Theo Reuters, đối với chính quyền Mỹ Donald Trump, chính sách “thống trị về năng lượng” đồng nghĩa với việc giảm sự phụ thuộc vào dầu nhập khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu để thúc đẩy kinh tế quốc gia cũng như ảnh hưởng chính trị của Mỹ ở ngoài nước.
Tuy nhiên, đối với nhiều đồng minh châu Âu của Mỹ, điều đó đồng nghĩa với sự can thiệp “không được hoan nghênh” vào thị trường của họ.
Chính quyền Trump đã tận dụng “sự bùng nổ khoan dầu” của Mỹ kéo dài một thập kỷ qua để theo đuổi một vài trong số các chính sách năng lượng cứng rắn nhất trong lịch sử Mỹ đối với các nước bên ngoài.
Đến nay, điều đó đồng nghĩa với các lệnh trừng phạt nhằm vào xuất khẩu dầu mỏ của Iran và Venezuela - hai nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng những lời đe dọa nhằm vào các công ty giúp Nga xây dựng đường ống dẫn khí tự nhiên vào châu Âu.
Để lấp đầy sự thiếu hụt nguồn cung, Washington đang thúc đẩy làn sóng xuất khẩu dầu thô và khí tự nhiên của Mỹ. Chính quyền Trump gọi các động thái này là một phương cách để đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại, đi kèm lợi ích giúp đỡ các nhà sản xuất năng lượng Mỹ mở rộng thị trường của họ và giúp các đồng minh của Mỹ đa dạng hóa nguồn cung.
Tuy nhiên, Washington đã khiến nhiều nhà ngoại giao và công ty năng lượng châu Âu nổi giận, những người không hài lòng về ảnh hưởng toàn cầu đang gia tăng của Mỹ và coi chính sách của Washington là cách để mang lại lợi thế cho các nhà sản xuất của Mỹ, theo quan điểm của các nhà ngoại giao, giám đốc điều hành và giới phân tích.
Bất đồng ngày một gia tăng về vấn đề năng lượng đang ảnh hưởng tới mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, vốn đã rất căng thẳng bởi những tranh cãi về nguồn tài trợ cho NATO, thương mại, biến đổi khí hậu và những sai lầm ngoại giao hớ hênh.
[Sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Mỹ trong thế giới dầu mỏ]
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels tháng trước, Pierre Moscovici - Ủy viên EU phụ trách kinh tế - nói: “Chúng tôi coi trọng quan hệ với các đối tác, đồng minh và bạn bè Mỹ. Tuy nhiên... họ cũng nên kiềm chế tiến hành hành động đơn phương.”
Mỹ đã trở thành nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới và đang trên đà trở thành nhà xuất khẩu khí tự nhiên lớn thứ ba thế giới, nhờ vào “sự bùng nổ khoan dầu” mà chính quyền Trump đã tìm cách thúc đẩy qua việc nới lỏng các quy định về môi trường.
Tim Boersma, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc đại học Columbia, nói: “Chính sách ‘Nước Mỹ trước tiên’ đang chuyển thành chủ trương thúc đẩy bán dầu và khí đốt trên khắp thế giới.”
Quyết định năm ngoái của Trump về việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã vấp phải sự phản đối của các nhà lãnh đạo châu Âu và không nhận được sự chấp thuận của các công ty năng lượng ở lục địa này.
Các công ty này đang đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ, bao gồm việc bị loại khỏi hệ thống tài chính của Mỹ. Đức, Pháp và Anh kể từ đó đã tiến hành các biện pháp chống lại Washington, bao gồm việc lập ra một cơ chế thương mại trao đổi hàng hóa với tên gọi INSTEX mà sẽ cho phép Iran giao dịch bên ngoài hệ thống tài chính Mỹ và né tránh các lệnh trừng phạt.
Châu Âu hy vọng sử dụng INSTEX để cho phép Iran trao đổi dầu và khí đốt hoặc các mặt hàng khác để đổi lấy thuốc, lương thực hoặc viện trợ nhân đạo từ EU.
Sanjay Mullick, luật sư tại Kirkland & Ellis LLP, nói: “Họ có chủ quyền và sự tự trọng. Họ đang tìm cách nói rằng chúng tôi sẽ cứu vãn thỏa thuận hạt nhân và tạo ra một cơ chế; và chúng tôi không muốn bị chỉ đạo một cách đơn phương.”
Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu và các trung tâm giao dịch ở Anh và Thụy Sĩ đang nhận được những lời cảnh báo của các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ về việc giao thương với các nước bị áp đặt trừng phạt.
Tháng trước, Mark Saavedra, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách năng lượng, đã liên lạc với các trung tâm mua bán năng lượng châu Âu để đưa ra yêu cầu không trao đổi nguyên liệu dùng cho máy bay với Venezuela, một sản phẩm không được nêu cụ thể trong danh sách trừng phạt của Mỹ.
Ông Trump cũng lên tiếng chỉ trích các nước châu Âu vì hỗ trợ đường ống dẫn khí nhiều tỷ USD của Nga tới Đức mang tên Dòng chảy phương Bắc 2. Theo Trump, dự án này sẽ giúp Moskva có nhiều ảnh hưởng với nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Ông đe dọa áp đặt trừng phạt với các công ty hậu thuẫn dự án này. Điều này đã khiến một số nhà ngoại giao và công ty ở châu Âu nổi giận.
Rainer Seele, giám đốc điều hành công ty năng lượng OMV lớn nhất của Áo và là một trong năm công ty châu Âu tài trợ cho Dòng chảy phương Bắc 2, nói: “Sẽ là một thảm họa với châu Âu nếu họ từ bỏ Dòng chảy phương Bắc 2 trước sức ép của Mỹ.”
Theo ông, khí đốt của Nga vận chuyển qua đường ống này sẽ rẻ hơn khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ, và sức ép của Mỹ đang đe dọa đến “sự độc lập và an ninh nguồn cung năng lượng của châu Âu”./.