Chính sách vũ khí hạt nhân "mập mờ có tính toán" của Mỹ

Mới đây, Thượng nghị sỹ Mỹ Elizabeth Warren và Hạ nghị sỹ Adam Smith đã đề xuất dự luật trong đó nói rằng "chính sách của Mỹ là không sử dụng vũ khí hạt nhân trước."
Chính sách vũ khí hạt nhân "mập mờ có tính toán" của Mỹ ảnh 1Thượng nghị sỹ Mỹ Elizabeth Warren. (Nguồn: AP)

Trang mạng eurasiareview.com đưa tin, Thượng nghị sỹ Mỹ Elizabeth Warren và Hạ nghị sỹ Adam Smith đã đề xuất dự luật trong đó nói rằng "chính sách của Mỹ là không sử dụng vũ khí hạt nhân trước."

Các thành viên khác của quốc hội có quan điểm khác biệt về vấn đề này. Thượng nghị sỹ Dianne Feinstein lập luận rằng Mỹ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân như một công cụ răn đe và ngăn chặn dựa trên mục đích đạo đức.

Trong khi đó, Thượng nghị sỹ Deb Fischer cho rằng đề xuất trên "cho thấy một thế giới quan ngây ngô và đáng lo ngại."

Trước đây, Tổng thống Joe Biden từng nói rằng ông ủng hộ chính sách "mục đích duy nhất" đối với vũ khí hạt nhân, tức "không sử dụng vũ khí hạt nhân trước." Cho đến nay, Biden vẫn chưa có động thái nào về việc thay đổi hoặc đánh giá chính sách hạt nhân của Mỹ.

Chính sách "không sử dụng trước" sẽ là sự thay đổi so với chính sách hiện nay của Mỹ. Hiện Mỹ cam kết kiềm chế sử dụng vũ khí hạt nhân đối với hầu hết các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân, song không loại bỏ khả năng sử dụng hạt nhân trước trong mọi trường hợp và cũng không nêu cụ thể những tình huống nào mà Mỹ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Chính sách hạt nhân hiện nay của Mỹ tạo ra sự "mơ hồ được tính toán" vốn giúp Washington giải quyết được những quan ngại trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải đối mặt với vô vàn hệ thống vũ khí thông thường của Liên Xô và các nước thuộc khối Hiệp ước Warsaw ở châu Âu.

Trong thời kỳ đó, Mỹ không có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân trên thực địa nhằm cản trở hoặc đánh bại binh lính và xe tăng của đối phương, song kỳ vọng rằng rủi ro của hành động đáp trả hạt nhân sẽ có tác dụng răn đe và ngăn chặn Liên Xô phát động một cuộc tấn công thông thường.

Điều này không phải vì Washington tin rằng họ có thể đánh bại Liên Xô bằng vũ khí hạt nhân, mà vì Washington hy vọng rằng Liên Xô sẽ nhận thức được rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ có nguy cơ biến xung đột thành một cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực, gây thiệt hại to lớn cho cả hai bên.

[Trung Quốc kêu gọi Mỹ gia hạn New START và cắt giảm vũ khí hạt nhân] 

Sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã điều chỉnh chính sách theo hướng giảm thiểu vai trò của vũ khí hạt nhân trong vấn đề an ninh quốc gia của mình. Thế nhưng Washington vẫn chưa từng tuyên bố rằng họ sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trước.

Trong báo cáo đánh giá vị thế hạt nhân hồi năm 2010, chính quyền Tổng thống Barack Obama tuyên bố Mỹ "sẽ chỉ cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân trong những tình huống khẩn cấp" và sẽ không đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân dưới bất kỳ tình huống nào, chống lại những nước không sở hữu vũ khí hạt nhân vốn là thành viên của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân và tuân thủ những nghĩa vụ không phổ biến hạt nhân của họ.

Tuy nhiên, chính quyền Obama khi ấy vẫn chưa sẵn sàng tuyên bố rằng "mục đích duy nhất" của vũ khí hạt nhân Mỹ là nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công hạt nhân vì một tuyên bố như vậy có thể "thu hẹp những phương án đối phó với sự kiện bất ngờ" khi vũ khí hạt nhân có thể đóng vai trò răn đe và ngăn chặn những cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường, vũ khí hóa học hoặc vũ khí sinh học.

Đến lượt chính quyền Donald Trump, trong báo cáo đánh giá vị thế hạt nhân năm 2018, Mỹ cũng bác bỏ ý tưởng mục đích duy nhất sử dụng vũ khí hạt nhân là nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công hạt nhân, do đó, cũng không thông qua chính sách "không sử dụng vũ khí hạt nhân trước."

Lựa chọn chính sách nào?

Mặc dù Mỹ không loại trừ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trước, song việc nước này không đề cập đến cam kết "không sử dụng trước" không cho thấy nước này nhận thức được sự cần thiết phải triển khai vũ khí hạt nhân trước khi xảy ra một cuộc xung đột.

Việc không đề cập này cho thấy Washington nghĩ rằng mối đe dọa về leo thang hạt nhân tiếp tục đóng vai trò là công cụ răn đe và ngăn chặn nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh quy mô lớn bằng vũ khí thông thường hoặc bằng vũ khí hóa học và sinh học.

Những nghị sỹ ủng hộ chính sách hiện hành của Mỹ cho rằng việc loại bỏ mối nguy leo thang hạt nhân có thể khiến các nước như Triều Tiên, Trung Quốc hoặc Nga trở nên bạo trợn hơn trong hành động của họ. Các nước này có thể nghĩ rằng họ có thể áp đảo các đồng minh của Mỹ trong khu vực và phát huy những lợi thế truyền thống mà khu vực đem lại trước khi Mỹ và đồng minh của Mỹ kịp trở tay.

Trong tình huống như vậy, một số nghị sỹ cho rằng một cam kết "không sử dụng vũ khí hạt nhân trước" sẽ chỉ hủy hoại khả năng răn đe và ngăn chặn, song cũng có thể làm gia tăng nguy cơ một cuộc chiến tranh thông thường leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Chính sách vũ khí hạt nhân "mập mờ có tính toán" của Mỹ ảnh 2Hạ nghị sỹ Adam Smith. (Nguồn: twitter)

Ngoài ra, do Mỹ đã cam kết sử dụng mọi biện pháp, bao gồm vũ khí hạt nhân, để bảo vệ đồng minh ở châu Á và châu Âu, nên nếu Washington thay đổi chính sách hiện tại của mình thì điều đó có thể làm xói mòn niềm tin của đồng minh đối với cam kết nói trên của Mỹ, đồng thời kích động các nước này sở hữu vũ khí hạt nhân của riêng mình. Dó đó, một chính sách "không sử dụng trước" có thể hủy hoại những mục tiêu của Mỹ về không phổ biến hạt nhân.

Đã xuất hiện những tranh cãi bên ngoài về những kết luận nói trên. Một số nhà phân tích cho rằng không có bằng chứng nào chứng minh được rằng mối đe dọa leo thang hạt nhân có thể ngăn chặn một cuộc chiến thông thường.

Một số khác cho rằng chính sách sử dụng hạt nhân trước của Mỹ có thể làm bùng phát làn sóng phản ứng về vũ khí hạt nhân, theo đó các nước có thể lao vào cuộc đua vũ khí hạt nhân.

Ngoài ra, một số ý kiến khác cho rằng chính sách "không sử dụng trước" sẽ không hủy hoại cam kết của Mỹ đối với các đồng minh vì những nước này tin tưởng các lực lượng vũ khí thông thường của Mỹ đủ sức bảo vệ họ, đồng thời hiểu rằng Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả các cuộc tấn công hạt nhân.

Các ý kiến khác, bao gồm Thượng nghị sỹ Warren và Hạ nghị sỹ Smith nói trên, lưu ý rằng việc cam kết "không sử dụng hạt nhân trước" có thể giảm thiểu nguy cơ xảy ra những tính toán sai lầm về hạt nhân bằng cách trấn an các đối thủ rằng Washington sẽ không phát động một cuộc tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân. Do đó, nhiều ý kiến khẳng định rằng khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trước không chỉ không cần thiết mà còn có thể biến một cuộc chiến thông thường thành một thảm họa hạt nhân.

Tin tức thời chính quyền Obama đưa ra hồi năm 2016 cho thấy Washington đã cân nhắc chính sách "không sử dụng trước". Tuy nhiên, những tin tức này cũng nói rằng giới lãnh đạo quân sự và dân sự đều phản đối sự thay đổi chính sách này.

Giới chức không quân Mỹ cho rằng chính sách hiện hành của Mỹ với sự mập mờ được tính toán cho phép tổng thống Mỹ có được nhiều lựa chọn khi xảy ra một cuộc khủng hoảng.

Cựu Chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ khi đó là Đô đốc Haney lưu ý rằng sự thay đổi chính sách hạt nhân của Mỹ có thể hủy hoại khả năng răn đe và ổn định trong bối cảnh tình hình an ninh có nhiều bất ổn.

Ngoại trưởng Mỹ khi đó là John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là Ashton Carter cũng bày tỏ quan ngại rằng chính sách "không sử dụng vũ khí hạt nhân trước" có thể hủy hoại niềm tin của các đồng minh Mỹ.

Tin tức hồi đó cũng nói rằng một số đồng minh của Mỹ cũng cân nhắc về sự thay đổi nói trên trong chính sách vũ khí hạt nhân của Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục