Trang mạng scmp.com đưa tin trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden trải qua 100 ngày đầu tiên cầm quyền, có thể rút ra 4 vấn đề quan trọng về cách thức mà chính sách thương mại có thể được áp dụng, ít nhất là trong giai đoạn đầu của tân chính quyền Mỹ.
Thứ nhất, di sản của cựu Tổng thống Donald Trump sẽ phủ một cái bóng khá lớn.
Nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump, cụ thể là xu hướng áp đặt miễn cưỡng đối với các liên minh truyền thống và rút khỏi các thể chế toàn cầu, làm dấy lên những phỏng đoán liệu các mối quan hệ của Mỹ với phần còn lại của thế giới có trở lại bình thường khi ông Trump rời nhiệm sở hay không.
[Kinh tế Mỹ dự kiến tăng trưởng nhanh nhất trong nhiều thập niên]
Dựa trên 100 ngày cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Joe Biden, câu trả lời ngắn gọn được đưa ra là “không.”
Cụ thể, các đối tác châu Âu dường như chưa thật sự sẵn sàng để cùng tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ trong vấn đề thương mại.
Điều này đã được thể hiện rõ trước khi ông Biden lên nắm quyền, khi Liên minh châu Âu (EU) quyết định thúc đẩy thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc bất chấp việc êkíp của ông Biden trong tương lai đề nghị hoãn lại cho đến khi có cách tiếp cận thống nhất hơn đối với Trung Quốc để có thể cùng phát triển.
Đây là một sự chuyển hướng khác biệt so với các ưu tiên thường lệ của EU để phối hợp chặt chẽ với Mỹ.
Ngay cả Nhật Bản, một trong những đồng minh vững chắc nhất của Mỹ, đã thể hiện một sự phản đối bất thường trước sự khuyến khích của Washington về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt để phản ứng với tình hình ở Tân Cương.
Sự miễn cưỡng của các đối tác truyền thống trước những đề xuất của Mỹ phản ánh một sự đánh giá đúng đắn rằng chủ nghĩa Trump và có lẽ chính ông Trump có thể trở lại Nhà Trắng sớm nhất là vào năm 2024.
Vì vậy, theo quan điểm này, nhiều người đặt câu hỏi tại sao phải tái đầu tư vào giới lãnh đạo Mỹ?
Sự hoài nghi về Mỹ bắt đầu làm suy yếu khả năng của ông Biden trong việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác thương mại như nước này từng làm trong quá khứ.
Thứ hai, sẽ không có sự hồi sinh của các thỏa thuận thương mại lớn, nhưng các thỏa thuận trong từng lĩnh vực thì có.
Ông Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn đã được đàm phán nhưng chưa được thông qua dưới thời chính quyền Obama.
Do đó, người ta biết ơn hay chỉ trích về việc ông Trump "giết chết" TPP cũng là do quan điểm của từng người.
Trên thực tế, Hillary Clinton, đối thủ tranh cử tổng thống với ông Trump năm 2016, cũng phản đối TPP, nên việc rút khỏi hiệp định cũng là một cái kết có thể dự báo trước.
Khi còn trên cương vị ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton ban đầu còn ủng hộ nhiệt liệt cho TPP.
Sự quay ngoắt này của bà Hillary cho thấy sức hấp dẫn của các thỏa thuận thương mại tự do đã giảm mạnh như thế nào tại Washington. Rõ ràng, ông Biden đã không còn nhiệt tình với các thỏa thuận thương mại lớn.
Chương trình nghị sự về Chính sách Thương mại năm 2021 của chính quyền mới, được báo cáo trước Quốc hội vào tháng trước, đã không đề xuất việc gia hạn Quyền Xúc tiến Thương mại (TPA), dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 7 tới.
TPA quy định một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội để ủng hộ hoặc hủy bỏ các thỏa thuận thương mại và thường được coi là điều kiện tiên quyết để đảm bảo thông qua bất kỳ hiệp định thương mại tự do quy mô đầy đủ nào.
Sự thiếu nhất quán của ông Biden đối với việc gia hạn TPA là một thước đo cho thấy sự thiếu quan tâm của ông Biden trong việc theo đuổi các thỏa thuận thương mại.
Do đó, việc nhanh chóng quay trở lại một CPTPP đã được cải tổ hoặc một hiệp định thương mại nhanh chóng với Anh sẽ khó xảy ra.
Tuy nhiên, sự thiếu vắng các hiệp định thương mại tự do lớn và toàn diện không có nghĩa là các nhà đàm phán thương mại sẽ không có gì để làm. Có thể có các giao dịch nhỏ hơn theo từng lĩnh vực nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể cần quan tâm.
Mỹ và Nhật Bản được cho là sẽ theo đuổi một thỏa thuận về chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Công chúng có thể sẽ được chứng kiến sự quay trở lại của mô hình theo từng lĩnh vực, trong đó thương mại kỹ thuật số có thể là ưu tiên hàng đầu.
Thứ ba, sẽ có một số chính sách được tiếp nối. Một khía cạnh trong di sản chính sách thương mại của Trump mà chính quyền Biden đang áp dụng là áp đặt thuế quan và các hạn chế về công nghệ được thiết kế để ngăn chặn Trung Quốc theo đuổi vị thế thống trị công nghệ thông qua việc sử dụng các chiến thuật mang tính “cướp bóc.”
Trong cuộc trả lời phỏng vấn quan trọng đầu tiên trên truyền thông, đại diện thương mại Mỹ - bà Katherine Tai - đã nhấn mạnh tính hiệu quả khi tiếp tục duy trì chính sách thuế quan của ông Trump.
Bà Katherine Tai cho rằng "không có nhà đàm phán nào lại từ bỏ ưu thế của mình."
Khi được hỏi về quan điểm của bà về các mức thuế áp với thép và nhôm trên toàn cầu được áp dụng dưới thời Trump, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết "những mức thuế đó đã có hiệu quả."
Raimondo trước đây đã tuyên bố mong muốn duy trì các biện pháp hạn chế của chính quyền Trump đối với tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei.
Bà Raimondo cho biết Bộ Thương mại Mỹ đã liệt kê thêm 7 công ty sản xuất siêu máy tính của Trung Quốc vào danh sách đen các thực thể bị hạn chế.
Những động thái này thể hiện sự xác nhận ngầm đối với một số chính sách có hiệu quả nhất mà chính quyền trước đó theo đuổi.
Trong khi chính quyền của ông Biden đang nghiên cứu kỹ lưỡng các chính sách thương mại mà ông Trump đã triển khai, rõ ràng là chúng sẽ tiếp tục được triển khai ở mức độ cao.
Thứ tư, không nên kỳ vọng vào một sự khôi phục quan hệ nhanh chóng với Trung Quốc.
Cơ quan tình báo Mỹ trước bầu cử đã nhận định Bắc Kinh mong muốn ông Biden sẽ chiến thắng vì một đối thủ đảng Dân Chủ sẽ có một lập trường ít cứng rắn hơn.
Tuy nhiên, màn “khai hỏa” tại cuộc họp song phương tại Alaska cho thấy ông Biden thích cách tiếp cận đối đầu của ông Trump và có lẽ ông sẽ tiếp tục tăng sức nóng đối với Trung Quốc trong các hồ sơ nhân quyền, mở ra một mặt trận hoàn toàn mới trong cuộc chiến thương mại.
Các chương trình nghị sự về chính sách mà tổng thống đưa ra trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên thường có sự khác biệt lớn so với cuối nhiệm kỳ do sự tác động từ những sự kiện không lường trước, vận mệnh chính trị thay đổi sau cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ và sự thành công hay thất bại của các ưu tiên ban đầu.
Trên cơ sở những gì chúng ta chứng kiến cho đến nay, đây là những gì có thể dự đoán về chính sách thương mại của Mỹ trong vòng 12-18 tháng tới: sự nối tiếp một số chính sách từ chính quyền tiền nhiệm, đặc biệt là liên quan tới Trung Quốc, thuế quan và chính sách công nghệ; không có thỏa thuận thương mại mới lớn; một mối quan hệ hợp tác được cải thiện với EU và các đồng minh châu Á, song kỳ vọng về một mặt trận thống nhất thì không có bởi các đối tác truyền thống vẫn đang nhìn Mỹ với con mắt hoài nghi hơn nhiều./.