'Chính sách quản lý kinh tế tập thể, hợp tác xã còn cồng kềnh'

Nếu như năm 2013, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp vào GDP 4,03% thì đến năm 2021, con số này giảm xuống còn 3,62%; số lượng thành viên cũng giảm từ 8 triệu xuống còn 5 triệu.
Mô hình trồng rau thủy canh thích ứng biến đổi khí hậu tại Hợp tác xã rau an toàn Tiến Phát, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Chiều 18/3, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã phối hợp với Liên đoàn Hợp tác xã Cộng hòa liên bang Đức (DGRV) tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển hợp tác xã và luật hợp tác xã của một số quốc gia trên thế giới."

Hội thảo nhằm trao đổi kinh nghiệm quốc tế về phát triển mô hình hợp tác xã, quá trình xây dựng và hoàn thiện luật hợp tác xã tại các quốc gia, từ đó đề xuất giải pháp phát triển hợp tác xã tại Việt Nam và giải pháp hoàn thiện Luật Hợp tác xã năm 2012.

Chính sách còn dàn trải

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định sự ra đời của Luật Hợp tác xã năm 2012 chính là cơ sở pháp lý, nền tảng để khu vực kinh tế tập thể phát triển, trong đó nòng cốt là các hợp tác xã.

Một trong các quan điểm lớn của sửa đổi Luật Hợp tác xã lần này là phải giữ vững các nguyên tắc cơ bản của hợp tác xã do Liên minh hợp tác xã quốc tế đưa ra trong thế kỷ 21 và tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam, phù hợp với bối cảnh mới của khu vực và trên thế giới.

Chính vì vậy, những kinh nghiệm quý từ quá trình hoàn thiện khung pháp lý cũng như thực tiễn phát triển khu vực hợp tác xã của các nước, các tổ chức quốc tế sẽ giúp ích cho quá trình xây dựng Luật Hợp tác xã (sửa đổi) của Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã ở Việt Nam hoạt động hiệu quả và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Thống kê cho thấy sau 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có chuyển biến tích cực. Cụ thể, tính đến năm 2021, cả nước có 27.445 hợp tác xã, tăng khoảng 41% so với năm 2013; số lao động thường xuyên duy trì từ 1,1-1,2 triệu lao động/năm.

Cùng với đó, doanh thu, lợi nhuận của các hợp tác xã cũng tăng dần qua các năm. Đơn cử như năm 2020, doanh thu bình quân đạt 4,3 tỷ đồng/hợp tác xã, lợi nhuận bình quân đạt 314 triệu đồng/hợp tác xã, tương ứng tăng 61% và 88% so với năm 2013.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 trong 10 năm qua đã cho thấy không ít các hạn chế, bất cập đến từ các quy định của các văn bản pháp luật và quá trình tổ chức triển khai thi hành. Điều này thể hiện khá rõ qua việc đóng góp vào tổng sản phẩm nội địa (GDP) của khu vực này giảm dần qua các năm.

Nếu như năm 2013, khu vực này đóng góp vào GDP 4,03% thì đến năm 2021, con số này giảm xuống còn 3,62%. Số lượng thành viên cũng giảm tương ứng từ 8 triệu thành viên xuống còn 5 triệu thành viên. Thu nhập của người lao động trong hợp tác xã tuy đã tăng nhưng chỉ bằng 50% so với doanh nghiệp.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng tất cả những điều này xuất phát từ chính sách quản lý kinh tế tập thể, hợp tác xã còn dàn trải, cồng kềnh. Sau khi Luật Hợp tác xã năm 2012 ban hành, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng được sửa đổi, bổ sung như Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đất đai năm 2013, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... tạo áp lực không nhỏ cho các hợp tác xã khi áp dụng vào thực tiễn.

[Mở lối ra cho nông sản của hợp tác xã trong bối cảnh dịch bệnh]

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, sau 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có chuyển biến tích cực về chất và lượng. Cùng với đó, khu vực này cơ bản khắc phục tình trạng yếu kém, tận dụng và khai thác được dư địa, tiềm năng, không gian phát triển, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của một trong những thành phần kinh tế nền tảng trong nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tập thể còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào tăng trưởng nội địa GDP chưa đáp ứng yêu cầu. Phần lớn tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Chia sẻ thêm tại hội thảo, ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết nhiều quy định trong Luật Hợp tác xã năm 2012 đã hạn chế sự gia nhập, hoạt động và mở rộng thị trường của hợp tác xã. Chẳng hạn như việc chưa có các quy định cho các đối tượng dưới 18 tuổi, người khuyết tật, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia vào hợp tác xã.

Mặt khác, chưa có quy định về các thành viên liên kết; quy định về hồ sơ đăng ký phải có phương án sản xuất kinh doanh, danh sách đầy đủ các thành viên gây phiền hà, mất thêm chi phí, thời gian cho khu vực này. Không những thế, Luật Hợp tác xã năm 2012 chưa quy định thống nhất các tổ chức kinh tế hợp tác như tổ hợp tác và các tổ chức đại diện hợp tác xã trong một luật chung.

Mô hình sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP của Hợp tác xã 19-5 ở Sơn La. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, trên thế giới, quy định về kiểm toán hợp tác xã đã có từ lâu đời, thậm chí xuất hiện trước cả kiểm toán doanh nghiệp, phổ biến trong luật ở các nước.

Đây là công cụ rất quan trọng để bảo đảm tính minh bạch, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, tăng cường khả năng huy động vốn cho các hợp tác xã, giúp cho việc hỗ trợ và quản lý của Nhà nước hiệu quả. Dù vậy, Luật Hợp tác xã năm, 2012 lại chưa có quy định về kiểm toán, chưa tạo sự minh bạch trong phát triển hợp tác xã.

Cùng với đó, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho khu vực kinh tế tập thể chưa hiệu quả do thực hiện phân tán, thiếu nguồn lực cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu của hợp tác xã. Do đó, chính sách hỗ trợ chưa tập trung nâng cao những nội dung thuộc về bản chất hợp tác xã như phát triển thành viên, tài sản không chia, dịch vụ nội bộ cho thành viên.

Hoàn thiện để phát triển

 Nhận định về Luật Hợp tác xã 2012, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho hay Luật Hợp tác xã 2012 hiện hành đang phù hợp hơn với các hợp tác xã quy mô nhỏ chứ chưa phù hợp với với các hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã có quy mô lớn. Hiện tại, Cộng hòa Liên bang Đức là đất nước có những chính sách phát triển hợp tác xã hiệu quả, giúp các hợp tác xã thực sự là chỗ dựa của thành viên.

Chia sẻ thành công trong phát triển hợp tác xã, ông Weenrt Boerner, Phó Đại sứ Công hòa Liên bang Đức tại Việt Nam, nhấn mạnh việc thúc đẩy hợp tác xã phát triển là yếu tố then chốt giúp người dân và thành viên tiếp cận sản phẩm an toàn, dịch vụ hiệu quả, công nghệ thông tin và chính sách pháp luật. Thế nhưng để cải thiện hiệu quả sản xuất của hợp tác xã, cần giảm tác động đến môi trường nhằm hướng đến mục tiêu bền vững. Đây cũng là yêu cầu đặt ra của tất cả các nước trên thế giới.

Theo ông Weenrt Boerner, mặc dù các hợp tác xã tại Việt Nam góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế nhưng có tới 60% hợp tác xã ở quy mô vừa, nhỏ kèm theo điều kiện tiếp cận các nguồn lực còn khó khăn. Do đó, thời gian tới, cần tạo nền tảng, nâng cao khả năng, trách nhiệm của hợp tác xã trên nền tảng chính sách pháp luật hoàn chỉnh.

Hơn nữa, cần tái cơ cấu lại hợp tác xã để có thể tiếp cận công nghệ chế biến, nâng cao năng lực sản xuất để thích ứng thị trường. Đặc biệt, các hợp tác xã cần được hỗ trợ ngay từ cơ sở để ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành nòng cốt xây dựng kinh tế tập thể phát triển toàn diện.

Sản phẩm bánh đa vừng tại một hợp tác xã ở Hà Tĩnh. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng để hợp tác xã phát triển bền vững, cần làm rõ nguyên tắc minh bạch thông tin hợp tác xã theo hướng bổ sung các quy định cụ thể về nội dung, cách thức, thời hạn cung cấp thông tin của khu vực hợp tác xã cho thành viên, các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc báo cáo, cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác, tăng cường tính minh bạch, bảo vệ lợi ích thành viên.

Về phía hợp tác xã phải tận dụng thời cơ, nắm lấy cơ hội, thực hiện tốt vai trò dẫn dắt các hộ sản xuất cá thể nhỏ, lẻ, các tổ hợp tác để tạo thành chuỗi giá trị sản xuất lớn, mạnh đủ sức cạnh tranh trên thương trường, đem lại lợi ích lớn hơn cho thành viên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục