Chính sách kiểm soát thuốc lá mới tại ASEAN: Thực tiễn và triển vọng

Từ thực tiễn quốc tế, việc quản lý thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử cho thấy chính sách hợp pháp hóa các sản phẩm này không làm suy giảm nỗ lực kiểm soát thuốc lá quốc gia.

thuoc la moi 1.jpg
Họp báo công bố ba đề xuất chính sách quản lý thuốc lá mới tại Quốc hội Thái Lan ngày 13/6/2024. (Nguồn: https://web.parliament.go.th)

Đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức chống thuốc lá vẫn khuyến nghị nên kiểm soát chặt, thậm chí cấm thuốc lá mới như thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử và các sản phẩm không khói khác. Khuyến nghị này nhằm ngăn chặn giới trẻ trở thành thế hệ nghiện nicotine mới.

Tuy nhiên, điều này đang được cho là giới hạn cơ hội phát triển năng lực kiểm soát thuốc lá mới của các quốc gia đang phát triển, làm chậm tiến trình giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu.

Hầu hết các nước tiên tiến như Anh, Mỹ, New Zealand… hiện đã hợp pháp hóa các sản phẩm này, xác định thuốc lá không khói giúp giảm tác hại của thuốc lá.

Kinh nghiệm từ chính sách quản lý thuốc lá của Phillipines

Philippines là một quốc gia ASEAN có điều kiện kinh tế, xã hội tương đồng với Việt Nam, với tỷ lệ người hút thuốc tương tự, khoảng 16-17 triệu.

Như nhiều nước khác, Philippines cũng trải qua các giai đoạn can thiệp chính sách từ các tổ chức chống thuốc lá, phản biện chính sách giữa các bộ ngành. Nhưng sau cùng, chính phủ nước này vẫn quyết định quản lý mọi loại thuốc lá, kể cả thuốc lá mới.

Năm 2017, Ủy ban Liên tịch về Y tế, Thương mại và Công nghiệp của Hạ viện Philippines thông qua nghị quyết HR 973 kêu gọi Bộ Y tế nước này áp dụng các biện pháp giảm tác hại thông qua thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử và các sản phẩm không khói khác.

Cuối năm 2019, sau chất vấn, đại diện WHO, Tiến sỹ Ranti Fayokun đồng ý rằng thuốc lá điện tử và các sản phẩm không khói khác ít tác hại hơn so với thuốc lá điếu. Trước đó, cựu Tổng thống Duterte dự định sẽ cấm và bắt giam người sử dụng thuốc lá điện tử.

Năm 2021, điều tra liên bang cho thấy cơ quan y tế Philippines đã nhận tài trợ hàng trăm nghìn USD từ Quỹ từ thiện Bloomberg nhằm vận động hành lang các nhà lập pháp.

Các văn bản luật do quỹ từ thiện này biên soạn đều đề xuất cấm hoặc hạn chế kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng vì cho rằng mức độ độc hại tương tự thuốc lá điếu.

thuoc la_2.png

Lập luận này trái ngược những kết quả nghiên cứu độc lập công nhận tiềm năng giảm tác hại của thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử từ các nước như Anh, Mỹ, Đức, Nhật, New Zealand…

Năm 2022, Philippines thông qua Đạo luật quản lý thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử và các sản phẩm không khói khác, cùng với điều luật chặt chẽ để ngăn chặn giới trẻ.

Theo pháp luật Philippines, thuốc lá làm nóng được phân loại là “thuốc lá không khói”, chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ bằng một nửa so với thuốc lá điếu. Chính sách này nhằm hỗ trợ người hút thuốc dễ tiếp cận thuốc lá làm nóng hơn để chuyển đổi sử dụng.

Tại một quốc gia ASEAN khác là Thái Lan, sau 10 năm áp dụng luật cấm thuốc lá điện tử không hiệu quả, Ủy ban Đặc biệt của Quốc hội (KMT) nước này cũng đang đề xuất hợp pháp hóa thuốc lá mới.

Chính sách kiểm soát thuốc lá tùy thuộc vào mục đích của mỗi quốc gia

Tại Hội nghị Các Quốc gia tham gia Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) lần thứ 10 (COP10) tháng 2/2024, WHO chưa đưa ra các biện pháp cấm thuốc lá mới.

Tại Điều 2.1 của Công ước này cũng nêu rõ các quốc gia có thể thực thi chính sách kiểm soát thuốc lá mới vượt ngoài khuyến nghị của FCTC nhằm đạt mục đích của mỗi quốc gia, trên cơ sở tôn trọng nhân quyền và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Về đề xuất cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng do đại diện WHO tại Việt Nam đưa ra, mới đây, tổ chức phi lợi nhuận Hiệp hội Người dùng Ủng hộ Giải pháp Thay thế Không khói thuốc CASAA đã lên tiếng phản biện khá gay gắt, cho rằng trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở người từ 15 tuổi trở lên tại Việt Nam đang ở mức 24,8% (2020) thì đề nghị cấm thuốc lá mới - vốn được chứng minh ít nguy cơ hơn thuốc lá điếu - là không hợp lý, có thể đem đến những bất lợi nghiêm trọng cho cộng đồng.

J7_H3.png
Thuốc lá điếu là sản phẩm gây hại nhất trong các loại thuốc lá. (Nguồn: GSTHR)

Trong vấn đề này cũng như nhiều vấn đề liên quan khác, với vai trò và trách nhiệm của mình, WHO đưa ra hướng dẫn để các quốc gia tự nguyện áp dụng.

Tại Phiên giải trình về trách nhiệm quản lý Nhà nước ngày 4/5, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị “cần có chính kiến về trách nhiệm Nhà nước đối với thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử.”

Đồng thời các kiến nghị chính sách phải trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bằng chứng khoa học thực tiễn.

Trên thế giới, FDA Mỹ, BfR Đức, Bộ Y tế Anh, Nhật Bản… đã thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học và đồng thuận về tiềm năng giảm tác hại của thuốc lá mới.

Cụ thể, theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Anh, chưa có bằng chứng cho thấy thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử gây ung thư. Trong khi đó, thuốc lá điếu đã được xác định là nguyên nhân của ít nhất 15 loại ung thư.

Từ thực tiễn quốc tế, việc quản lý thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử cho thấy chính sách hợp pháp hóa các sản phẩm này không làm suy giảm nỗ lực kiểm soát thuốc lá quốc gia. Theo đó, các cơ quan chức năng có thể tham khảo kinh nghiệm quốc tế và khu vực cho các quyết sách đối với thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử trong thời gian tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục