Chính sách tài chính đóng vai trò “tay lái” trong phát triển Kinh tế Xanh

VN cần xây dựng chiến lược phát triển phục hồi bền vững, nếu không thì những nỗ lực và tốc độ tăng trưởng kinh tế bổ sung thập kỷ tới khoảng hàng tỷ USD có thể bị xóa sạch bởi những cú sốc tự nhiên.
Công tác ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và bền vững cần thiết phải huy động nguồn lực Tài chính Xanh. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Mục tiêu năm 2050, Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng "0." Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược ngành Tài chính đến năm 2030, nêu rõ quan điểm và giải pháp huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho các hoạt động Kinh tế Xanh và bảo vệ môi trường.

Hàng tỷ USD có thể bị xóa sạch

Theo ước tính của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), để thực hiện cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Việt Nam cần khoảng 330-370 tỷ USD. Do vậy, công tác ứng phó biến đổi khí hậu, Tăng trưởng Xanh và bền vững cần thiết phải huy động nguồn lực Tài chính Xanh.

Báo cáo từ Aon plc năm 2023 (Công ty hàng đầu thế giới chuyên cung cấp các giải pháp về rủi ro) cho biết Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Năm 2022, những diễn biến thiên tai phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và hoạt động kinh tế của người dân với có 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần), xảy ra tổng số 1.072 đợt thiên tai. Đặc biệt, hạn hán và xâm nhập mặn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Đồng bằng song Cửu Long, làm thiệt hại kinh tế mỗi năm lên tới 5.800 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2022, thiên tai đã gây thiệt hại kinh tế đất nước lên tới 19.500 tỷ đồng (tương đương 830 triệu USD). Điều đáng lo ngại hơn khi con số này tăng theo cấp số nhân lên tới 3,4 lần so với mức thiệt hại ghi nhận trong năm 2021.

Nhóm chuyên gia nghiên cứu từ UNDP cũng chỉ ra với đường bờ biển dài, nguy cơ Việt Nam ngày càng phải chịu nhiều thiên tai, dẫn đến thiệt hại đáng kể về người và kinh tế. Song, các biện pháp quản lý rủi ro hiện tại vẫn chưa đủ. Do đó, Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển khả năng phục hồi bền vững, nếu không những nỗ lực và tốc độ tăng trưởng kinh tế bổ sung trong thập kỷ tới trong khoảng hàng tỷ USD có thể bị xóa sạch bởi những cú sốc tự nhiên.

Việt Nam đang sử dụng một số nguồn kinh phí để cung cấp ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, bao gồm dự trữ ngân sách Trung ương và địa phương. (Ảnh: Vietnam+)

Về vấn đề này, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính cho biết nhu cầu về tài chính để bù đắp cho những tổn thất do các thảm họa lớn liên quan đến khí hậu ở Việt Nam có xu hướng tăng cao. Về lý thuyết, thiệt hại trực tiếp bình quân về kinh tế do bão lũ ước tính hàng năm khoảng 0,22% GDP. Tuy nhiên trên thực tế với xác suất 1% (tương ứng chu kỳ lặp lại là 1/100 năm), thiệt hại do bão (có thể xảy ra) sẽ lên tới 8,7 tỷ USD, tương đương 2,7% GDP năm 2019. Mức thiệt hại này đang cao gấp 15 lần mức thiệt hại trung bình dài hạn (0,22% GDP năm 2019) và vượt xa mức thiệt hại lịch sử cao nhất (1,1% GDP năm 2019).

Theo nghiên cứu trên, trước mối đe dọa đó - Việt Nam hiện chưa có chiến lược toàn diện để điều phối, tối ưu hóa các nguồn vốn có thể huy động (đặc biệt là ở cấp địa phương) và xây dựng chiến lược bảo vệ tài chính về các chi phí trước những rủi ro do dịch bệnh và thiên tai nói chung, thảm họa lớn liên quan đến khí hậu nói riêng. Về tài chính, Việt Nam đang sử dụng một số nguồn kinh phí để cung cấp ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, bao gồm dự trữ ngân sách Trung ương và địa phương, phân bổ ngân sách cụ thể, dự trữ vật chất Nhà nước, quỹ dự trữ tài chính, quỹ phòng, chống thiên tai và viện trợ của các nhà tài trợ.

Tổn thất về tiền tệ và thiếu hụt tài chính do thảm họa lớn liên quan đến khí hậu đòi hỏi phải xây dựng một kế hoạch tài chính để hạn chế gánh nặng. Trước đó, ngày 10/2/2022, Bộ Tài chính đã ký Biên bản Ghi nhớ (MoU) để trở thành thành viên thứ tám của Công cụ Bảo hiểm rủi ro thiên tai Đông Nam Á (SEADRIF). Với việc tham gia này, Việt Nam có nhiều cơ hội để quan sát, tìm hiểu và tiếp cận các giải pháp kỹ thuật, tài chính của khu vực và quốc tế giúp tăng cường khả năng bảo vệ tài chính quốc gia và người dân trước những cú sốc về thiên tai và khí hậu. Từ đó, Chính phủ có đầy đủ thông tin hơn để xác định được các công cụ hiệu quả, trong đó có các công cụ tài chính để ứng phó với các tác động ngày càng gia tăng từ biến đổi khí hậu.

Tập trung vào 2 nhóm chính sách

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội nhiều giải pháp điều chỉnh chính sách về tài chính-ngân sách Nhà nước linh hoạt, đồng bộ với các chính sách tiền tệ và vĩ mô khác để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Về chính sách thu ngân sách Nhà nước, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn chia sẻ hệ thống chính sách thuế nhằm hướng tới Tăng trưởng Xanh và phát triển bền vững, theo đó tập trung vào hai nhóm chính sách.

Thứ nhất, các chính sách hạn chế các hành vi gây ô nhiễm môi trường (như thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải…).

Thứ hai, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và biến đổi khí hậu (như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, nhập nhẩu; lệ phí trước bạ). Chính sách thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất tính đến hết tháng 10/2023 là khoảng 163.800 tỷ đồng.

Về chính sách chi Nhà nước, lãnh đạo ngành Tài chính cho biết ngân sách đã ưu tiên cho Tăng trưởng Xanh. Chi ngân sách Nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ môi trường ngày càng được cụ thể, rõ ràng. Bên cạnh đó, đầu tư công cho Tăng trưởng Xanh đã được lồng ghép trong các ưu tiên đầu tư ngành, lĩnh vực, địa phương và các chương trình mục tiêu. Mặt khác, công tác kiểm soát chi ngân sách Nhà nước cũng được đảm bảo, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Từ đó, cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương được đảm bảo.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, Tiến sỹ Philipp Roesler, Nguyên Phó Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức đánh giá Việt Nam là quốc gia tiêu biểu cho những tiến bộ vượt bậc đã đạt được ở khu vực Đông Nam Á nhưng đồng thời cũng là quốc gia phải đối mặt với những lo ngại, cấp bách về môi trường. Việc đảm bảo rằng các nhân tố cơ bản giữ cho nền văn hóa tồn tại (không khí, nước và đất) cần được bảo tồn và nuôi dưỡng song hành với việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Theo tiến sỹ Philipp Roesler, phát triển bền vững không phải là điều dễ dàng đạt được song đó đó là nhu cầu. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp cận con đường này một cách thận trọng và quyết tâm, tạo sự cân bằng giữa sức mạnh của tiến bộ kinh tế và sự thông thái trong việc bảo vệ môi trường. Trong hành trình này, chính sách tài chính đóng vai trò là “tay lái”, định hướng đầu tư, định hình thị trường và khuyến khích các hành động có trách nhiệm với môi trường.

Các ngành công nghiệp truyền thống, vốn là xương sống của nền kinh tế, có thể mâu thuẫn với các chính sách tài chính mới như thuế môi trường hoặc Trái phiếu xanh. (Ảnh: Vietnam+)

Thứ hai là vấn đề cạnh tranh. Tiến sỹ Philipp Roesler chỉ ra lý do để tin rằng các quy định nghiêm ngặt về môi trường có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường toàn cầu hoạt động không bình đẳng. Các chuyên gia vẫn đang nỗ lực tìm ra giải pháp cho câu hỏi hóc búa về cách bảo vệ tài nguyên thiên nhiên mà không gây tổn hại cho vị thế kinh tế của quốc gia.

Trở ngại thứ ba là việc gặp khó khăn trong đầu tư vào các công nghệ thân thiện với môi trường. Quá trình chuyển đổi sang nền Kinh tế Xanh đòi hỏi phải đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng bền vững, nhiều công nghệ đổi mới hơn và hỗ trợ tài chính mạnh mẽ hơn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đi đầu trong quá trình chuyển đổi này.

“Để định hướng lại các nhu cầu này theo hướng bền vững lâu dài, cộng đồng tài chính cần phải thay đổi cả khuôn khổ pháp lý và những chuẩn mực văn hóa của mình. Nhằm đảm bảo quá trình chuyển đổi sang nền Kinh tế Xanh hơn một cách triệt để và toàn diện, các nhà hoạch định chính sách cần kết nối tất cả các thành phần xã hội, bao gồm các doanh nhân có ảnh hưởng ở địa phương và người dân nói chung. Việc xây dựng các chính sách tài chính cần được thực hiện một cách khéo léo và có tầm nhìn xa, có tính đến các biện pháp giảm thiểu rủi ro cũng như các hệ thống có khả năng thích ứng,” ông Philipp Roesler nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục