Chính sách đối ngoại của Mỹ sau bầu cử giữa nhiệm kỳ

Một khi bị dồn vào chân tường, Tổng thống Donald Trump có thể dùng các biện pháp: tạo ra các cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại để đánh lạc hướng sự chú ý dư luận.
Chính sách đối ngoại của Mỹ sau bầu cử giữa nhiệm kỳ ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng project-syndicate.org, một điều vắng bóng trong chiến dịch bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vừa qua là sự tập trung vào chính sách đối ngoại.

Trong khi dòng người di cư từ Trung Mỹ thông qua Mexico thu hút sự chú ý, thì các vấn đề như thương mại với Trung Quốc, Iran, Triều Tiên, thậm chí Nga hay thủ đoạn lừa gạt qua mạng không được nhắc đến nhiều. Với việc đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện, điều đó sẽ thay đổi.

Một khi bị dồn vào chân tường, Tổng thống Donald Trump có thể chuyển sang dùng thủ đoạn chuyên quyền ở khắp mọi nơi: tạo ra các cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại để đánh lạc hướng sự chú ý dư luận ra khỏi những vấn đề trong nước.

Việc Trump quyết tâm kiểm soát thông tin trên phương tiện truyền thông sẽ giúp ông nhiều khả năng hướng sự chú ý vào những vấn đề rắc rối ở Trung Đông, tìm cách nêu lại mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên và buộc đảng Dân chủ đưa ra lựa chọn khó khăn giữa việc cứng rắn với Nga hay lao vào một cuộc chạy đua vũ trang.

Trump cũng có thể sử dụng Quốc hội như vật cản chính sách đối ngoại, đưa các thách thức quốc tế trở lại cho các nhà lập pháp, những người sẽ gặp nhiều khó khăn để tìm ra những câu trả lời tốt nhất.

Xét cho cùng, trong thế giới quan “tôi thắng, anh thua” của Trump, ông có thể đổ lỗi những thất bại của Quốc hội cho đảng Dân chủ và coi đó là thành công của Nhà trắng. Với việc Hạ viện Mỹ đặt dưới “sự quản lý mới”, gồm cả số thành viên nữ kỷ lục của đảng Dân chủ, Trump có một mục tiêu hấp dẫn. Ông sẽ thể hiện cho những người mới rằng quả bóng đã được chuyền qua và ngồi xem họ thất bại.

Trong cuộc tranh cãi mới để đổ thừa trách nhiệm, vấn đề Syria có thể sẽ được lựa chọn. Ông Eliot Engel, ứng viên sáng giá cho vị trí Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, từng nói rằng đảng Dân chủ có thể tìm kiếm thẩm quyền Quốc hội cho việc sử dụng lực lượng quân sự ở Syria.

Nhưng không ai, người Dân chủ hay đảng Cộng hòa, có một kế hoạch hợp lý để chấm dứt cuộc chiến tranh ở Syria hoặc thậm chí giúp đỡ người dân Syria bằng những con số đầy ý nghĩa, còn hơn là việc tạo nguy cơ để nhà cầm quyền Syria, Bashar al-Assad, có thể sử dụng vũ khí hóa học.

Bất kỳ động thái nào mà đảng Dân chủ thực hiện sẽ không nhận được sự ủng hộ của các cử tri và sẽ chỉ làm thay đổi sự chú ý từ việc Trump không có khả năng giải quyết vấn đề sang việc họ (đảng Dân chủ) thiếu một kế hoạch của riêng mình.

[Triển vọng chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump]

Vấn đề Iran cho Trump một cơ hội khác để gây tổn thất chính trị cho đảng Dân chủ. Trump tiếp tục thực hiện lời đe dọa hồi tháng 1 năm nay rút Mỹ khỏi hiệp định hạt nhân Iran 2015- tên gọi chính thức Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA)- nếu Quốc hội không “điều chỉnh” nó.

Đặc biệt, ông muốn tái áp đặt trừng phạt Iran, mà ông đã thực hiện hồi đầu tháng này. Những trừng phạt, Trump đã duy trì lâu nay, sẽ buộc Iran phải thương lượng. Điều đó đã không xảy ra và không có khả năng xảy ra.

Để hối thúc Iran ngồi vào bàn đàm phán, và quan trọng hơn, để khẳng định quyền lực và giữ thể diện, Trump có thể gia tăng căng thẳng, nếu không khích động Iran lao vào một cuộc đối đầu. Và ở đây, ông Engel có thể buộc phải giả vờ chấp nhận.

Ông Engel nói rằng Iran là “đối thủ nguy hiểm nhất” ở Trung Đông, và ông cũng lên tiếng phản đối JCPOA. Mặc dù ông đã ủng hộ hiệp định này sau khi nó được ký và phản đối việc rút khỏi nó, nhưng Trump có thể sử dụng quan điểm của ông Engel về Iran để hối thúc ông này chấp nhận một thái độ hiếu chiến hơn hoặc đe dọa “làm suy yếu” an ninh quốc gia.

Nhưng tác động tiềm ẩn này có thể là một cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại mà sẽ không đem lại sự tiến bộ đáng kể nào cho một hiệp định hạt nhân mới ngoài những chỉ trích xung quanh.

Đảng Dân chủ cũng cho Trump một lối thoát khỏi vấn đề Triều Tiên. Tháng 6 vừa qua, ông Engel đã giới thiệu Đạo luật Cơ bản Hạt nhân Triều Tiên mà sẽ yêu cầu Nhà trắng báo cáo về hiện trạng chương trình hạt nhân của Triều Tiên và cung cấp thông tin cơ bản về sự tiến bộ cho các cuộc đàm phán tiếp theo.

Ông Engel từng nói ông sẽ yêu cầu một cuộc điều trần về các cuộc đàm phán với Triều Tiên. Dù cuộc điều trần đó như thế nào thì nó có thể sẽ là cái cớ để nhà lãnh đạo Triều Tiên biện hộ về việc nuốt lời thỏa thuận phi hạt nhân hóa của ông với Trump.

Có lẽ với hoạt động của Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát và việc đảng này tăng cường nhằm vào Nga, ông Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm chung (INF) trong tháng 10 vừa qua với cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước.

Được ký năm 1987 giữa Tổng thống Ronald Reagan và Nhà lãnh đạo tối cao Liên Xô Mikhail Gorbachev, INF quy định cả Mỹ và Nga phải giảm số lượng tên lửa hành trình và đạn đạo được phóng lên từ mặt đất. Việc Mỹ rút khỏi hiệp định này báo hiệu sự khởi đầu của một cuộc chạy đua vũ khí mới.

Trump đã kêu gọi tăng cường chi tiêu quốc phòng và phát triển một “lực lượng không gian.” Khi đảng Dân chủ tập trung vào sự can thiệp của Nga trong bầu cử Mỹ 2016, mối quan hệ của Trump với Nga và chi tiết cuộc thảo luận kín của Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki (Phần Lan) hồi tháng 7/2018, họ sẽ phải đối mặt với triển vọng tạm ngừng tăng chi tiêu quốc phòng hoặc chần chừ đối với vấn đề về Nga.

Nhiều nơi trên thế giới thở phào nhẹ nhõm khi đảng Dân chủ tái kiểm soát Hạ viện, bởi vì nó báo hiệu một sự tổn thương đối với cách tiếp cận trật tự thế giới thông qua chính sách “Nước Mỹ trước tiên” phi tự do, đầy hiếu chiến của Trump.

Nhưng đảng Dân chủ nên kìm nén sự thôi thúc cố gắng sửa chữa những sai lầm của Trump. Hạ viện chỉ có đủ quyền lực để xem xét tình trạng rắc rối của chính sách đối ngoại nhưng không có đủ quyền lực để giải thoát nó hoặc để thông qua và thực thi một chiến lược gắn kết.

Cách tốt nhất của đảng Dân chủ là để Trump thực hiện vai trò lãnh đạo trong các vấn đề toàn cầu, dù không hài lòng, và tích cực làm việc để kiểm tra, giám sát và cân bằng các hành động của ông ta.

Cuối cùng, Trump sẽ cần những nghị sỹ đảng Dân chủ trong Hạ viện để ủng hộ về tiền bạc, cấm vận và các hiệp định thương mại. Nếu họ chơi đúng bài, ông ta sẽ phải trao bài cho họ. Còn không, họ sẽ thấy rằng Trump vẫn nắm sức mạnh trong tay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục