Sáng 16/8, Hội Nhà báo Việt Nam trang trọng tổ chức Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam tại Hà Nội.
Ngày 28/7/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1118/QĐ-TTg về việc thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bảo tàng Báo chí Việt Nam thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và giới thiệu các di sản văn hóa phản ánh tiến trình hình thành và phát triển của nền báo chí Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bảo tàng Báo chí Việt Nam có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa báo chí Việt Nam.
Sau sáu đợt phát động, nhiều tập thể và cá nhân đã hiến tặng tài liệu, hiện vật cho bảo tàng. Đó là các hiện vật giấy và chữ viết, các số báo và tập lưu báo gốc quý xuất bản trong thời gian từ năm 1945-1975 như: hàng chục tờ báo Trường Sơn của cố nhà báo Lục Văn Thao để lại, các tập lưu báo xuất bản trước và trong thời kỳ Đổi mới…
[Tiếp nhận nhiều hiện vật quý về Báo chí Cách mạng Việt Nam]
Ngoài ra, nhiều hiện vật thể khối có giá trị lịch sử cũng đã được hiến tặng cho bảo tàng: chiếc máy in sản xuất năm 1966 do Công ty In Lập Việt từ Cao Bằng hiến tặng, bốn pho tượng nhà báo liệt sỹ đúc đồng do nhà điêu khắc Trần Thanh Phong (thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện…
Phát biểu tại lễ công bố, nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: “Bảo tàng Báo chí Việt Nam chỉ có thể ra đời khi đã hội đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Đó là một quá trình lâu dài, công phu. Tính từ ngày 21/8/2014 (khi Đề án Bảo tàng Báo chí Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt) đến ngày 28/7/2017 (khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam), đã gần trọn 3 năm triển khai thực hiện đề án và thúc đẩy tiến trình thành lập bảo tàng. Hôm nay, ý tưởng về một Bảo tàng Báo chí Việt Nam được nung nấu và chuẩn bị sau nhiều nhiệm kỳ Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam đã trở thành hiện thực.”
Trong khuôn khổ lễ công bố, ban tổ chức đã trưng bày giới thiệu 152 tập lưu báo và tạp chí bản gốc, hai tập lưu báo cắt dán Gia Định báo (gồm 4 quyển) và Hoàng Sa-Trường Sa (gồm 1.200 bài báo cắt dán) do nhà báo-nhà sưu tầm Trần Thanh Phương hiến tặng…
Chương trình trưng bày nhằm góp phần tôn vinh các thế hệ làm báo, khẳng định vai trò của báo chí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 152 năm ngày ra đời và phát triển báo chí quốc ngữ (1865-2017).
“Với lịch sử 152 năm ra đời và phát triển, báo chí Việt Nam đã chịu nhiều tổn thất, mất mát, thất lạc do các điều kiện bất lợi về xã hội, thời gian, khí hậu và môi trường. Bởi vậy, những tài liệu này cần được tập hợp, bảo quản một cách có hệ thống, khoa học và nghiên cứu, khai thác, phát huy một cách tích cực, hiệu quả hơn nữa. Đây cũng chính là thông điệp của chương trình trưng bày lần này,” đại diện ban tổ chức cho hay./.