Chính trường Australia: Khoảng lặng không yên tĩnh

Không còn ồn ào như vài ngày trước đó, chính trường Australia hiện đang lặng yên theo dõi diễn biến tình hình.
Không còn ồn ào như vài ngày trước khi ông Kevin Rudd đột nhiên “hạ gục” nữ Thủ tướng đầu tiên của Australia Julia Gilard để lên nắm quyền, chính trường Australia đang lặng yên theo dõi diễn biến tình hình.

Nội các mới đã tuyên thệ nhậm chức, mục tiêu chính của Công đảng cầm quyền đã được công bố, cuộc họp nội các đầu tiên sắp được tiến hành, tuy nhiên, cuộc so găng thực sự vẫn chưa diễn ra. Dư luận chỉ biết cuộc bầu cử liên bang nhiều khả năng sẽ được tổ chức trước ngày 14/9.

Cách đây ba năm, Australia cũng từng ở trong hoàn cảnh tương tự. Khi ấy, Phó Thủ tướng Gilard đã đánh bại Thủ tướng Rudd, trở thành lãnh đạo Công đảng cầm quyền và giành được chiếc ghế thủ tướng.

Theo thể chế dân chủ nghị viện tại Australia, nếu đảng hay liên đảng nào chiếm đa số tại Hạ viện, lãnh đạo đảng hay liên đảng đó được toàn quyền chỉ định thành lập nội các.

Vào năm 2010, khi nghị sĩ Gilard trở thành lãnh đạo Công đảng, đảng này đang chiếm đa số tại Hạ viện nên mặc nhiên bà Gilard được giữ chức thủ tướng. Với trường hợp của ông Rudd, tuy Công đảng không chiếm đa số tại Hạ viện, song vì lãnh đạo liên đảng đối lập không buộc Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm tân thủ tướng nên ông Rudd may mắn không phải vượt qua cửa ải quốc hội.

Trong khi đó, bà Gilard cũng sẵn sàng từ chức để mở đường tiến cho ông Rudd. Điều đó giúp Australia tránh được các tình huống “dở khóc, dở cười” dễ dẫn tới cuộc khủng hoảng chính trị không đáng có.

[Thủ tướng Australia công bố nội các chính phủ mới] 

Thực tế cho thấy những khoảng lặng trên chính trường Australia luôn cuồn cuộn sóng ngầm. Giới phân tích vẫn rỉ tai nhau về tính chính xác của cụm từ “quá tam ba bận” trong trường hợp của ông Rudd.

Đầu năm 2012, ông Rudd tuyên bố từ chức ngoại trưởng và tranh cử chức lãnh đạo Công đảng. Kết quả bỏ phiếu cho thấy bà Gilard thắng thế với tỷ lệ 71/31.

Sau khoảng một năm yên tĩnh, tháng 3/2013, phe ủng hộ ông Rudd lại đòi Thủ tướng Gilard bầu lại lãnh đạo Công đảng. Ông Rudd đã lắc đầu. Thêm một lần nữa, bà Gilard khẳng định ghế lãnh đạo Công đảng.

Nhưng đến ngày 26/6 vừa qua, ông Rudd đã đánh bại bà Gilard với tỷ lệ 57/45 phiếu bầu. Khoảng lặng trên chính trường Australia hiện đã mang màu sắc khác.

Xác định xong chuyện quyền lực, vấn đề của Công đảng cầm quyền hiện nay là liệu có thể đoàn kết nội bộ để chạy đua với liên đảng đối lập trong cuộc bầu cử liên bang sắp tới.

Phát biểu tại buổi công bố danh sách nội các mới, ông Rudd không giấu nổi vẻ xúc động: “Đây là một đội hình mạnh. Tôi tự hào khi được lãnh đạo đội ngũ này.”

Có hai điểm nổi bật trong đội ngũ lãnh đạo mới của ông Kevin Rudd. Trước hết, phải kể đến sắc thái “thu phục nhân tâm” mà rất có thể là ông Rudd muốn chứng tỏ sự thay đổi trong nhận thức của mình.

Trong nhiệm kỳ trước, ông Rudd bị mang tiếng là người ít chịu nghe lời khuyên của người khác. Giờ đây, sau khi cân nhắc, nội các của ông đã dung hòa cả người cũ và người mới, cả nam và nữ, thậm chí cả nhân vật công khai ủng hộ bà Gilard.

Ông Rudd còn hết lời ca ngợi tài năng và sự cống hiến của bà Gilard, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục những chính sách hiệu quả của chính quyền tiền nhiệm. Một sắc thái nữa là “thu phục nhân tài” với điểm nhấn là số phụ nữ đứng đầu các bộ, ngành đạt mức kỷ lục (6 người).

Ông nhấn mạnh: “Khi bạn tìm thấy người tài, bất kể họ là nam hay nữ, hãy sử dụng họ.” Với quan điểm này, chắc chắn ông Rudd sẽ giành được sự ủng hộ của những người yêu quý bà Gilard, đặc biệt là những cử tri nữ, để tự tin hơn trong cuộc bầu cử liên bang sắp tới.

Mục tiêu chính của chính quyền mới trong thời gian tới là củng cố nền kinh tế và cải thiện vấn đề người tị nạn. Tuy nhiên, đây chỉ là hai trong nhiều vấn đề gai góc mà phe đối lập có thể tấn công uy tín của Công đảng cầm quyền.

Chính quyền của bà Gilard đã đạt được nhiều thành tựu như xây dựng hệ thống Internet cực nhanh, lập ra sắc thuế cácbon, quy định mới về in bao bì thuốc lá, thực thi cải cách giáo dục theo chương trình Gonski, lập chương trình chăm sóc người tàn tật, lập ủy ban điều tra lạm dụng tình dục trong các tổ chức tôn giáo...

Tuy nhiên, sắc thuế carbon vẫn gây nhiều tranh cãi vì động chạm tới túi tiền người tiêu dùng, vấn đề quản lý và bảo vệ người tị nạn vẫn nhức nhối, kinh tế nước nhà vẫn trong tình trạng khó khăn...

Rất có thể ông Rudd sẽ tạo sự khác biệt với bà Gilard ở những điểm cơ bản, đó là thay đổi ngày tổ chức bầu cử, ủng hộ hôn nhân đồng giới, hủy bỏ giá carbon ấn định cho thời điểm trước năm 2015, tìm kiếm một chính sách mới cho người tị nạn, tái cơ cấu quỹ dành cho các trường học.

Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là khả năng đoàn kết nội bộ, điều cốt lõi trong mọi thành công hay thất bại của Công đảng từ trước đến nay.

Giới phân tích tại Australia cho rằng sự trở lại của ông Rudd phần nhiều là do tác động của các cuộc thăm dò dư luận cũng như hoạt động đối ngoại tích cực của ông chứ không phải ở sự khác biệt về chính sách.

Kết quả thăm dò dư luận mới nhất cho thấy uy tín của Công đảng cầm quyền đã tăng từ 29% lên 35%, trong khi uy tín đối với liên đảng giảm từ 48% xuống còn 43%.

Nếu cuộc bầu cử diễn ra lúc này, Công đảng vẫn chưa đủ sức thắng và Liên đảng đối lập sẽ chỉ thua nếu ông Toni Abbott mắc sai lầm lớn. Rõ ràng, trong khoảng lặng hiện nay, việc ông Rudd bất ngờ thay thế bà Gilard không còn là điều quan trọng./.

Đỗ Vân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục