Chính sách kinh tế mới phiên bản Hàn Quốc có thực sự mới?

Đánh giá của báo chí sở tại cho thấy, KND là dự án toàn diện của chính quyền ông Moon Jae-in nhằm khai thác các ngành công nghiệp mới, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội
Người dân làm việc trên đường phố tại Busan, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi giữa tháng Bảy đã công bố kế hoạch tổng hợp về Chính sách kinh tế mới phiên bản Hàn Quốc (KND), trong đó nhấn mạnh đến việc sẽ đầu tư 160.000 tỷ won (khoảng 133,1 tỷ USD) tới năm 2025, đồng thời tạo ra thêm 1,9 triệu việc làm mới.

Kế hoạch này được kỳ vọng sẽ là động lực mới để thúc đẩy nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Nét đặc trưng của KND

Phóng viên TTXVN tại Seoul tổng hợp đánh giá của báo chí sở tại cho thấy, KND là dự án toàn diện của chính quyền ông Moon Jae-in nhằm khai thác các ngành công nghiệp mới, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội (tương tự Chính sách Kinh tế mới của Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Franklin D. Roosevelt những năm 1930 để đối phó với cuộc Đại suy thoái).

Mặc dù Hàn Quốc từ trước đến nay luôn đi theo các nền kinh tế lớn trên thế giới song mô hình kinh tế tập trung vào ngành công nghiệp sản xuất đã đạt đỉnh.

Do tác động ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng tương tự thời kỳ Đại suy thoái và Hàn Quốc cũng không phải là một ngoại lệ. Trong bối cảnh đó, tình hình suy thoái có thể còn nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn do cả cung và cầu đều bị thu hẹp. 

[Hàn Quốc ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất kể từ năm 1998]

Trong bối cảnh này, các quốc gia sẽ đầu tư mạnh vào các động cơ tăng trưởng cho tương lai. Chính vì vậy, Hàn Quốc cần nuôi dưỡng các ngành công nghiệp mới, thay đổi mô hình kinh tế... để lấy lại tốc độ tăng trưởng kinh tế vốn đang suy giảm mạnh. Để đạt mục tiêu đó, chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đã đưa ra kế hoạch tổng hợp về KND. 

Trả lời phỏng vấn Đài KBS (Hàn Quốc), chuyên gia Lee In-chul đến từ Viện nghiên cứu Kinh tế Chamjoeun nhận định: "Hướng tới các động lực tăng trưởng sinh lợi cho Hàn Quốc trong 100 năm tới, Seoul đã công bố "Chính sách kinh tế số mới " (DND) và "Chính sách kinh tế mới xanh" (GND).

Với DND, Seoul sẽ tập trung vào các công nghệ nền tảng của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư trong kỷ nguyên hậu COVID-19, thúc đẩy các ngành công nghiệp liên quan đến dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghiệp số không tiếp xúc. Đây là những lĩnh vực có thể biến Hàn Quốc từ một nền kinh tế "rượt đuổi" trở thành nền kinh tế dẫn đầu. 

Trong khi đó, GND sẽ biến nền kinh tế dựa vào nguyên liệu hóa thạch sang nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Nền tảng hạ tầng của thành phố sẽ có thể tự cung cấp năng lượng.

Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng thúc đẩy các mô hình xanh như trường học thông minh và các công nghệ giao thông tương lai thân thiện môi trường như: xe điện, xe chạy nhiên liệu hydro...

Đồng thời, để nâng cao hiệu quả quản lý, chính phủ cũng sẽ xây dựng mạng lưới điện thông minh và coi đây là một trong những dự án trọng điểm quốc gia.

Vấn đề việc làm

Cũng theo chuyên gia Lee In-chul, KND được xây dựng dựa trên hai trục chính là DND và GND với 10 dự án trọng điểm, tiêu biểu là dự án xây dựng "Đập dữ liệu" (data dam), cho phép người dân truy cập 140.000 loại dữ liệu công khai của nhà nước.

Một số dự án khác là ra mắt chính phủ điện tử thông minh dựa trên công nghệ mạng di động thế hệ thứ 5 (5G) và công nghệ AI, hạ tầng y tế thông minh và năng lượng tái tạo. 

Tuy nhiên, mặt trái của những nỗ lực này là công nghệ AI có thể lấy đi việc làm của người lao động, phân hóa và gây ra bất bình đẳng trong xã hội. Tình trạng bất bình đẳng thường có xu hướng trầm trọng hơn trong thời kỳ xảy ra khủng hoảng.

Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang khiến số lượng việc làm sụt giảm, trở thành một vấn đề xã hội nghiêm trọng, trong đó bất bình đẳng việc làm có thể khiến xã hội trong tương lai trở nên tồi tệ hơn.

Ngoài ra, kế hoạch mới của Chính phủ Hàn Quốc cũng bao gồm tăng cường mạng lưới an sinh xã hội và giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng về việc làm. 

Chính phủ Hàn Quốc sẽ mở rộng phạm vi áp dụng bảo hiểm tuyển dụng cho lao động tự do hay thuộc nhóm ngành nghề đặc biệt.

Đối với mạng lưới an toàn xã hội, chính phủ sẽ xúc tiến nghiên cứu để chi trả thí điểm trợ cấp thương tật cho những người bị thương khi đang làm việc hoặc ốm vào năm 2022, mở rộng quy mô hỗ trợ phúc lợi khẩn cấp, được kỳ vọng sẽ chi 25 tỷ USD và tạo thêm 339.000 việc làm.  

Chuyên gia Lee In-chul nhấn mạnh rằng "Ba tầm nhìn lớn đằng sau kế hoạch tổng hợp của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in (chuyển đổi từ nền kinh tế "rượt đuổi" các quốc gia lớn thành nền kinh tế dẫn đầu, từ nền kinh tế phụ thuộc vào carbon thành nền kinh tế ít phát thải và từ xã hội bất bình đẳng thành xã hội bao trùm), nếu được hiện thực hóa, Hàn Quốc sẽ thực sự sẽ lột xác." 

Nói cách khác, nếu KND được thực hiện, 40% các doanh nghiệp của Hàn Quốc sẽ áp dụng hệ thống làm việc tại nhà và sẽ có khoảng 1,33 triệu xe điện cũng như xe sử dụng nhiên liệu hydro chạy trên đường phố; các cơ sở công cộng cũng sẽ tiết kiệm được năng lượng.

Ngoài ra, "KND sẽ giúp loại bỏ nỗi lo thất nghiệp và các điểm mù trong hệ thống bảo hiểm tuyển dụng."

Dự kiến số người tham gia bảo hiểm tuyển dụng sẽ lên tới 21 triệu người vào năm 2025 thay vì 13 triệu người như hiện nay. Khi đó, mạng Internet cũng sẽ được phủ sóng tất cả các vùng nông thôn và 70% người trên 70 tuổi có thể sử dụng Internet qua thiết bị di động.

Đâu là thách thức?

Chuyên gia Lee In-chul nhận định rằng "Nếu KND trở thành hiện thực tới năm 2025 người dân Hàn Quốc chỉ cần ở nhà cũng có thể truy cập các nguồn tài liệu, lên lớp, sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hay tận hưởng các thú vui như dự triển lãm, thăm quan, du lịch... thông qua máy tính. Máy móc sẽ đảm nhận nhiệm vụ di chuyển trên đường, giúp hạn chế các vụ tai nạn do tàu trật đường ray. Các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường như xe điện và xe chạy bằng hydro sẽ xuất hiện nhiều trên đường phố và Hàn Quốc có thể chủ động đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu."

Bên cạnh đó, hy vọng tạo thêm 1,9 triệu việc làm trong giai đoạn này của Hàn Quốc cũng sẽ trở thành hiện thực. Đây sẽ là sự phát triển hết sức tích cực trong bối cảnh 400.000 việc làm đã "biến mất" do tăng trưởng thấp và tác động ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. 

Tuy nhiên, theo chuyên gia Lee In-chul hiện "vẫn còn những lo ngại về kế hoạch của chính quyền ông Moon Jae-in."

Trước hết, nhiều người chỉ ra rằng sáng kiến này không thực sự có nhiều điểm mới, đồng thời đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả.

Thứ hai, khó có thể đảm bảo kế hoạch dài hạn được thực hiện theo lộ trình sau tháng 5/2022, thời điểm Tổng thống Moon Jae-in kết thúc nhiệm kỳ.

Thứ ba, kế hoạch của chính phủ đòi hòi khoản ngân sách lớn (với phương án ngân sách tăng gấp đôi so với con số 63 tỷ USD ban đầu), làm gia tăng lo ngại về "tính lành mạnh tài chính" trong khi không có giải thích cụ thể về cách thức huy động nguồn ngân sách cần thiết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục