Chính trị gia Đức nhận định về quan hệ xuyên Đại Tây Dương của Mỹ

Theo Bộ trưởng Tài chính Đức Scholz, việc ông Biden được bầu làm Tổng thống Mỹ sẽ mở ra một chương mới trong sự hợp tác, một sự hợp tác rất cấp thiết trong một thế giới bất ổn ngày càng gia tăng.
Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Liên bang Đức Olaf Scholz mới đây có bài viết đáng chú ý đăng trên báo Spiegel , trong đó nêu một số nhận định và chủ trương của Đức và châu Âu đối với nước Mỹ cũng như với vị tổng thống tương lai của Mỹ sau cuộc bầu cử vừa qua với chiến thắng thuộc về ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden.

Bài viết có nội dung như sau:

Nước Mỹ đã bầu chọn và thế giới đã thở phào. Ông Biden đã thắng cử dù kết quả rất sít sao và đã phải mất nhiều thời gian đến khi tất cả số lá phiếu được kiểm.

Dù sao thì cuộc bầu cử này cũng là một ví dụ đầy sức thuyết phục về sức mạnh của nền dân chủ. Đã có nhiều người Mỹ bỏ phiếu hơn bao giờ hết và số cử tri tham gia bỏ phiếu cũng cao hơn so với thời điểm 100 năm trước.

Theo vị ứng cử viên thủ tướng của đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), giống như những người đồng cấp khắp châu Âu, ông có thể thở phào khi Biden giành chiến thắng.

Điều đó không phải vì một tổng thống đảng Dân chủ sẽ gần gũi với châu Âu hơn một tổng thống đảng Cộng hòa. Người Đức đặc biệt ghi nhớ những gì các tổng thống của đảng Cộng hòa đã làm cho an ninh và sự thống nhất của nước Đức.

Tuy nhiên, vị tổng thống đương nhiệm của Mỹ, ít nhất là qua cách giải quyết các vấn đề chính trị và khoa học, đã phá hỏng các quy tắc cơ bản của trật tự quốc tế.

Mặc dù vậy, Mỹ vẫn luôn là đối tác và đồng minh thân thiết nhất của châu Âu trên thế giới, không chỉ vì lợi ích chung, mà còn vì hai bên đều ủng hộ nền dân chủ, nhà nước pháp quyền và tôn trọng phẩm giá con người. Đó là nền tảng của các mối quan hệ chưa bao giờ bị nghi ngờ, ngay cả trong 4 năm qua.

Cũng theo ông Scholz, việc bầu chọn ông Biden làm tổng thống giờ đây đã mở ra một chương mới trong sự hợp tác, một sự hợp tác rất cấp thiết trong một thế giới bất ổn ngày càng gia tăng.

Chính trị gia Đức nhấn mạnh châu Âu là khuôn khổ hành động của Đức. Các cường quốc đang nổi ở châu Á, Nam Mỹ, và sắp tới là châu Phi sẽ không muốn chỉ ngồi trên khán đài theo dõi, chưa kể đối thủ địa chiến lược Nga.

Trong một thế giới có gần 10 tỷ người, người châu Âu chỉ có lựa chọn hoặc trở thành "con rối" của các cường quốc, hoặc trở thành những người chơi ngang hàng.

Đây là lý do châu Âu sẽ phải tiếp tục tiến bước giành lấy chủ quyền của mình sau cuộc bầu cử ở Mỹ.

[Bầu cử Mỹ 2020: Các nước Trung, Đông Âu kỳ vọng về một xung lực mới]

Theo ông Scholz, với chiến lược chính sách kinh tế phối hợp, châu Âu trong năm qua đã đạt được những tiến bộ rất lớn, và về lâu dài đây sẽ là hạt nhân của một liên minh tài khóa, điểm khởi đầu cho chủ quyền tài khóa của châu Âu.

Bộ trưởng Scholz nhấn mạnh, châu Âu cần bắt đầu làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác với Mỹ, đồng minh thân cận nhất của châu lục.

Chính trị gia Đức nhận định về quan hệ xuyên Đại Tây Dương của Mỹ ảnh 1Ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. Trong khi đó, Huffington Post cho biết ông Joe Biden đã giành chiến thắng tại bang Pennsylvania, qua đó đủ số phiếu đại cử tri để chiến thắng và đắc cử Tổng thống Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đứng đầu chương trình nghị sự sẽ là thách thức lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt, đó là chống biến đổi khí hậu.

Theo Phó Thủ tướng Scholz, Đức sẽ kêu gọi ông Biden thực hiện ngay một trong những hành động đầu tiên là trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Điều này sẽ mở ra khả năng khởi động các cuộc đàm phán về việc thiết lập một hệ thống buôn bán khí thải xuyên Đại Tây Dương mà lâu dài sẽ phải bao trùm tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Trong vấn đề thương mại, những năm gần đây EU đã bắt đầu cơ bản tổ chức lại chính sách thương mại của mình, trong đó coi trọng quyền con người và tuân thủ các tiêu chuẩn về lao động, môi trường.

Ngoài ra, châu Âu cần thực hiện công bằng thương mại thông qua các tiêu chuẩn và khuôn khổ.

Châu Âu muốn biến một hình thức hợp đồng thương mại mới trở thành bản vị vàng trong thương mại thế giới. Đối với điều này, châu Âu cần Mỹ làm đối tác, song điều kiện tiên quyết là cần bắt tay ngay vào giải quyết các vấn đề còn tồn tại giữa hai khu vực kinh tế, khôi phục toàn bộ năng lực hành động của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đẩy mạnh cải cách tổ chức này.

Điều tương tự cũng áp dụng cho việc tổ chức lại việc đánh thuế các công ty toàn cầu.

Trong khuôn khổ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), châu Âu đang tiến tới một cuộc cải cách thuế doanh nghiệp toàn cầu, bao gồm việc thiết lập các mức thuế tối thiểu.

Châu Âu sẽ đề nghị chính quyền mới của Mỹ hỗ trợ đầy đủ các kế hoạch này để đạt được một thỏa thuận toàn cầu vào mùa Hè tới.

Đối với an ninh châu Âu, người dân châu Âu cũng không nên ảo tưởng. Theo ông Scholz, ông Biden sẽ tiếp tục tập trung vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương vốn bắt đầu dưới thời Tổng thống Obama.

Người châu Âu sẽ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về an ninh của chính mình. NATO tạo lập nên khuôn khổ cho sự hợp tác tác xuyên Đại Tây Dương về chính sách an ninh, mà ở đó các cuộc gặp nên trở thành diễn đàn trao đổi chiến lược thay vì những cuộc chiến vô ích về mức chi tiêu quân sự.

Sự hợp tác được tái thúc đẩy về chính sách an ninh phải đi đôi với sự khôi phục chính sách kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị.

Châu Âu đang bị đe dọa trực tiếp bởi sự vi phạm và chấm dứt Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) và do đó cần phải kiên quyết có tiếng nói chung về vấn đề này.

Ngoài ra, cũng cần gia hạn ngay lập tức Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược Mới (START Mới), trong đó châu Âu kêu gọi các cuộc đàm phán nghiêm túc giữa Washington và Moskva.

Theo chính trị gia Đức, không phải tất cả đều sẽ khác đi sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, châu Âu có thể hy vọng rằng với Biden, các chính sách của tổng thống đương nhiệm chống lại hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương và khả năng vận hành của các tổ chức quốc tế, sẽ chấm dứt.

Giống như bất kỳ chính trị gia năng động nào khác của Mỹ, ông Biden biết giá trị của một chính sách đối ngoại để có được đồng minh và gắn kết các đối tác, thay vì coi thế giới như một đấu trường chống lại nhau.

Một chính sách như vậy cần có sự tin tưởng lẫn nhau và ông Joe Biden đã giành được sự tin tưởng của châu Âu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục