Chính sách đối ngoại theo chiều hướng quân sự hóa của Thổ Nhĩ Kỳ

Chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ từng dựa vào trạng thái phòng thủ trong quá khứ, song trong bối cảnh hiện tại nó đã xoay chiều theo hướng “gây hấn”, đẩy quốc gia này vào tình thế cực kỳ rủi ro.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: AFP)

Mạng tin Al-Monitor mới đây đăng bài phân tích về chính sách đối ngoại theo chiều hướng quân sự hóa đáng báo động của Thổ Nhĩ Kỳ, nội dung như sau:

Đầu tháng 9/2020, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ liên tục gióng lên những hồi “trống trận” trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Hy Lạp liên quan tới những tranh chấp hàng hải và thăm dò khí đốt ở Đông Địa Trung Hải.

Đặc biệt, các phương tiện truyền thông thân chính phủ đã phát đi những bài bình luận về sức mạnh quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vượt trội như thế nào so với Hy Lạp và cách Ankara có thể dễ dàng giành chiến thắng trong một cuộc chiến tiềm tàng với nước láng giềng.

Giờ đây, các nhà bình luận ủng hộ chính phủ và các tướng lĩnh đã nghỉ hưu lại lên tiếng ca ngợi những thành tích ngoại giao và đối thoại của Ankara, trong khi xoa dịu những tiếng nói kích động căng thẳng và chiến tranh.

Sự thay đổi đột ngột như vậy đối với các vấn đề lợi ích quốc gia quan trọng đã trở nên thường xuyên ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nắm quyền lực hành pháp “tối cao” vào năm 2018, điều này cho thấy chính sách đối ngoại của Ankara đã rơi vào “bẫy” của chủ nghĩa ngắn hạn và ngày càng trở nên khó đoán.

Hơn nữa, hầu hết các nhân vật ở Ankara đều cảm thấy họ có quyền phát biểu về các vấn đề chính sách đối ngoại. Người phát ngôn của Tổng thống cũng như các Bộ trưởng Quốc phòng, Kinh tế, Năng lượng và thậm chí cả Bộ Nội vụ sẵn sàng đưa ra bình luận.

Những lời lẽ nhằm vào các đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ là điều rất phổ biến ở Ankara. Chính sách đối ngoại phô trương dường như đã trở thành một cách dễ dàng để các thành viên của Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền nâng cao lý lịch và thăng tiến sự nghiệp chính trị của họ, bởi lẽ con đường này thường không có rủi ro, song mang lại lợi ích lớn lao trên phương diện chủ nghĩa dân túy.

[EU đánh giá quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ trong bước ngoặt nhạy cảm]

Giữa những thay đổi thường xuyên và hỗn tạp của các thông điệp, chính sách đối ngoại ở Ankara ngày nay là một lĩnh vực không nhất quán và khó hiểu. Trong 2 năm qua, Tổng thống Erdogan đã nổi lên là nhân vật trung tâm trong bất kỳ động thái chính sách đối ngoại táo bạo nào, bao gồm chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Bắc Syria vào tháng 10/2019, thỏa thuận hàng hải với Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) vào tháng 11/2019 và nỗ lực khẳng định mình ở châu Phi và Đông Địa Trung Hải.

Nhưng khi nói đến các sự kiện khác như Washington trả đũa việc Ankara mua hệ thống phòng không của Nga, lá thư của Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi ông Erdogan về vấn đề Syria, vụ 36 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong một cuộc tấn công ở Idlib hay việc Hy Lạp quân sự hóa các đảo Aegean gần bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, thì không có nhân vật nào tại Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu trách nhiệm trước công chúng.

Nói tóm lại, các hoạt động đối ngoại đã trở thành một công cụ để củng cố hình ảnh của ông Erdogan, và kết quả là một chính sách đối ngoại mang tính cá nhân hóa cao.

Ví dụ, ngày 17/9, người phát ngôn của Tổng thống, ông Ibrahim Kalin cho rằng quyết định của Ankara rút một tàu nghiên cứu và thăm dò ra khỏi vùng biển tranh chấp ở Địa Trung Hải là nghĩa cử cá nhân của ông Erdogan đối với Hy Lạp. Ông Kalin nói: “Tổng thống của chúng tôi đã trao cơ hội ngoại giao một lần nữa. Hy vọng rằng phía Hy Lạp sẽ sử dụng nó như một cơ hội để thúc đẩy các cuộc đàm phán.”

Hậu quả nghiêm trọng đối với quan điểm chính sách đối ngoại của Erdogan, được phản ánh trong phong cách nóng nảy và phân cực của ông trong các vấn đề chính trị trong nước, là sự xói mòn của cơ chế ra quyết định và thực thi các vấn đề chính sách đối ngoại.

Rõ ràng, năng lực thể chế của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã bị hủy hoại nghiêm trọng và bị chính trị hóa quá mức.

Kể từ năm 2018, khoảng cách giữa mong muốn của Ankara và thực tế chính trị ngày càng mở rộng. Ankara đã theo đuổi giấc mơ “trò chơi gây rối” hơn là một chính sách đối ngoại dựa trên năng lực kinh tế và quân sự của mình.

Chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ từng dựa vào trạng thái phòng thủ trong quá khứ, song trong bối cảnh hiện tại nó đã xoay chiều theo hướng “gây hấn”, đẩy quốc gia này vào tình thế cực kỳ rủi ro.

Do thất bại trong việc phát triển một khuôn khổ chiến lược, hợp lý và thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở nên bị cô lập, và phải cố gắng bù đắp sự rủi ro của mình bằng chủ nghĩa quân sự xét lại.

Cho đến những năm 2010, Ankara chỉ sử dụng lực lượng quân sự hạn chế để quản lý một môi trường phức tạp, nhiều mối đe dọa. Ưu tiên chính của Thổ Nhĩ Kỳ khi đó là giải quyết cuộc xung đột trong nước kéo dài 4 thập kỷ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ngoài vòng pháp luật.

Chính sách ngoại giao và răn đe được sử dụng để cảnh cáo các đối thủ cạnh tranh ở Đông Địa Trung Hải. Tuy nhiên, điều này bắt đầu thay đổi vào mùa Hè năm 2018 khi Tổng thống Erdogan nắm quyền sâu rộng hơn dưới hệ thống hành pháp mới.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng các phương pháp cứng rắn bắt nguồn từ những biến đổi sâu sắc trong môi trường bên ngoài và động lực trong nước. Về bên ngoài, nhận thức về mối đe dọa của Ankara đã chuyển dịch về phía Đông và phía Nam, do rủi ro an ninh ngày càng tăng ở Đông Địa Trung Hải, Iraq, Bắc Phi và Syria, cũng như cạnh tranh chiến lược với Ai Cập, Nga, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và các cường quốc khác trong khu vực.

Ankara đặc biệt lo lắng trước sự thụ động của NATO ở sườn phía Nam trong cuộc khủng hoảng Syria, điều này đã góp phần tạo ra khoảng trống an ninh ở đó. Khi dựa vào Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (một chi nhánh của PKK ở Syria) để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), các cường quốc phương Tây đã phớt lờ hoặc bác bỏ những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, giới tinh hoa cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng khối an ninh phương Tây đã không hỗ trợ đầy đủ cho Ankara trong và sau nỗ lực đảo chính vào tháng 7/2016.

Một số yếu tố trong nước cũng thúc đẩy quá trình quân sự hóa trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ:

Thứ nhất, chính sách đối ngoại đã trở thành một kế hoạch quan trọng trong chương trình nghị sự chính trị của Ankara kể từ khi hệ thống tổng thống hành pháp có hiệu lực.

Các hành động quân sự ở nước ngoài nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng và giúp duy trì vị thế cho ông Erdogan. Đặc biệt, việc theo đuổi đường lối chủ nghĩa dân tộc đã giúp Tổng thống Erdogan củng cố liên minh với Đảng Phong trào Quốc gia theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Thứ hai, việc triển khai quân sự ở nước ngoài là điều phổ biến với chính các lực lượng vũ trang. Điều này giúp nâng cao tinh thần và động lực thông qua các cơ hội được trả lương và thăng chức, đồng thời cung cấp kinh nghiệm quý báu trong các hoạt động chung.

Động lực thứ ba thúc đẩy cách tiếp cận quân sự hóa của Thổ Nhĩ Kỳ là hài hòa mối quan hệ giữa giới lãnh đạo quân sự và dân sự, những người đồng thuận về sự cần thiết phải tăng cường khả năng quân sự và công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự đồng thuận này như một phần của quá trình chuyển đổi và tái cấu trúc rộng hơn có tên gọi Tầm nhìn 2033. Trong khi đó, các chính trị gia muốn sử dụng năng lực quân sự mới này trong chính sách đối nội và đối ngoại.

Họ cũng hy vọng rằng việc giữ cho quân đội bận rộn ở nước ngoài sẽ giúp việc kiểm soát dân sự đối với quân đội dễ dàng hơn, do các tướng lĩnh tập trung vào các vấn đề đối ngoại hơn là đối nội.

Cuối cùng, sự bùng nổ ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho phép Ankara theo đuổi một chiến lược độc lập hơn và phô diễn các hệ thống phòng thủ của mình nhằm mục đích tiếp thị quốc tế.

Những vấn đề cơ bản trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay có thể được tóm tắt như sau: 1) Thiếu một chiến lược lớn, còn mang tính ngắn hạn. 2) Chính sách đối ngoại đang ngày càng trở thành một công cụ chính trị hàng ngày trong nước, được định hình từ cách tiếp cận dân túy, ưu tiên tiêu dùng trong nước và gắn chính sách đối ngoại với chương trình chính trị trong nước của chính phủ. 3) Chính sách đối ngoại ngày càng bị cá nhân hóa, phản ánh cách tiếp cận theo chủ nghĩa dân túy và phân cực của Tổng thống Erdogan. 4) Lĩnh vực đối ngoại đã trở nên đan xen với hoạch định sự nghiệp chính trị, khi các chính trị gia AKP giờ đây dễ dàng được bổ nhiệm làm đại sứ hoặc giữ các chức vụ đối ngoại khác. 5) Quá trình ra quyết định thường không có sự tham vấn toàn diện và minh bạch, dẫn đến sự không chắc chắn, tùy tiện và không thể đoán trước trong các quyết định chính sách đối ngoại. 6) Tất cả các nhân vật cấp cao ở Ankara đều cảm thấy thoải mái khi tham gia vào lĩnh vực chính sách đối ngoại, vốn thường dẫn đến một mớ thông điệp hỗn độn.

Đối với các nhân tố nước ngoài, đặc biệt là những người ở phương Tây, điều này có thể tạo ra sự nhầm lẫn về việc ai là người có thể đối thoại ở Thổ Nhĩ Kỳ và làm gia tăng nguy cơ về một cuộc khủng hoảng quản lý và điều hành ngày càng sâu sắc ở Ankara./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục