Chính sách đối ngoại đa phương hóa giúp Việt Nam nâng cao vị thế

Với kinh nghiệm và những thành công đạt được trong lĩnh vực đối ngoại thời gian qua, Việt Nam sẽ tích cực tham gia góp phần duy trì ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Chính sách đối ngoại đa phương hóa giúp Việt Nam nâng cao vị thế ảnh 1Tiến sỹ Takashi Hosoda. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực đối ngoại, đặc biệt là thiết lập các cơ chế hợp tác song phương và đa phương để kết nối với thế giới.

Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam. 

Đây là đánh giá của Tiến sỹ Takashi Hosoda, chuyên gia nghiên cứu về khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc trường Đại học Tổng hợp Charles (Cộng hòa Séc) trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Praha về những thành tựu đối ngoại gần đây của Việt Nam trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Tiến sỹ Hosoda đánh giá cao chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế cũng như vai trò và sự đóng góp của Việt Nam trong những năm gần đây đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Chuyên gia này cho rằng vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là qua một năm 2020 đầy khó khăn và thách thức.

Theo ông Hosoda, trong bối cảnh tình hình thế giới năm 2020 xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp, với sự bùng phát của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã tác động sâu sắc tới các mối quan hệ quốc tế, Việt Nam vẫn được tôn vinh khi đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

Qua đó, vị thế của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung trong quan hệ với các đối tác đã được nâng cao, góp phần vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy giải pháp đa phương cho các vấn đề liên quan tới hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Điều này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với riêng Việt Nam, mà còn đối với các quốc gia ở châu Á.

[Báo Nikkei: Sự bứt phá ngoạn mục của Việt Nam trong đại dịch COVID-19]

Tiến sỹ Hosoda cũng đánh giá Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại đa phương quan trọng như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Anh (UKVFTA). Điều này góp phần quan trọng tạo động lực để Việt Nam phát triển kinh tế.

Bên cạnh việc thúc đẩy hợp tác đa phương, Việt Nam cũng chú trọng củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác song phương với các nước láng giềng và đối tác quan trọng như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Italy, Anh... nhằm tạo môi trường hòa bình, thuận lợi để bảo vệ lợi ích quốc gia và phát huy tiềm lực đất nước. 

Ông Hosoda cũng lưu ý Việt Nam còn thể hiện nỗ lực trong công tác quản lý chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU), ngăn chặn ô nhiễm rác thải nhựa và duy trì nghề cá bền vững.

Điều này cho thấy Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm trong thúc đẩy bảo vệ môi trường và duy trì phát triển bền vững, đây là hai yếu tố chính đối với nhiệm vụ chính trị toàn cầu trong thế kỷ 21. 

Theo ông Hosoda, nhằm tạo môi trường hòa bình, thuận lợi phục vụ bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, đồng thời phát huy tiềm lực quốc gia, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng các biện pháp xây dựng lòng tin, đưa mối quan hệ hợp tác với các đối tác đi vào thực chất, hiệu quả, đồng thời tăng cường tham gia các khuôn khổ hợp tác đa phương. 

Cùng chia sẻ quan điểm trên, chuyên gia nghiên cứu về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Đại học Tổng hợp Charles, Tiến sỹ Jan Hornat cũng đề cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong mối quan hệ quốc tế.

Điều này được thể hiện thông qua quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các cường quốc thế giới và khu vực không ngừng được tăng cường trong những năm qua, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo ông Jan Hornat, Việt Nam đang tiếp tục thành công trong hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, với điểm nhấn là việc thúc đẩy ký kết RCEP với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. 

Chuyên gia này nhận định, để góp phần đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung, Việt Nam cần chú trọng tăng cường mối quan hệ đối tác với các cường quốc khu vực có lợi ích chung trong việc thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Ông Hornat tin tưởng rằng với kinh nghiệm và những thành công đạt được trong lĩnh vực đối ngoại thời gian qua, Việt Nam sẽ tích cực tham gia góp phần duy trì ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương./.

Chính sách đối ngoại đa phương hóa giúp Việt Nam nâng cao vị thế ảnh 2Tiến sỹ Jan Hornat. (Ảnh: CEU)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục