Chính sách quyết định thành bại chiến lược kinh tế mới của Trung Quốc

Các nhà kinh tế Trung Quốc đã kêu gọi việc xem xét vấn đề dân số ở tầm cao chiến lược, mở cửa toàn diện chính sách sinh đẻ càng sớm càng tốt.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Trong tháng 12 này, Trung Quốc sẽ tổ chức Hội nghị Công tác kinh tế trung ương.

Đây là hội nghị công tác kinh tế đầu tiên của Trung Quốc sau khi tiến hành đưa ra chiến lược phát triển kinh tế “quỹ đạo tuần hoàn kép” để đối phó với sự thay đổi “trăm năm có một” trên thế giới.

Hội nghị cũng sẽ tạo đặt nền tảng mở đầu cho Quy hoạch Phát triển Kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 14 và có tính đến các chính sách ngắn hạn cũng như những thay đổi dài hạn. Do đó, hội nghị nhận được sự quan tâm đặt biệt của dư luận.

Trước thềm hội nghị, Trung Quốc liên tiếp đưa ra nhiều tín hiệu chính sách, trong đó, chính sách dân số được cho là giữ vai trò quyết định đối với sự thành bại của chiến lược phát triển kinh tế xã hội ở Trung Quốc.

Theo tờ Đệ nhất kinh tế, gần đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trung Quốc Lý Kỷ Hằng đã viết một bài báo cho rằng hiện nay, do nhiều ảnh hưởng khác nhau, dân số ở độ tuổi sinh đẻ của Trung Quốc ít có mong muốn sinh con. Tổng tỷ suất sinh đã giảm xuống dưới mức cảnh báo và phát triển dân số đã bước vào giai đoạn chuyển đổi quan trọng.

[Trung Quốc bổ sung nhiều biện pháp mới ứng phó với già hóa dân số]

Căn cứ vào định nghĩa của Ban Dân số Liên hợp quốc, tổng tỷ suất sinh của một quốc gia hay một khu vực là số con bình quân một người phụ nữ sinh ra trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15-49 tuổi).

Tổng tỷ suất sinh khoảng 2,1 được gọi là mức sinh sản thay thế hay chính là mức có thể giúp dân số không tăng không giảm.

Nói cách khác, tổng tỷ suất sinh là một trong những tiêu chí cực kỳ quan trọng phản ánh xu thế phát triển dân số của một quốc gia, khu vực.

Tổng tỷ suất sinh của Trung Quốc đã giảm xuống dưới mức cảnh báo rõ ràng là một tiếng chuông thức tỉnh về khả năng Trung Quốc có thể rơi vào bẫy tỷ lệ sinh đẻ thấp.

Thông thường, tổng tỷ suất sinh rớt xuống dưới ngưỡng 1,5 được coi là dưới mức cảnh báo.

Năm 2005, chuyên gia Australia Wolfgang Lutz lần đầu tiên đưa ra khái niệm “bẫy tỷ lệ sinh đẻ thấp” với hàm ý rằng một khi tổng tỷ suất sinh rơi xuống dưới ngưỡng 1,5 thì tình hình rất khó có thể đảo ngược.

Căn cứ vào số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc trong 3 năm qua, tỷ lệ sinh đẻ ở Trung Quốc lần lượt là 1,58; 1,495 và 1,47, đã ở dưới ngưỡng 1,5.

Theo tờ Economic Journal, nếu loại bỏ hiệu ứng từ chính sách cho phép sinh con thứ hai, tỷ lệ sinh đẻ thực sự có thể chỉ là 1,1-1,2. Trung Quốc từng lệ thuộc nghiêm trọng vào “lợi tức dân số” (tăng trưởng kinh tế được lợi từ sự thay đổi trong cơ cấu tuổi của dân số).

Cùng với sự phát triển của kinh tế, tỷ lệ sinh đẻ ở Trung Quốc giảm dần theo năm, việc hủy bỏ chính sách kế hoạch hóa gia đình, mở cửa cho việc sinh con thứ hai cũng không thay đổi được xu thế suy giảm của tỷ lệ sinh đẻ cho thấy Trung Quốc đã bước vào giai đoạn khủng hoảng dân số.

Tuy trong nhân dân và giới kinh tế Trung Quốc sớm có dự đoán về cuộc khủng hoảng tỷ lệ sinh đẻ thấp, nhưng bài viết của Bộ trưởng Nội vụ Lý Kỷ Hằng là lần đầu tiên giới chức Trung Quốc thừa nhận thực trạng này.

Hơn nữa, thông tin ông Lý Kỷ Hằng đưa ra trước thời điểm khởi đầu Quy hoạch Phát triển Kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 14 và sau khi Trung Quốc tiến hành tổng điều tra dân số quy mô lớn nhất trong lịch sử xem ra có tính dự báo về chính sách dân số tiếp theo của Trung Quốc.

Trên thực tế, nhiệm vụ quan trọng nhất đối với sự nghiệp phát triển kinh tế của Trung Quốc trong 5 năm tới là bước đầu thiết lập mô hình phát triển “quỹ đạo tuần hoàn kép” lấy “tuần hoàn trong nước” làm chính.

Thực chất là điều chỉnh cơ cấu kinh tế từ chỗ dựa vào nhu cầu bên ngoài (tuần hoàn quốc tế) trước đây sang dựa nhiều hơn vào thị trường trong nước (tuần hoàn trong nước) để đề phòng những nhân tố không xác định ở bên ngoài.

Nhưng liệu Trung Quốc có thể thực hiện được nhiệm vụ lớn lao và gian nan như vậy hay không? 5 năm tới, chúng ta mới có thể nhìn thấy những kết quả ban đầu.

Tuy nhiên, phải thấy rằng con người là yếu tố cơ bản và động lực của sự phát triển kinh tế xã hội, mọi hoạt động kinh tế đều vì con người, dân số là nguồn lực chiến lược quan trọng của đất nước.

“Tuần hoàn trong nước” muốn phát triển càng phải phụ thuộc nhiều hơn vào quy mô dân số, do đó, khủng hoảng tỷ lệ sinh đẻ thấp liên quan đến sự thành công hay thất bại của chiến lược “quỹ đạo tuần hoàn kép,” thậm chí cả sự thịnh vượng và suy tàn của Trung Quốc.

Vào lúc này, chính phủ gióng lên hồi chuông báo động về tỷ lệ sinh đẻ chính là nhằm mục đích đó.

Đương nhiên, có nhiều lý do khiến tỷ lệ sinh đẻ giảm. Ngoài tác động của nhân tố kinh tế phát triển và mức sống được cải thiện mức sống, nguyên nhân chính khiến tỷ lệ sinh đẻ của Trung Quốc giảm trong những năm gần đây còn bao gồm chi phí nuôi dạy con quá đắt đỏ và chi phí cho vấn đề nhà ở chiếm tỷ trọng quá lớn trong thu nhập.

Tất cả đã ngăn chặn mong muốn sinh con của các cặp vợ chồng ở thành phố. Về cơ bản, tỷ lệ sinh đẻ phản ánh niềm tin và kỳ vọng, điều này xác định rằng cuộc khủng hoảng dân số của Trung Quốc khó được cải thiện trong ngắn hạn.

Gần đây, từ giới kinh tế đến khu vực tư nhân đã sôi nổi thảo luận về việc mở cửa sinh con thứ ba.

Các nhà kinh tế Trung Quốc đã kêu gọi việc xem xét vấn đề dân số ở tầm cao chiến lược, mở cửa toàn diện chính sách sinh đẻ càng sớm càng tốt.

Mặc dù không thể nâng tỷ lệ sinh đẻ một cách căn bản, nhưng có thể khuyến khích những người có khả năng sinh nhiều con.

Về cơ bản, chỉ có việc tiếp tục phát triển kinh tế quốc gia tốt, nâng cao thu nhập và phân phối của cải gia đình cân bằng hơn, thì báo động về khủng hoảng sinh đẻ mới có thể được dỡ bỏ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục