Chính sách 'Nước Mỹ trước tiên' lại làm nóng diễn đàn Liên hợp quốc

Lập trường bác bỏ toàn cầu hóa mà ông Trump nhấn mạnh dường như là một "lằn ranh đỏ" ngăn cách nước Mỹ với chủ nghĩa dân tộc trên hết và bên còn lại là những quốc gia thúc đẩy chủ nghĩa đa phương.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, ngày 24/9/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/9 đã có bài phát biểu lần thứ ba trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong đó trình bày quan điểm về nhiều vấn đề, từ chủ quyền, nền tảng và trách nhiệm phòng vệ quốc gia cho đến quan điểm của Mỹ về Iran, Triều Tiên hay cuộc chiến thương mại với Trung Quốc - những chủ đề “nóng” mà cả thế giới đặc biệt quan tâm.

Xuyên suốt bài phát biểu này, chính sách "Nước Mỹ trước tiên" một lần nữa được ông Trump đề cao như một thông điệp mạnh mẽ gửi tới các nhà lãnh đạo thế giới.

Chính sách "Nước Mỹ trước tiên" được thể hiện rõ nét qua những lập luận của Tổng thống Trump về hàng loạt vấn đề như an ninh biên giới, thương mại và toàn cầu hóa.

Đó là sự chỉ trích chính sách mở cửa tự do cho người nhập cư làm suy yếu an ninh biên giới quốc gia và khẳng định mọi quốc gia trên thế giới có "quyền tuyệt đối" để bảo vệ đường biên giới của mình; là tham vọng cải tổ hệ thống thương mại quốc tế với lý do một số quốc gia đã lợi dụng hệ thống thương mại hiện nay để "đánh cắp" việc làm của người dân Mỹ; là mong muốn hoàn tất các thỏa thuận thương mại mới với Anh, Nhật Bản, Trung Quốc một cách công bằng và các bên đều có lợi.

["Sự ra đi" của John Bolton có làm đảo lộn chính sách của Mỹ?]

Bốn ngày sau khi các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc tiến hành các cuộc thương lượng không mang lại kết quả, những phát biểu của ông Trump không cho thấy sự hòa giải mà còn nhấn mạnh sự cần thiết phải điều chỉnh những lạm dụng cấu trúc kinh tế trong cuộc chiến thương mại kéo dài 15 tháng qua giữa hai nước.

Mặc dù Tổng thống Trump hy vọng Mỹ và Trung Quốc vẫn có thể đạt được một thỏa thuận thương mại, song ông cũng nói rõ rằng ông muốn thỏa thuận đó phải cân bằng lại mối quan hệ giữa hai siêu cường kinh tế.

Ông khẳng định: “Người dân Mỹ tuyệt đối cam kết khôi phục lại sự cân bằng trong mối quan hệ với Trung Quốc. Hy vọng chúng tôi có thể đạt được một thỏa thuận có lợi cho cả hai nước. Như tôi đã nói rất rõ ràng rằng tôi sẽ không chấp nhận một thỏa thuận tồi.”

Tổng thống Trump gần đây cũng cho biết ông không quan tâm đến một “thỏa thuận từng phần” để giảm bớt căng thẳng với Trung Quốc, và rằng ông chỉ muốn một “thỏa thuận hoàn chỉnh.”

Bên cạnh đó, việc bác bỏ toàn cầu hóa và chủ trương ưu tiên lợi ích quốc gia được xem là “kim chỉ nam” cho chính sách điều hành đất nước của Tổng thống Trump và chủ nghĩa đa phương hóa không nằm trong "từ điển" của ông.

Hàng hóa chờ bốc dỡ tại Cảng Long Beach, California, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sau gần 3 năm nắm giữ cương vị điều hành nước Mỹ, những phát biểu thể hiện quan điểm phản đối toàn cầu hóa của ông Trump không còn mới mẻ bởi lập trường này đã được thể hiện rõ nét qua chính sách đối nội và đối ngoại mà ông theo đuổi suốt thời gian qua.

Dù quan điểm này không khiến các nhà lãnh đạo các nước ngạc nhiên, song nó lại thể hiện rõ vị trí "ngoài cuộc" mà nước Mỹ thể hiện ngay tại Liên hợp quốc.

Lập trường bác bỏ toàn cầu hóa mà ông Trump nhấn mạnh dường như là một "lằn ranh đỏ" ngăn cách giữa một bên là nước Mỹ với chủ nghĩa dân tộc trên hết và bên còn lại là những quốc gia thúc đẩy chủ nghĩa đa phương.

Trong khi Liên hợp quốc luôn kêu gọi các quốc gia cần cùng nhau hợp tác để giải quyết những thách thức như xung đột vũ trang, bất bình đẳng xã hội và mối đe dọa của tình trạng biến đổi khí hậu… quan điểm của Tổng thống Trump vẫn luôn là bản thân mỗi nước phải tự giải quyết những vấn đề của riêng mình.

Nhà lãnh đạo Mỹ đã công kích các tổ chức quốc tế, từ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vì đã cho Trung Quốc hưởng các ưu đãi đối với một quốc gia đang phát triển bất kể quy mô kinh tế của nước này, cho tới Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vì thiếu công bằng khi các thành viên đã không đóng góp đủ ngân sách quốc phòng...

Bài phát biểu của nhà lãnh đạo Mỹ cũng đề cập tới loạt hồ sơ “nóng” như vấn đề hạt nhân Iran và Triều Tiên.

Ông nhấn mạnh Mỹ đã áp đặt mức trừng phạt cao nhất đối với Iran và nếu Tehran tiếp tục có các hành động đe dọa, Washington cũng sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt.

Dù thực tế cho thấy Mỹ vẫn bảo lưu quan điểm cứng rắn với Iran, song ông chủ Nhà Trắng cũng thể hiện sự sẵn sàng đối thoại khi nói rằng không loại trừ khả năng sẽ gặp người đồng cấp Iran Hassan Rouhani bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần này.

Điều đó cho thấy ông vẫn chủ trương theo đuổi giải pháp hòa bình, khiến dư luận không từ bỏ hy vọng về một cơ hội ngoại giao nhằm tháo gỡ tình trạng bế tắc hiện nay trong quan hệ giữa hai nước.

Chủ trương thúc đẩy đối thoại cũng là quan điểm mà nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh khi đề cập tới hồ sơ Triều Tiên dù tiến trình đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng thời gian qua vẫn chưa có những tiến triển đáng kể.

Giới quan sát nhận định với bài phát biểu lần này tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Trump dường như muốn tận dụng diễn đàn để khẳng định lại chính sách của ông trong bối cảnh ông đang tìm kiếm nhiệm kỳ tổng thống thứ hai.

Tại lần xuất hiện đầu tiên trước Đại hội đồng Liên hợp quốc vào mùa Thu năm 2017 khi mới nhậm chức, ông cũng đã tận dụng cơ hội để khẳng định quyết tâm thực hiện chủ trương "Nước Mỹ trước tiên" cả trong đối nội lẫn đối ngoại.

Lần thứ hai đến với Liên hợp quốc hồi năm ngoái, ông đã tìm cách tạo thuận lợi cho cuộc vận động tranh cử của đảng Cộng hòa hướng tới cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tại Mỹ.

Và tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay, những quan điểm và chủ trương mà ông đề cập với trọng tâm xoay quanh chính sách "Nước Mỹ trước tiên" nhằm thể hiện hình ảnh một nhà lãnh đạo luôn giữ vững cam kết và gặt hái được nhiều thành tựu trong thời gian ngắn khi ca ngợi các thành quả của nước Mỹ kể từ khi ông lên nắm quyền từ đầu năm 2017.

Có thể kể tới các thành tựu như: lương và thu nhập của người lao động tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm kỷ lục, sức mạnh quân đội được tăng cường dựa trên chính sách tập trung vào tăng trưởng kinh tế...

Đây không chỉ là những thông điệp mà Tổng thống Trump muốn gửi đến các nhà lãnh đạo trên thế giới mà còn là những cam kết của ông với cử tri Mỹ.

Có thể nói bài phát biểu lần thứ ba trước Đại hội đồng Liên hợp quốc của Tổng thống Trump đã một lần nữa khẳng định chủ trương của ông chủ Nhà Trắng đưa nước Mỹ hướng nội nhiều hơn là mở cửa với thế giới bên ngoài.

Đây vẫn là những vấn đề cốt lõi trong chính sách "Nước Mỹ trước tiên" mà ông đã, đang và sẽ thúc đẩy trên cương vị người đứng đầu Xứ cờ hoa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục