Chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ và tình thế bị bủa vây

Đức đã bênh vực Thổ Nhĩ Kỳ và coi là bạn bè vào thời điểm Ankara đang đối mặt với sự cô lập ngày càng gia tăng từ EU cũng như từ các nước thành viên NATO.
 Chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ và tình thế bị bủa vây ảnh 1Máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ (trái) do REUTERS cung cấp và máy bay Su-25 của quân đội Armenia do AFP chụp. (Ảnh: REUTERS-AFP/TTXVN)

Theo trang mạng asiatimes.com, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 2/10 cho biết Liên minh châu Âu (EU) đang tìm kiếm một “cuộc đối thoại mang tính xây dựng và một chương trình nghị sự mang tính tích cực” với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuyên bố của bà được đưa ra sau khi bà trở về từ hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, nơi Đức đóng một vai trò quan trọng trong việc chèo lái mối quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ thoát khỏi con đường đối đầu và quay trở lại tình trạng quan hệ kể từ khi Ankara rời xa EU trong thời gian gần đây.

Thủ tướng Merkel nói: “Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận chi tiết và kéo dài về mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi muốn tiến tới đối thoại mang tính xây dựng với Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi muốn có một chương trình nghị sự tích cực.”

Bà Merkel cũng tiết lộ rằng cuộc thảo luận về mối quan hệ hợp tác gần gũi hơn giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ trong vài tháng tới sẽ tập trung vào những vấn đề như di cư, thương mại, hiện đại hóa liên minh thuế quan và một cơ chế cấp thị thực tự do. 

Trên thực tế, bà Merkel đã đề cập đến những điều tốt đẹp cần làm đối với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại thời điểm đặc biệt nhạy cảm đối với nhà lãnh đạo Ankara, khi ông vấp phải chỉ trích ngày càng gia tăng ở châu Âu liên quan những chính sách của mình đối với khu vực.

Trong đó, phải kể đến vụ va chạm giữa hải quân Thổ Nhĩ Kỳ và hải quân Pháp ở Đông Địa Trung Hải. Vụ việc này hiếm khi xảy ra, nếu không muốn nói là chưa từng có tiền lệ, liên quan đến hai cường quốc là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong lịch sử 70 năm tồn tại của liên minh quân sự phương Tây này.

Chắc chắn, những thông điệp của bà Merkel được phát đi với sự suy tính kỹ lưỡng. Phát biểu trước Quốc hội Đức trước khi đến Brussels, bà đã đề cập đến những phàn nàn về hồ sơ nhân quyền của Thổ Nhĩ Kỳ, song lại ca ngợi thành thích “tuyệt vời và đáng kể” của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tiếp nhận khoảng 4 triệu người tị nạn.

Rõ ràng, Đức đã bênh vực Thổ Nhĩ Kỳ và coi là bạn bè vào thời điểm Ankara đang đối mặt với sự cô lập ngày càng gia tăng từ EU cũng như từ các nước thành viên NATO.

Những sự kiện phôi thai

Stephen Walt, Giáo sư nổi tiếng tại Trường Quản lý Nhà nước John F Kennedy thuộc trường Đại học Harvard, từng có bài viết với tiêu đề “Cường quốc lớn được định hình bởi các cuộc chiến của họ,” trong đó ông chỉ ra rằng việc giải thích chính sách đối ngoại của một cường quốc lớn là một vấn đề thâm căn cố đế đối với học giả nghiên cứu chính trị quốc tế.

[Chính sách đối ngoại theo chiều hướng quân sự hóa của Thổ Nhĩ Kỳ]

Ông lập luận rằng các cuộc chiến quy mô lớn có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ và lâu dài đối với chính sách quân sự và đối ngoại sau này của một quốc gia.

Vị giáo sư này cũng giải thích rằng chiến sự là những sự kiện phôi thai mà từ đó dẫn dắt cách hành sử sau này của một cường quốc, mà không liên quan gì đến sức mạnh tương đối của cường quốc đó, hình thức thể chế hay bản chất lãnh đạo của cường quốc đó.

Liệu đây có phải là ký ức lịch sử chua xót đối với Berlin hay không khi Đế chế Ottoman từng là đồng minh của Đức trong cả hai thế chiến trong khi lại bị các cường quốc phương Tây cô lập một cách vô vọng?

Một ví dụ khác là quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Từ thế kỷ thứ 17 đến thế kỷ thứ 20, Nga đã tham gia 12 cuộc chiến với Đế chế Ottoman mà kết cục là đế chế này bị suy giảm sức mạnh và dần tan rã.

Thế nhưng, trong suy nghĩ của những người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ, thì Nga lại đóng vai trò lịch sử trong việc làm suy yếu Đế chế Ottoman ở Trung Âu, khu vực Balkan và khu vực Đông Nam châu Âu.

Đến năm 1991 sau sự sụp đổ của Liên Xô, khi khu vực Đông Nam châu Âu phân chia thành những nhà nước độc lập Georgia, Armenia và Azerbaijan, lịch sử đẫm máu liên quan các cuộc chiến tranh giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành nền tảng cơ sở cho mối quan hệ giữa Moskva và Ankara hiện nay.

“Quá khứ chưa bao giờ chết”

Trong bài viết của mình, giáo sư Walt đã trích dẫn một câu nói của tiểu thuyết gia người Mỹ William Faulkner: “Quá khứ chưa bao giờ chết. Nó thậm chí còn chưa trôi qua.”

Thực ra, đối với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Iran, những gì diễn ra hiện nay tại khu vực Đông Nam châu Âu tạo nên một phần của một sự kiện chung có quy mô lớn vốn định hình những quan niệm của họ về mối nguy hiểm cũng như những định nghĩa về chủ nghĩa anh hùng, sự hy sinh và thậm chí cả bản sắc của họ.

 Chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ và tình thế bị bủa vây ảnh 2Tàu hải quân Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc tập trận ở Đông Địa Trung Hải ngày 26/8/2020. (Ảnh: Anadolu Agency/TTXVN)

Trên thực tế, diễn biến tình hình hiện nay với những động thái của các nước liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ đã nói lên rằng Đức bày tỏ cảm thông đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời đề xuất một mối quan hệ đối tác tăng cường với Ankara; Pháp chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ và tìm kiếm các đòn trừng phạt của EU đối với Ankara; Paris cáo buộc Ankara điều động các tay súng Syria đến khu vực Nagorny-Karabakh; Đức đánh giá cao sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giải quyết vấn đề người tị nạn ở châu Âu; Pháp phối hợp với Nga ở cấp lãnh đạo cao nhất để gây sức ép đối với Ankara liên quan giải quyết xung đột tại Nagorny-Karabakh; NATO và Mỹ hưởng ứng lời kêu gọi của Nga và Pháp nhằm thực thi lệnh ngừng bắn ở khu vực Đông Nam châu Âu; Iran duy trì quan điểm trung lập và đề xuất nỗ lực phối hợp chung với Thổ Nhĩ Kỳ và Nga để giải quyết xung đột giữa Armenia và Azerbaijan.

Trong khi đó, ngay từ đầu, Moskva đã thể hiện lập trường mâu thuẫn của mình và đang can dự vào cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan song nghiêng về phía hậu thuẫn Armenia.

Khi Nga bày tỏ “quan ngại sâu sắc liên quan thông tin về sự can dự của các lực lượng tay súng thù địch thuộc các nhóm vũ trang bất hợp pháp ở Trung Đông”, Moskva rõ ràng đã chỉ trích sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Azerbaijan.

Và khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng ông đang đại diện cho một tiếng nói chung với “tổng thống của các nước cùng đóng vai trò chủ tịch Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, điều này cho thấy tình trạng “đối địch cạnh tranh” của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ đang gia tăng. 

Điều thú vị là Tổng thống Erdogan lại công khai lưu tâm đến bối cảnh địa chính trị và khu vực rộng lớn hơn trong đó, các cường quốc chưa được định danh đang ganh đua nhau và ngầm “bắt tay” nhau để cô lập Ankara.

Ông nói rõ: “Nếu chúng ta kết nối các cuộc khủng hoảng ở Caucasus, Syria và ở Địa Trung Hải thì sẽ thấy rằng đây là một mưu đồ nhằm cô lập Thổ Nhĩ Kỳ”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục