Chính trường Italy rúng động vì một loạt các bê bối tham nhũng

Chính trường Italy tiếp tục rúng động do vụ bê bối mới liên quan đến tham nhũng khi cựu Thứ trưởng Bộ Giao thông và Cơ sở Hạ tầng Italy, Luigi Meduri, cùng nhiều người khác bị bắt.
Chính trường Italy rúng động vì một loạt các bê bối tham nhũng ảnh 1Cựu Thứ trưởng Bộ Giao thông và Cơ sở Hạ tầng Italy từ năm 2006-2008, ông Luigi Meduri. (Nguồn: strettoweb.com)

Chính trường Italy tiếp tục rúng động do vụ bê bối mới liên quan đến tham nhũng khi cựu Thứ trưởng Bộ Giao thông và Cơ sở Hạ tầng Italy từ năm 2006-2008, ông Luigi Meduri, cùng nhiều người khác bị bắt giữ trong một chuyên án của cảnh sát tài chính nước này.

Sự việc này xảy ra chỉ một ngày sau khi Thứ trưởng Bộ Văn hóa Italy tuyên bố từ chức vì bị triệu tập ra tòa.

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, ông Meduri là một trong số 10 người vừa bị bắt giữ với cáo buộc tham nhũng và lợi dụng chức vụ. Ngoài ông Meduri là cựu quan chức chính phủ, những người còn lại là các quan chức cao cấp của ANAS - tập đoàn quản lý đường cao tốc Italy, trực thuộc sự quản lý của Bộ Kinh tế và Tài chính Italy, đồng thời chịu trách nhiệm về điều hành và kỹ thuật của Bộ Giao thông và Cơ sở Hạ tầng.

Đây là vụ bê bối lớn thứ hai liên quan đến ngành giao thông và cơ sở hạ tầng ở Italy sau khi Bộ trưởng Maurizio Lupi tuyên bố từ chức vào tháng 3/2015 vừa qua, sau khi cơ quan điều tra công bố băng ghi âm cho thấy ông đã sử dụng quyền lực để tạo điều kiện cho con trai có một công việc trong ngành.

Tuy nhiên, theo báo chí Italy, ông Lupi từ chức là do bê bối tham nhũng liên quan đến nhiều chuyên viên cao cấp và có uy tín của Bộ này trong nhiều công trình lớn mang tầm cỡ quốc gia.

Trong thời gian vừa qua, chính trường Italy liên tục chấn động vì nhiều vụ bê bối khác nhau, trong đó nổi bật là vụ việc bà Francesca Barracciu, đương kim Thứ trưởng Bộ Văn hóa từ chức vào ngày 21/10 vừa qua sau khi báo chí Italy đưa tin bà phải hầu tòa về việc sử dụng sai mục đích 81.000 euro ngân sách của vùng Sardinia trong thời gian là thành viên chính quyền vùng.

Hai tuần trước, Thị trưởng Rome Ignazio Marino cũng phải từ chức sau khi không chứng minh được hàng chục nghìn euro đã chi ra trong các bữa tiệc sau khi đắc cử người đứng đầu chính quyền thủ đô vào năm 2013 là để phục vụ công việc.

Đáng chú ý ông Meduri, bà Barracciu và ông Marino đều là các thành viên cao cấp của đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền. Theo kết quả thăm dò của Viện nghiên cứu dư luận Piepoli do hãng tin ANSA công bố ngày 19/10 vừa qua, uy tín của đảng Pd hiện ở mức 33,5%, giảm 1% so với tháng trước và giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà bình luận cho rằng các vụ bê bối tham nhũng là nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ cử tri ủng hộ Pd giảm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục