Ngày 22/5, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước đã chính thức khai trương và đưa vào hoạt động Trục liên thông văn bản tỉnh Bình Phước.
Sự kiện được truyền hình trực tuyến đến 11 điểm cầu huyện, thị xã, thành phố để phổ biến, đưa vào thực hiện ngay.
Trục liên thông văn bản tỉnh đi vào hoạt động nhằm phục vụ công tác kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu ngang, dọc 3 cấp giữa các phần mềm quản lý văn bản và điều hành đang được ứng dụng trên địa bàn tỉnh Bình Phước, giúp các đơn vị sử dụng có điều kiện lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ phù hợp, chi phí hợp lý hơn đồng thời, là công cụ để quản trị hành chính nội bộ trong cấu phần hiện đại hóa nền hành chính ở tỉnh.
[Trục liên thông văn bản: Nền tảng cốt lõi của Chính phủ điện tử]
Dự án này là một trong nhiều hạng mục của nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Bình Phước (LGSP). Nền tảng LGSP có sứ mệnh quan trọng, tiên quyết để xây dựng thành công Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bình Phước đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2523/QĐ-UBND của ngày 02/11/2018.
Với ý nghĩa quan trọng này, từ tháng 10/2018, Sở Thông tin và Truyền thông dưới sự hỗ trợ của Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với VNPT Bình Phước đã dựng lên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Bình Phước với đa mục tiêu: Liên thông quản lý văn bản, liên thông một cửa điện tử, hồ sơ tư pháp, bảo hiểm, thuế, hải quan, kho bạc… Trong đó, Sở đã ưu tiên xây dựng Trục liên thông văn bản trước.
Đến nay, tỉnh đã kết nối thành công với Trục liên thông Quốc gia (NGSP). Đối với trục liên thông tỉnh, nội bộ tỉnh đã liên thông ngang, dọc 3 cấp được 188 cơ quan, đơn vị nhà nước: khối Đảng, khối Nhà nước, Công an, quân sự từ tỉnh xuống xã. Hiện có, 24 đơn vị sử dụng phần mềm iOffice của VNPT, 164 cơ quan sử dụng phần mềm OneWin Sys của Công ty NIQ. Đối với doanh nghiệp và đơn vị ngoài công lập, có 46 đơn vị đã kết nối với trục của tỉnh. Trong đó, có 38 cơ quan sử dụng phần mềm iOffice; 8 cơ quan sử dụng phần mềm OneWin Sys.
Cấp, khai báo và quản lý mã định danh, Sở Thông tin và Truyền thông đã cấp và khai báo lên trục LGSP cho 234 cơ quan, đơn vị. Đến nay, tỉnh đã cấp và tập huấn cho các sở ngành, huyện thị xã, thành phố và cấp xã, cho 188 cơ quan, đơn vị về sử dụng chữ ký số. Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã ban hành quy chế quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số chuyên dùng trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh để Trục liên thông văn bản tỉnh vận hành thông suốt, thống nhất, an toàn và hiệu quả, các sở, ngành, địa phương cần nghiêm túc thực hiện việc gửi-nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông; huy động và sử dụng mọi nguồn lực để tập trung nâng cấp, hoàn thiện các phần mềm quản lý văn bản; đẩy mạnh đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan Nhà nước; đảm bảo tối đa an toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, tổ chức.
Cùng với đó, tiếp tục cập nhật, bổ sung, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc gửi - nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông tỉnh nói riêng và kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước nói chung và Trục liên thông Quốc gia./.