải thích lý lẽ với dân chúng Mỹ.”

Phó tổng thống Joe Biden cáo buộc phe Cộng hòa làm ngơ các tiền lệ hai thế kỷ qua, đe dọa làm tổn thương khả năng của các tổng thống Mỹ trong tương lai trong việc tiến hành các cuộc thương lượng thay mặt nước Mỹ.

Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest khẳng định bức thư tiêu biểu cho một yêu sách mang tính đảng phái gây phương hại tới khả năng của tổng thống trong việc thực thi chính sách ngoại giao và phục vụ cho lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.

Người phát ngôn Nhà Trắng cho rằng, với bức thư trên, các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa rõ ràng đã phạm sai lầm khi cố tình phá hoại các cuộc thương thuyết nhằm ngăn chặn tham vọng vũ khí hạt nhân của Tehran. Người phát Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Jen Psaki nói rằng bức thư trên chỉ nhằm tìm cách “ghi điểm về chính trị.”

Theo bà Psaki “Hiến pháp Mỹ trao quyền cho hành pháp thương thuyết về những thỏa thuận với các đối tác nước ngoài. Quốc hội không có quyền thay đổi các điều khoản của một thỏa thuận quốc tế nếu nó không phải là một hiệp ước, do vậy việc mặc nhiên cho Quốc hội tự đóng một vai trò như trong nội dung bức thư viết là không thích hợp.”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng bức thư trên còn có nguy cơ làm tổn hại tới sự hợp tác của các đối tác nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức) đang đàm phán với Iran.

Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Tim Kaine trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN cho rằng các đồng nghiệp đảng Cộng hòa đã phạm sai lầm với bức thư ngỏ trên.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton ngày 10/3 đã lên tiếng chỉ trích gay gắt các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, cho rằng họ hoặc đang cố giúp Tehran hoặc đang tìm cách làm phương hại tới Tổng thống Mỹ.

Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif cũng ngay lập tức lên tiếng phản bác, cho rằng bức thư ngỏ của 47 Thượng nghị sỹ Mỹ là không có giá trị pháp lý, chỉ là một thủ đoạn tuyên truyền. Ông Zarf cho rằng nói cách hành xử trên cho thấy “không thể tin cậy vào nước Mỹ” vì các mối quan hệ liên quốc gia phải được chi phối bởi luật pháp quốc tế chứ không phải bởi luật quốc nội của nước Mỹ. Ông Zarif cảnh báo rằng việc rút bỏ hoặc điều chỉnh trong tương lai bất cứ thỏa thuận nào “sẽ là vi phạm trắng trợn luật quốc tế.”

Ông Larry Sabato, Giáo sư chính trị học tại Đại học Virginia, cho rằng bức thư của các nhà lập pháp Mỹ gửi một chính phủ nước ngoài là đặc biệt và khác thường, phản ánh rõ sự leo thang tranh chấp chính trị bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái khi đảng Cộng hòa giành được quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.”

Bức thư gây tranh cãi trên được tung ra trong bối cảnh Mỹ đang ráo riết đẩy nhanh các cuộc đàm phán của nhóm P5+1 với hy vọng ký được một thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran trước ngày 31/3 để ba tháng còn lại sẽ đi vào thảo luận các điều khoản chi tiết của hiệp định cuối cùng.

Tổng thống Obama ngày 8/3 một mặt cho rằng cuộc đàm phán đã đạt được tiến triển, mặt khác thừa nhận vẫn còn những khác biệt trong lập trường của hai bên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục