Chính sách hạ lãi suất “ám ảnh” ngân hàng trung ương các nước

Trước triển vọng ảm đạm của kinh tế toàn cầu, các ngân hàng trung ương trên thế giới liên tiếp nới lỏng chính sách tiền tệ, thậm chí hạ lãi suất âm, nhưng liệu đây có là giải pháp hữu hiệu?
Chính sách hạ lãi suất “ám ảnh” ngân hàng trung ương các nước ảnh 1Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt am Main, miền tây Đức ngày 21/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trước triển vọng ảm đạm của kinh tế toàn cầu, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã liên tiếp nới lỏng chính sách tiền tệ, thậm chí đưa lãi suất ngắn hạn vào vùng âm, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng hạ lãi suất không phải “chiếc chìa khóa” hữu hiệu mở ra cánh cửa tăng trưởng cho các nền kinh tế.

Làn sóng lãi suất âm

Chính sách lãi suất âm được đưa vào áp dụng lần đầu tiên tại Thụy Điển vào năm 2009. Sau đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ và gần đây Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng đã tiến hành áp dụng chính sách này.

Kể từ năm 2014, ECB đã áp dụng tỷ lệ lãi suất âm, để thúc đẩy đà phục hồi của kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Phản ứng với tình trạng bất ổn của khu vực tài chính thế giới thời gian gần đây, ECB đã đề cập đến khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất trong cuộc họp các thống đốc vào tháng 3/2016 (hiện lãi suất tiền gửi của các ngân hàng tại ECB đã là âm 0,3%).

Trong tuyên bố mới đây, Ngân hàng quốc gia Thụy Sỹ (SNB) cũng quyết định không thay đổi lãi suất cơ bản ở mức âm 0,75% đối với tiền gửi tiết kiệm thông thường và các khoản tiền gửi của các ngân hàng tại SNB.

Theo ngân hàng này, mức lãi suất như vậy và sự khác biệt giữa lãi suất với các đồng tiền khác sẽ giúp làm suy yếu đồng franc. Andreas Ruhlmann, nhà phân tích thị trường tại công ty môi giới IG Switzerland, đánh giá kinh tế Thụy Sỹ đang rơi vào suy giảm và một đồng franc yếu sẽ là sự hỗ trợ cần thiết.

Cùng chung xu hướng, cuối tháng 1/2016, BoJ đã thông báo sẽ áp dụng mức lãi suất âm 0,1% đối với một phần các khoản tiền của các định chế tài chính gửi tại ngân hàng trung ương, trong nỗ lực thúc đẩy hoạt động cho vay và khuyến khích doanh nghiệp cũng như người dân tăng cường chi tiêu và đầu tư.

Ngày 16/2, BoJ chính thức thực thi chính sách lãi suất âm, nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang đối mặt với mối nguy giảm phát và tăng trưởng sa sút. Văn phòng Nội các Nhật Bản trước đó đã công bố báo cáo cho hay kinh tế nước này trong quý cuối cùng của năm 2015 suy giảm 1,4%, so với cùng kỳ năm 2014.

Lãi suất âm liệu có hiệu quả?

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc áp dụng tỷ lệ lãi suất kể trên sẽ dẫn tới hậu quả tiêu cực. Theo Bloomberg, sau khi áp dụng lãi suất âm, giá nhà tại Thụy Điển đã tăng vọt và làm tăng mối lo về nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản tại nước này.

Tại châu Âu, hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế do ECB tiến hành vẫn thấp khi khi nhịp độ tăng trưởng và lạm phát không đạt như kỳ vọng. Các chuyên gia nhận định để đạt được kết quả rõ rệt trong tiến trình phục hồi nền kinh tế, các nước thành viên Eurozone không nên phụ thuộc quá nhiều vào ECB, mà nên tập trung hơn vào cải cách cơ cấu và kích thích tài chính, kinh tế.

Thách thức đối với các ngân hàng trung ương trên toàn cầu là khả năng can thiệp và "dư địa" của các ngân hàng này không còn nhiều bởi đa số các nước phát triển đã trong một môi trường lãi suất 0%. Tính hiệu quả của các chương trình nới lỏng định lượng cũng giảm, trong khi tỷ lệ lãi suất âm tạo ra rủi ro đối với sự ổn định tài chính.

Ngoài ra, chính sách nới lỏng định lượng không giải quyết được vấn đề của tình trạng nợ quá cao, vốn là nguyên nhân ngăn cản đà tăng trưởng và gây ra vấn đề đối với lạm phát.

Xu hướng hạ lãi suất chưa dừng

Theo giới phân tích, sự biến động mạnh của các thị trường tài chính và mối lo ngại Trung Quốc có thể phá giá tiếp đồng NDT sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm hoãn việc tăng lãi suất và buộc các ngân hàng trung ương khác tiếp tục điều chỉnh hạ lãi suất trong thời gian tới.

Trong phiên điều trần trước trước Ủy ban Tài chính thuộc Hạ viện Mỹ mới đây, Chủ tịch Fed Janet Yellen thừa nhận bức tranh kinh tế kém hơn và cho rằng còn quá sớm để nói về việc những rủi ro mới có nghiêm trọng đến mức làm thay đổi chính sách lãi suất của Fed (Ngân hàng trung ương Mỹ) hay không.

Bà cho biết Fed không có một lộ trình nâng lãi suất định sẵn và tại cuộc họp vào ngày 15-16/3 sẽ đánh giá xem những diễn biến gần đây có làm chậm tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ và có ngăn cản việc đạt mục tiêu lạm phát 2% hay không.

Trong khi đó, tại châu Âu, dư luận trên thị trường tiền tệ dự báo lãi suất của ECB sẽ giảm xuống âm 0,5% trong năm nay. Theo biên bản cuộc họp hồi tháng Một của Ngân hàng Trung ương châu Âu vừa được công bố ngày 18/2, ngân hàng này muốn phát đi tín hiệu sẵn sàng tung ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế mới.

Tại Hàn Quốc, trong tháng 2/2016, những đồn đoán về khả năng nước này tiếp tục hạ lãi suất đã khiến đồng won của nước này rơi xuống mức thấp nhất trong gần sáu năm.

Ngày 16/2, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 1,5% (đã duy trì trong 8 tháng liên tục), song nhiều chuyên gia cho rằng có thể BoK sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng Ba hoặc tháng Tư tới.

Tại Canada, trong tuyên bố hồi tháng 12/2015, Thống đốc Ngân hàng trung ương Canada Stephen Poloz cho biết về lý thuyết, nước này có thể áp dụng mức lãi suất âm theo cách các nước khác từng làm.

Ông nhấn mạnh việc đưa lãi suất chuẩn về mức dưới 0 là một trong những chính sách tiền tệ có thể được cân nhắc áp dụng khi cần thiết, theo đó, nếu cần, Ngân hàng trung ương Canada có thể sẽ đưa lãi suất về tận -0,5%.

Tuy nhiên, hiện ngân hàng vẫn chưa có ý định áp dụng quy định này do nền kinh tế đang phục hồi theo dự kiến và cũng không muốn áp dụng chính sách tiền tệ bất thường đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục