Chính sách đối ngoại của Nga chuyển hướng từ “Đại Âu” sang “Đại Á”

Mặc dù các nhà phân tích có xu hướng miêu tả chính sách đối ngoại của Nga là thực sự toàn cầu (độc lập với châu Âu, Mỹ, và Trung Quốc) nhưng nước này rõ ràng nghiêng về phía châu Á.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tại cuộc gặp ở Bắc Kinh ngày 26/4/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tại cuộc gặp ở Bắc Kinh ngày 26/4/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo eurasiareview.com, mặc dù các nhà phân tích có xu hướng miêu tả chính sách đối ngoại của Nga là thực sự toàn cầu (độc lập với châu Âu, Mỹ, và Trung Quốc), nước này rõ ràng nghiêng về phía châu Á.

Giới tinh hoa chính trị của Nga đang làm tất cả những gì có thể để che giấu chuyển biến này, nhưng nước này tích lũy thêm nhiều lợi ích và tự do để hành động ở châu Á hơn ở châu Âu hoặc bất cứ nơi nào khác.

Khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra năm 2014, các nhà phân tích chính trị đã khá đúng khi chỉ ra rằng Nga nếu không có Ukraine sẽ trở thành quốc gia châu Á nhiều hơn. Với biên giới hiện nay tiếp giáp với châu Á nhiều hơn châu Âu, Moskva chắc chắn sẽ tập trung nhiều hơn vào Trung Đông và Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ trở thành đồng minh chính của Nga trong đời sống chính trị toàn cầu, nhưng cũng có những nỗi sợ hãi mà Bắc Kinh sẽ làm lu mờ vai trò của Moskva trong các quan hệ song phương của họ. Nói cách khác, các nhà phân tích cho rằng Nga sẽ biến thành một nhân tố bổ sung cho Trung Quốc với tư cách là nguồn cung năng lượng cho người khổng lồ châu Á.

Các nhà phân tích Nga và nhiều người ở phương Tây đã bắt đầu phát triển ý tưởng rằng cuộc khủng hoảng Ukraine và kéo theo đó là mối quan hệ của Liên bang Nga với phương Tây xấu đi đã giải phóng Nga khỏi những quan điểm trung hữu thân châu Âu trong chính sách đối ngoại.

Lần đầu tiên kể từ thời Peter Đại đế, Nga sẽ bắt đầu "chống sự Âu hóa" triển vọng địa chính trị của họ và một lần nữa thực sự trở nên mang "tính Nga" xét về cách họ dẫn dắt các quan hệ đối ngoại của quốc gia. Trong phân tích này, Bắc Kinh được xem như một người mở đường thuận lợi cho Moskva.

Vì hai nước cùng có một mong muốn giới hạn ảnh hưởng của Mỹ qua lục địa Á-Âu, quả thực có một sự đồng cảm trong giới tinh hoa chính trị Nga về ý tưởng phát triển và chính thức hóa các mối quan hệ Nga-Trung vượt lên trên cấp độ hiện nay. Một số người thậm chí do dự chấp nhận ý tưởng về một liên minh.

Sự tung hứng các ý tưởng về chính sách đối ngoại của Nga từ năm 2014 khiến dư luận phải chú ý, nhưng nó che khuất một diễn biến quan trọng: Nga đang dần bị biến thành một quốc gia châu Á.

Nhiều người coi khẳng định này là quá giàu trí tưởng tượng và tuyên bố rằng Moskva hiện có nhiều con đường thông qua đó để thể hiện sức mạnh của họ trên khắp vùng đất Á-Âu. Ý tưởng “đa dạng hóa mới” này bỏ lỡ một thực tế đơn giản là Nga luôn có chính sách đối ngoại đa dạng.

[Điểm tựa kinh tế cho chính sách ngoại giao Nga trong năm 2020]

Moskva đã can dự rất nhiều vào Trung Đông trong nhiều thế kỷ. Điều này không chỉ áp dụng với thời kỳ Đế chế Ottoman trong thế kỷ 18-19, mà còn với các lợi ích của Nga ở Iran, Trung Á, Afghanistan (nếu chúng ta coi quốc gia này tách biệt với Trung Á), miền Bắc Trung Quốc, Bán đảo Triều Tiên và các nơi khác. Điều này đúng trong thời kỳ La Mã cũng như dưới thời Xô Viết. Ý tưởng cho rằng chính sách đối ngoại của Nga kể từ cuộc khủng hoảng Ukraine đã trở nên đa dạng hơn không tương ứng với thực tế của hai thế kỷ qua.

Những gì chúng ta đang thấy hiện nay đang làm giảm dần ảnh hưởng chính trị của Nga ở Đông Âu. Có thể kể đến địa chính trị đường ống dẫn dầu khí của Nga (thường thành công), vụ sáp nhập Crimea và cản trở những tham vọng của Ukraine, của Moldova, và của NATO/EU, nhưng thành công cuối cùng của tất cả các biện pháp đó vẫn còn là một câu hỏi. Phương Tây mạnh hơn Nga rất nhiều về kinh tế, quyền lực mềm và hơn thế nữa.

Nga đang trở nên tập trung nhiều hơn vào châu Á (bao gồm cả Trung Đông) không phải vì kế hoạch tổng thể của Kremlin mà vì việc chơi quân bài Trung Quốc là không thể tránh khỏi.

Khoảng mười năm trước, giới tinh hoa chính trị Nga đã nhiệt tình với triển vọng tạo ra một châu Âu lớn hơn từ Lisbon đến Vladivostok. Đây sẽ là một không gian kinh tế thống nhất ít nhiều kéo dài đến tận biên giới Trung Quốc. Chính ông Putin đã công khai ủng hộ ý tưởng này.

Nhưng sau một vài năm, quan điểm của Nga đã thay đổi hoàn toàn.

Về mặt địa kinh tế, ý tưởng của ông Putin về một châu Âu lớn hơn đã dần được thay thế bằng khái niệm về một châu Á lớn hơn từ St. Petersburg đến Thượng Hải.

Năm 2014, Trung Quốc thay Đức trở thành đối tác thương mại số một của Nga, nhưng Nga chỉ đứng thứ 10 trong số các đối tác thương mại của Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã thay Đức trở thành nhà cung cấp máy móc và thiết bị lớn nhất của Nga.

Các ý tưởng địa chính trị lớn ở Nga thường thay đổi là điều phổ biến. Một thập kỷ trước, người Nga đã hình dung mối quan hệ chính trị và kinh tế chặt chẽ hơn với châu Âu. Hiện nay, nhiều người nghĩ về quan hệ hợp tác gần như chiến lược với Trung Quốc, trong khi những người khác nghĩ về việc độc lập với Trung Quốc.

Moskva sẽ duy trì quan hệ với châu Âu. Nhiều vấn đề quân sự, an ninh và kinh tế trên khắp châu Âu chỉ có thể được giải quyết với sự tham gia của Nga. Nhưng có những thay đổi về kinh tế và văn hóa đã hạn chế sự áp đặt quyền lực của Nga vào Ukraine, các nước vùng Baltic, và thậm chí cả Nam Kavkaz.

Nga có phạm vi hoạt động tự do hơn ở Trung Á, thông qua các động thái quân sự ở Trung Đông và châu Phi hỗn loạn. Điều này minh chứng cho việc một nước Nga không có Ukraine và các nước vùng Baltic hiện đang có nhiều đường biên giới với châu Á hơn châu Âu.

Trong giới phân tích Nga có một xu hướng thịnh hành là chỉ ra cách thức trong hai thập kỷ qua dưới thời Putin, nước Nga đã thu được nhiều thành công trong đối nội, dẫn đến thành công trong chính sách đối ngoại. Trên thực tế, điều quan trọng hơn trong bối cảnh lịch sử nước Nga là giới tinh hoa chính trị Nga trong 20 năm qua đã và đang tìm kiếm vị thế mới ở lục địa Á-Âu cho quốc gia này.

Sự tiến triển này đã dễ dàng được dự đoán trước. Sau khi mất đi những vùng đất rộng lớn trước đây thuộc lãnh thổ Liên Xô, Nga buộc phải tìm vị trí của mình ở Âu-Á trong thế kỷ 21.

Moskva rất muốn mô tả mình là quốc gia độc lập, nhưng không phải như vậy. Nga, vốn không thể thích nghi với châu Âu, có rất ít sự lựa chọn ngoài việc quay sang châu Á./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục