Chính sách tín dụng có xu hướng thắt chặt vì nợ quốc gia tăng

Tổng số nợ của thế giới dự kiến sẽ tăng lên mức kỷ lục khoảng 226.000 tỷ USD, chiếm 324% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu trong năm 2017.
Chính sách tín dụng có xu hướng thắt chặt vì nợ quốc gia tăng ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: currency-rates.com)

Tổng số nợ của thế giới dự kiến sẽ tăng lên mức kỷ lục khoảng 226.000 tỷ USD, chiếm 324% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu trong năm 2017.

Điều này khiến nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới có kế hoạch chấm dứt chính sách tín dụng nới lỏng cho vay với lãi suất thấp.

Trong một động thái mới đây, ngày 26/10, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bắt đầu thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt.

Theo báo cáo vừa công bố của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), một số quốc gia mới nổi đang đứng trước những thách thức lớn vì đã vay nợ ồ ạt bằng ngoại tệ mạnh như đồng euro hoặc USD. Trong tổng số nợ khổng lồ 226.000 tỷ USD kể trên, số nợ cần phải trả hoặc đáo hạn từ nay tới cuối năm 2018 của các nước đang phát triển lên tới 1.700 tỷ USD, trong khi các nước này không được bảo đảm sẽ được hưởng những điều kiện vay với lãi suất thấp.

Những khoản nợ bằng ngoại tệ mạnh của những nước mới nổi đã vượt quá con số 8.200 tỷ USD, tức gần 15% tổng dư nợ của các nước đang phát triển toàn cầu.

IIF cho biết mặc dù mức độ tăng nợ toàn cầu có giảm đôi chút, nhưng số nợ của Trung Quốc lại tăng nhanh. Chỉ riêng năm 2016, các khoản nợ của doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng thêm 660 tỷ USD, cao hơn nhiều so với nợ của Mỹ trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 hoặc nợ của Nhật Bản trước cuộc khủng hoảng tài chính ngân hàng năm 1991.

Đặc biệt, số lượng công ty gặp khó khăn trong thanh toán nợ cũng tăng mạnh. Tỷ lệ các khoản vay tư nhân trong nền kinh tế cũng cao, vượt rất nhiều so với năm 2010. Riêng tại Brazil, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, số nợ của doanh nghiệp chiếm hơn 20% tổng số nợ và tỷ lệ này ở Trung Quốc là gần 16%.

Tại các nước phát triển, nợ công ở Canada, Đức và Pháp đang có chiều hướng tăng lên nhưng lại có dấu hiệu cải thiện tại Nhật Bản và nước Anh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục