Thị trường tài chính, hàng hóa chiến lược quốc tế đầu tháng Sáu vẫn thể hiện xu hướng biến động mạnh.
Theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), chỉ số giá lương thực trong tháng 5/2021 đã tăng 40% so với cùng kỳ năm 2020. Tình trạng này có liên quan rất lớn đến chính sách bơm tiền mạnh tay của Mỹ.
Từ tháng 2/2020 đến tháng 3/2021, quy mô các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ Mỹ lên đến 5.000 tỷ USD. Đến ngày 29/5, Nhà Trắng lại trình Quốc hội bản dự toán ngân sách lên đến 6.000 tỷ USD.
Trong bối cảnh như vậy, cộng thêm lợi tức trái phiếu Mỹ cũng tăng sau tháng 3/2021, hành động “thu hoạch” trên khắp thế giới của Washington dựa vào hệ thống đồng USD cũng bắt đầu diễn ra.
Đối với vấn đề này, toàn cầu đã có 53 nước bao gồm Trung Quốc, Nga, Đức, Pháp nỗ lực tìm cách “phi USD hóa,” nghĩa là chuyển tài sản USD thành các tài sản thay thế khác. Điều này được thể hiện rõ nhất qua hai quyết định có liên quan của Nga trong ngày 3/6.
Ngày 3/6, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố nước này có thể từ bỏ thanh toán đồng USD trong giao dịch dầu mỏ. Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov tuyên bố Nga quyết định bán toàn bộ 35% tài sản USD trong Quỹ tài sản chủ quyền quốc gia có quy mô 186 tỷ USD, chuyển sang đầu tư các tài sản định giá bằng euro, nhân dân tệ (NDT) và kim loại quý.
Lần bán tháo này chủ yếu được thông qua Ngân hàng trung ương và Quỹ dự trữ ngoại hối của Nga, có mức độ minh bạch tương đối thấp, nên ảnh hưởng gây ra đối với thị trường khá hạn chế.
Tuy nhiên, động thái này đã trở thành biểu tượng trực tiếp của việc “Nga loại bỏ đồng USD” và dẫn đến sự biến động của các tài sản trú ẩn rủi ro trong ngày 7/6, bao gồm vàng.
Việc Nga bán tháo tài sản USD không phải là điều bất ngờ. Những năm gần đây, cường độ trừng phạt của Mỹ và châu Âu đối với Nga liên tục gia tăng, và Ngân hàng trung ương Nga (BoR) luôn muốn giảm tỷ lệ nắm giữ tài sản USD trong những năm qua.
[Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự báo sẽ duy trì chính sách lãi suất thấp]
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ có cuộc gặp vào ngày 16/6 sắp tới. Điều này khiến cho bất cứ động thái nào của Nga cũng có thể được coi là một nước cờ ngoài dự kiến.
Đối diện suy thoái kinh tế do dịch bệnh, động thái chính sách các nước là khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung, việc tìm cách tránh những ràng buộc do hệ thống USD mang lại đã trở thành lựa chọn của rất nhiều nước, bao gồm Trung Quốc.
Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tính đến quý 4 năm 2020, tỷ lệ USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm xuống 59,02%, ghi dấu quý sụt giảm thứ ba liên tiếp và là mức thấp nhất trong 25 năm qua, giảm gần 15% từ mức 73% vào thời điểm cao nhất của năm 2001.
Tuy nhiên, ý định này vẫn còn nhiều hạn chế. Dưới các chính sách kép của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), bao gồm hạ lãi suất cơ bản và mua trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, phát hành tiền cơ sở, Mỹ đã bơm thanh khoản vào nền kinh tế đang rơi vào suy thoái do tác động của dịch bệnh.
Động thái này được gọi một cách phổ thông là “xả lũ,” “in tiền.” Đây cũng là mấu chốt của việc Fed muốn thực hiện các chương trình nới lỏng định lượng (QE) không giới hạn, tăng cường bơm thanh khoản.
Tỷ lệ nợ của Mỹ do các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Saudi Arabia… nắm giữ với số lượng lớn. Trong khi đó, quỹ dưỡng lão và bảo hiểm hưu trí cũng chiếm từ 50-60% tỷ trọng này, buộc Fed phải tiếp tục cho vay nếu muốn có QE không giới hạn và tăng cường bơm thanh khoản.
Cùng với việc Fed xác lập chính sách mới vào tháng Tư và tháng Năm, ngân hàng trung ương các nước có thể thế chấp trái phiếu Chính phủ Mỹ để nhận các khoản vay bằng USD từ Fed, điều này không những giúp Mỹ thông qua việc tăng cường phát hành nợ để nâng cao tính thanh khoản, mà còn cho thấy ý đồ tìm cách trở thành nhà cho vay USD toàn cầu sau cùng của Fed.
Nợ phát hành thêm sẽ trở thành thuế tài chính tăng thêm của Mỹ đối với thế giới. Trái phiếu do Mỹ phát hành cũng có thể tương ứng với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn thế giới. Hơn nữa, động thái này cũng phơi bày đầy đủ những thao tác “thu hoạch” toàn cầu của Mỹ trong giai đoạn dịch bệnh.
Hiện nay, ảnh hưởng “thu hoạch” toàn cầu của Mỹ đã lan sang các thị trường mới nổi. Đối với Trung Quốc, dường như nước này chỉ có hai lựa chọn.
Một là, phát hành đồng NDT chủ yếu thực hiện theo phương thức trái phiếu Chính phủ Trung Quốc. Hai là, sử dụng NDT để giao dịch hàng hóa chiến lược hoặc hàng hóa thiết yếu, đồng thời tìm cách sử dụng các loại tiền tệ khác để mua hàng hóa vật tư quan trọng như dầu mỏ, trên cơ sở đó thúc đẩy tích cực tiến trình quốc tế hóa đồng NDT.
Có phân tích cho rằng do đồng USD mất giá nên xu thế tiếp tục đi lên của tỷ giá NDT/USD đang “thai nghén.” Số liệu từ năm 2019 đến 2020 cho thấy khoảng cách chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Trung Quốc khó bù đắp trong thời gian ngắn, điều này đã cung cấp động lực cho xu hướng tăng dài hạn của tỷ giá NDT so với USD.
Tính đến năm 2021, trong dự trữ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu chỉ có khoảng 2% là đồng NDT. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích của Morgan Stanley dự tính tỷ trọng này có thể sẽ tăng lên 10% vào năm 2030.
Trung Quốc vẫn luôn khuyến khích sử dụng hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới bằng nhân dân tệ (CIPS) để thay thế cho Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT).
Trong giai đoạn hiện nay, mặc dù đồng NDT chưa thể thay thế đồng USD để cung cấp thanh khoản cho dòng vốn đầu tư thế giới, song Bắc Kinh vẫn có thể nghĩ cách để hỗ trợ các nước mua hàng hóa do Trung Quốc sản xuất, cũng như mua tài nguyên nhằm giảm bớt sự phục thuộc vào đồng USD, từ đó giảm nhu cầu đối với tính thanh khoản của đồng USD để tránh đợt “thu hoạch” mới nhất của Mỹ./.