Chính trường Italy tiếp tục rung chuyển vì chuyên án "mafia thủ đô"

Ngày 9/6, cảnh sát kinh tế Italy đã bắt giữ sáu người và đưa vào danh sách điều tra hơn 20 người khác có liên quan đến đường dây "mafia thủ đô."
Phòng họp Giulio Cesare, công trình thuộc Tòa thị chính Rome, trong vụ bê bối liên quan đến "mafia thủ đô." (Nguồn: ANSA)

Ngày 9/6, cảnh sát kinh tế Italy đã bắt giữ sáu người và đưa vào danh sách điều tra hơn 20 người khác với những cáo buộc rửa tiền, làm sai lệch các phiên đấu thầu, làm giả mạo các hóa đơn tài chính và cấu kết với mafia.

Đây là những người bị bắt và điều tra tiếp theo trong chuyên án liên quan đến "mafia thủ đô," tên mà báo chí Italy gọi để chỉ một đường dây mafia đã thao túng nhiều hoạt động liên quan đến các gói thầu xây dựng của thành phố Rome, dính líu đến hàng chục quan chức các cấp của vùng Lazio và thủ đô Rome.

Đi xa hơn nữa, các nhà điều tra cho rằng "mafia thủ đô" còn tìm cách thao túng các hoạt động chính trị của chính quyền thành phố, can thiệp vào một số cuộc bầu cử ở cấp địa phương.

Tính cho đến nay, đã có gần 150 người bị bắt và điều tra kể từ khi vụ bê bối nổ ra vào cuối năm ngoái, đồng thời gây sóng gió cho chính phủ trung tả cầm quyền, với những cáo buộc từ phía đối lập rằng, "29/6," một hợp tác xã xây dựng do mafia ngầm quản lý đã được Đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền che chắn và bảo vệ cho chúng một thời gian dài.

Sáu người mới bị bắt, bốn trong số đó là chính trị gia địa phương, có liên quan mật thiết đến Fabrizio Amore, một doanh nhân trong đường dây "mafia thủ đô."

Cảnh sát kinh tế Italy đã phát hiện một loạt những gian lận của những người này trong một loạt các công trình mà thành phố thực hiện, trong đó có gói thầu trùng tu lại một phòng họp lớn ở Tòa thị chính thành phố, do Sở Văn hóa và Di sản Rome tổ chức đấu thầu.

Theo cơ quan điều tra, Amore, thông qua các công ty bình phong đặt tại Luxemburg, đã điều khiển các hoạt động liên quan đến đấu thầu, cụ thể là lái gói thầu về công ty của mình để giành quyền trùng tu công trình này.

Cảnh sát cho rằng Amore chắc chắn vào việc trúng thầu đến mức đã trả lương cho những người làm công của mình nhiều ngày trước khi kết quả đấu thầu được công bố.

Bê bối "mafia thủ đô" được báo chí Italy cho là một sự kiện làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng Pd cầm quyền, dù hầu hết các vụ tham nhũng liên quan đến đường dây này xảy ra dưới thời của Thị trưởng Gianni Alemanno, một người theo cánh hữu, trong các năm 2008-2013.

Các đảng phái của phe đối lập đã biểu tình ở Tòa thị chính Rome hôm 9/6 để đòi Thị trưởng Ignazio Marino, một thành viên của Đảng Pd, phải từ chức và yêu cầu bầu cử lại chính quyền thành phố.

Một thành viên cao cấp của Đảng Pd trong chính quyền vùng Lazio, nơi có thủ đô Lazio, đã từ chức sau khi một số nhật báo chỉ đích danh rằng, ông này có dính líu đến hệ thống "mafia thủ đô."

Đây là bê bối mới nhất liên quan đến sự cấu kết chặt chẽ giữa các hệ thống tội phạm ở Italy với chính giới của nước này. Vụ scandal đã làm chấn động Italy, khi khiến cho một loạt các quan chức từ cấp thấp đến cao của chính quyền thủ đô bị cách chức hoặc bị bắt, bị điều tra và làm cho đảng cầm quyền bị mất uy tín.

Trước đó, một Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Italy đã bị điều tra trong cuộc điều tra "mafia thủ đô" này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục