Chính sách thuốc lá mới tại Việt Nam: Cần tận dụng lợi thế của người đi sau

Nhiều ý kiến tại tọa đàm “Đề xuất chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới” ngày 24/9 cho rằng việc quản lý thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử cần dựa trên bằng chứng khoa học.

Chính sách thuốc lá mới tại Việt Nam: Cần tận dụng lợi thế của người đi sau

Nhiều ý kiến tại tọa đàm “Đề xuất chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới” ngày 24/9 cho rằng, việc quản lý thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử cần dựa trên bằng chứng khoa học, trong đó mức độ độc hại càng cao thì càng phải kiểm soát chặt chẽ.

Căn cứ xây dựng chính sách: Xu hướng thế giới hài hòa cùng bối cảnh trong nước

Tại tọa đàm, dưới góc độ kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội cho rằng chúng ta đi sau nên lấy số đông để kiểm chứng, việc xây dựng chính sách nên tham khảo số đông các quốc gia đang áp dụng.

Tiến sỹ Phong lý giải, Việt Nam có lợi thế khi là nước đi sau trong việc quản lý các mặt hàng này. Trên thực tế đã có 175 quốc gia không cấm thuốc lá nung nóng. Từ thực tiễn, “chúng ta có thể làm bài toán được - mất để đưa ra hướng tiếp cận tối ưu.”

Đối với bối cảnh trong nước, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhìn nhận: “Đối với thuốc lá nung nóng thì những tác hại của nó là ở mức độ mà chúng ta kiểm soát được. Người tiêu dùng cần có đủ thông tin, đủ điều kiện để xem xét và quyết định có lựa chọn hay không và sử dụng ở mức độ nào.”

Theo ông Phong, sản phẩm gắn với tiêu dùng mà không được Nhà nước quản lý từ chất lượng cho tới các hoạt động sản xuất, mua bán sẽ là sự bất cập trong quản lý. Ông cũng cho rằng Nhà nước cần quản lý toàn diện, không để một bộ phận nào đó nằm ngoài quan sát.

Nút thắt của việc kiểm soát thuốc lá mới: Trách nhiệm hay năng lực?

Đánh giá về nút thắt trong quan điểm khác biệt giữa Bộ Công Thương và Bộ Y tế, ông Phong cho rằng, đề xuất cấm của Bộ Y tế đến từ góc độ bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm bớt tác hại tiềm tàng, giảm bớt gánh nặng về y tế.

thuoc la lam nong 1.png

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ cung cầu và hoạt động kinh tế Nhà nước thì đề xuất quản lý của Bộ Công Thương là phù hợp. Bởi, thuốc lá là ngành hàng kinh doanh có điều kiện đáp ứng nhu cầu xã hội, cần được cung cấp hợp pháp, tránh người dùng “hút trộm.”

Các chuyên gia tại tọa đàm đồng thuận cho rằng Nhà nước cần nhìn nhận và quản lý chặt chẽ thuốc lá nung nóng như các sản phẩm thuốc lá, nhằm đem đến lợi ích cho xã hội, người dùng, người không dùng và cho ngân sách. Mặt khác, điều này cũng tạo hành lang pháp lý cho người hút thuốc có trách nhiệm với bản thân mình và người xung quanh.

Song song đó, bà Nguyễn Quỳnh Liên nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ năng lực và nguồn lực để quản lý thuốc lá nung nóng: “Chúng ta có các các cơ quan quản lý về thuốc lá, xuất nhập khẩu, các cơ quan thuế hải quan, cơ quan quản lý thị trường, lực lượng công an và còn có cả Ban chỉ đạo về phòng chống các tội phạm buôn lậu, đó là Ban 389. Tôi nghĩ rằng về mặt tổ chức bộ máy và cơ chế thực thi thì chúng ta không thiếu.”

Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp bổ sung: “Tôi cho rằng việc quản lý không có vấn đề gì là khó khăn cả.”

Theo đó, ông Hải đề xuất thuốc lá mới có thể được kiểm soát bằng phương án tem nhãn như đối với thuốc lá truyền thống. Điều này giải quyết quan ngại làm sao để phân biệt giữa các sản phẩm thuốc lá mới được cung cấp hợp pháp với sản phẩm nhập lậu, trá hình.

“Nếu thuốc lá nung nóng được thừa nhận thì sẽ được cấp giấy phép với số lượng nhập khẩu, về trong nước thì cũng được kiểm nghiệm và dán tem. Sau khi được dán tem và kiểm nghiệm là hàng chính thống, kiểm soát được chất lượng thì đưa ra lưu hành trên thị trường. Còn cái nào không có tem là hàng nhập lậu, các cơ quan thực thi pháp luật sẽ tịch thu, tiêu hủy,” ông Hải giải thích.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định thuốc lá nung nóng là thuốc lá và khuyến nghị các quốc gia kiểm soát theo luật hiện hành. Hiện cũng chưa có bằng chứng về việc sản phẩm này độc hại hơn thuốc lá truyền thống.

Trên cơ sở đó, các chuyên gia khuyến nghị Nhà nước nên tham khảo kinh nghiệm của số đa các quốc gia đi trước trong lĩnh vực này, tránh lặp lại tình trạng phải chật vật chống buôn lậu như số ít các quốc gia áp đặt lệnh cấm cực đoan./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục